Báo cáo công bố mới đây của Kiểm toán Nhà nước xác định: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường phải có nghĩa vụ nộp khoản tiền thuê đất tại khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) là 25,7 tỷ đồng bao gồm cả khoản tiền chậm nộp.
Liên quan tới vấn đề này, phía doanh nghiệp Xuân Trường xác nhận, đại diện đơn vị đã có buổi làm việc với cơ quan có thẩm quyền về việc rà soát lại diện tích thuê đất tại khu du lịch Tràng An, diện tích thuộc vùng lõi di sản và thiên nhiên thế giới. Doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình không tính tiền thuê đất của doanh nghiệp kể từ khi công trình thi công cho đến thời điểm hiện nay.
Cũng theo nhận định từ phía người trong cuộc, nguyên nhân dẫn đến sự ồn ào xung quanh câu chuyện nói trên là do "xung đột" quan điểm.
Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền cho hay, từ năm 2007 đến 2014 (trước khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới) thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất nói trên cho Nhà nước. Từ năm 2014, sau khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới, cơ quan có thẩm quyền cần xác định lại khoản tiền thuê đất vì từ thời điểm này trở đi, Tràng An đã thuộc sở hữu chung của nhân loại.
Trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng doanh nghiệp của ông không sai, Tràng An đã là di sản thế giới nên các hợp đồng thuê đất không có giá trị (đề nghị không tính khoản tiền thuê đất đối với doanh nghiệp), vì thế phía doanh nghiệp sẽ đề nghị “bên thứ 3” vào cuộc làm rõ khoản nợ này: “Cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ khoản nợ thuế này để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tính tới phương án đề nghị tòa án vào cuộc, phán xử”.
"Năm 2008, chúng tôi thuê đất làm dự án Tràng An. Đến năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á, là niềm tự hào của Việt Nam. Do đó tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, tất cả đều thuộc về di sản của nhân loại chứ không thuộc về cá nhân nào cả (nghiêm cấm việc cho thuê đất trong vùng lõi làm biến đổi di sản)", thông tin doanh nghiệp Xuân Trường gửi đến báo chí.
Ngoài ra, ông chủ Xuân Trường cũng cho biết, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp đang bị làm khó bởi một số "tin đồn nhảm".
“Có một số thành phần đứng sau dọa công nhân của tôi rằng, tôi sắp bị khởi tố, hoặc bị bắt rồi khuyên họ không làm việc với doanh nghiệp nữa vì có làm cũng không có tiền trả lương. Tuy nhiên, đây là những thông tin không chính xác”, ông chủ Xuân Trường chia sẻ.
Trước đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay, Chi cục thuế huyện Hoa Lư đã nhiều lần làm việc, đôn đốc và gửi thông báo yêu cầu Doanh nghiệp nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, từ thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất năm 2007 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường chưa thực hiện nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền thuê đất phải nộp tính đến hết năm 2018 cơ quan Thuế xác định là hơn 25,7 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là hơn 15,6 tỷ đồng và tiền chậm nộp là hơn 10,1 tỷ đồng.
Trước những sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước năm 2018 và các năm trước sau có liên quan đến Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chú ý xử lý dứt điểm những vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường, yêu cầu nộp đủ tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp và báo cáo tài chính theo quy định.
Reatimes ghi nhận ý kiến một số chuyên gia đánh giá về câu chuyện này:
Chuyên gia tài chính - thuế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:
Việc giao đất thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến di sản, chùa chiền phải rõ ràng, công khai, minh bạch về hình thức giao đất, hình thức đầu tư, chế độ sử dụng đất và các hợp đồng thuê đất, đâu là vùng lõi của di sản...
Khi doanh nghiệp xin làm dự án chùa chiền, sau đó thu phí kinh doanh thì rõ ràng phải nộp tiền thuê đất. Không thể có chuyện Tràng An được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới nên doanh nghiệp không phải trả tiền thuê đất, bỏ luôn các hợp đồng thuê đất cả 5 - 6 năm trước đó. Đó chỉ là cái cớ, không thể nhập nhèm giữa việc thuê đất trước khi danh thắng Tràng An được công nhận và sau khi được công nhận.
Trong câu chuyện này có thể thấy, bản thân doanh nghiệp có nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc nộp thuế.
Mức phạt chậm nộp hiện nay còn khá nhẹ đối với những người cố tình không nộp thuế. Nhà nước phải có biện pháp cưỡng chế một cách nghiêm khắc để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Nếu đăng ký là dự án đầu tư du lịch để thu lợi thì giao đất phải thu tiền. Còn nếu quan niệm đây là phát triển một công trình tôn giáo, cơ sở tôn giáo theo nguyện vọng của người dân thì giao đất không thu tiền, 2 cái đó phải rành mạch, minh bạch, không được mập mờ.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước là hoàn toàn đúng, nếu chủ đầu tư dự án đứng ra thu tiền kinh doanh dịch vụ thì phải trả tiền thuê đất, ít nhất là thuê đất hàng năm, nếu không trả tiền thuê đất, coi là giao đất không thu tiền thì có nghĩa là trái pháp luật.
