Aa

Đừng “ngậm hạt thị” trước sự giận dữ của dư luận

Thứ Năm, 18/04/2019 - 13:52

Quả bom đầu tiên ở Sơn La đã nổ, bất chấp việc ai đó từ chối công bố danh tính các thí sinh được nâng điểm, từ chối công bố tên tuổi họ là “con đồng chí nào”.

Câu hỏi bức xúc suốt cả năm qua “Họ là ai? Đã làm cách nào? Và liệu có chuyện ai đó “giá điểm thi” vào con cháu để gây họa cho họ?” hôm qua đã được trả lời phần nào khi báo chí công bố một danh sách với cái ngoặc kép mỉa mai “con đồng chí nào”.

Thật sự là choáng váng với những thí sinh được “nâng” tới 25 điểm. Choáng váng với danh sách dài dặc những đồng chí lãnh đạo có con được “nâng” điểm:  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở GD&ĐT Sơn Lan; Phó Chánh Thanh tra UBND tỉnh Sơn La; Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La; Giám đốc VNPT Sơn La; Cục trưởng cục Thuế tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La...

Quả bom đầu tiên ở Sơn La đã nổ bất chấp những lý do đại loại “nhân đạo”, bất chấp việc thông tin bị “ém nhẹm”.

Nhưng đây mới chỉ là “quả bom” đầu tiên, khi còn đó những Hòa Bình, những Hà Giang. Và đây mới chỉ là một danh sách chức vụ các “đồng chí” trong khi tên tuổi thật sự vẫn chưa được công bố.

Nhưng bản danh sách “con đồng chí nào” được công bố và sự bùng nổ của dư luận cho thấy sẽ là cực kỳ sai lầm nếu cơ quan chức năng vẫn “ém nhẹm” thông tin vụ tiêu cực này, đặc biệt là những người đã dùng tiền, dùng quyền để mua điểm, mua cơ hội cho con em họ.

“Dùng tiền, dùng quyền để mua điểm, mua cơ hội” là phát biểu của ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa khi ông khẳng định rằng đây là “hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ”. Vị ĐBQH nổi tiếng thẳng thắn đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thu thập bằng chứng để xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.

Trong một nhà nước pháp quyền, mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Bất kể anh là ai, giàu có, quyền chức thế nào, nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý như nhau, "không thể vì anh nhiều tiền, nhiều quyền hơn mà được đặc cách không bị xử lý".

Bởi việc xử lý, và công khai các thông tin vi phạm, xét ra, để “trả lại công bằng” cho những thí sinh thi thật, học thật đã bị tước đoạt cơ hội bởi những người gian dối. Bởi việc xử lý và công khai, còn để đảm bảo công bằng giữa những người vi phạm.

Cái kim trong bọc lâu ngày... không thể có một thứ gọi là “nhân đạo” với gian dối, không thể viện bất cứ lý do nào đó để "ém nhẹm" những người đã dùng quyền, dùng tiền “mua điểm” được đâu, với những người thậm chí còn kêu oan như thể ai đó đã “giá điểm thi” vào con cháu để gây họa cho họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top