Câu trả lời của Xuân Trường về việc chậm nộp tiền thuê đất là hoàn toàn sai, thiếu căn cứ. Nếu anh coi đây là cơ sở tôn giáo, anh phải chứng minh đây là nguyện vọng của người dân muốn xây dựng, dân đóng góp bao nhiêu, tổ chức tôn giáo có thể chi viện bao nhiêu,… tất cả đó phải rõ ràng, rồi nhà đầu tư có thể bỏ tiền vào giống như là tiền quyên góp, đóng góp cho cơ sở tôn giáo - thì đây là câu chuyện hoàn toàn khác.
Lúc này, tiền đèn hương là cơ sở tôn giáo đó thu, theo quy luật hiện nay của quản lý các cơ sở tôn giáo, bao nhiêu tiền để bảo dưỡng quản lý cơ sở lâu dài để đưa cho địa phương nhận, còn bao nhiêu tiền để nuôi dưỡng cơ sở tôn giáo đó, đèn hương tại cơ sở tôn giáo đó, pháp luật hiện nay đã quy định rõ.
Tôi cho rằng Chính phủ cần có ý kiến một cách rõ ràng, đừng mập mờ giữa sự ủng hộ đạo Phật với sự nhập nhèm về pháp luật. Không thể để kiểm toán vạch ra thì mới phát hiện ra sai phạm.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:
Theo tôi thuế là một lĩnh vực đặc thù, để kết luận doanh nghiệp có nợ thuế và các khoản thu khác (trong đó có tiền thuê đất) hay không, nợ bao nhiêu không hề đơn giản. Chúng ta cần căn cứ vào hồ sơ pháp lý dự án như: Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu dự án; Quyết định cho thuê đất/ giao đất; Hợp đồng thuê đất; Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, văn bản miễn, giảm tiền thuê đất nếu có;...); Tài liệu về quá trình nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp đối với Nhà nước, chính sách thu tiền thuê đất, sử dụng đất tại địa phương theo từng thời kỳ (Các Quyết định về đơn giá đất của UBND tỉnh các thời kỳ, thông báo thu tiền thuê đất của cơ quan thuế tại địa phương),...
Đối với các dự án đầu tư như dự án Khu du lịch Tràng An của doanh nghiệp Xuân Trường, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này rất rộng, trước tiên phải kể đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư để định vị dự án được triển khai theo hình thức nào, doanh nghiệp thuộc diện đóng thuế và tiền thuê đất cho Nhà nước như thế nào, rồi mới đến pháp luật về quản lý thuế để áp số tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp... Ngoài ra cũng cần xem xét đến sự phù hợp của dự án đối với các quy định của pháp luật chuyên ngành Di sản văn hóa, bởi quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014.
Trên phương diện quản lý thuế, nếu Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nhiều năm thì có thể xem là nguồn tin tin cậy và có hiệu lực thi hành (Theo quy định hiện nay, kết luận của cơ quan chuyên môn là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong các vụ việc dân sự tại tòa án). Tuy nhiên, trong trường hợp không đồng ý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện hành chính nếu cho rằng mình bị xâm phạm, cơ quan thuế có sai sót khi xác định số tiền nộp thuế,... như trong vụ việc trên, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng doanh nghiệp đang xem xét “kêu oan”.
Việc ông chủ Xuân Trường cho rằng “Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại” là không đúng.
Về mặt quản lý di sản, chúng ta thấy, Nhà nước trực tiếp quản lý di sản, ngay quá trình nộp hồ sơ đăng ký công nhận di sản thế giới cũng do Nhà nước thực hiện nên không thể nói sau khi trở thành di sản thế giới thì tài sản là của “nhân loại”, Nhà nước không có quyền thu tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp với tư cách tổ chức được giao quản lý di sản cần phải chung tay gánh vác nhiều trách nhiệm hơn cùng với Nhà nước trong việc bảo tồn, phân bổ nguồn lực tài chính để duy trì, bảo vệ di sản, quảng bá đến cộng đồng và phát triển du lịch.
Nếu tiếp cận dưới góc độ dự án đầu tư càng thấy một điều chắc chắn, doanh nghiệp xin cấp phép và thực hiện dự án đầu tư, ví dụ như Khu du lịch Tràng An không ngoài mục đích kinh doanh, sinh lời thì việc đóng góp nghĩa vụ tài chính với nhà nước là điều phù hợp. Trừ trường hợp, dự án nằm trong diện ưu đãi đầu tư, được miễn, giảm tiền thuê đất...