Aa

“Ông lớn” dầu khí PVC đắm chìm trong “miếng bánh” bất động sản

Thứ Bảy, 29/06/2019 - 21:26

Thị trường bất động sản luôn là “miếng bánh” hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tư nhân và thậm chí là Nhà nước. Thế nhưng, “miếng bánh” ấy nhiều lúc không ngọt ngào như tưởng tượng...

Từ tranh cãi nảy lửa giữa các cổ đông…

Sáng 28/6, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, Mã: PTL) đã diễn ra đầy căng thẳng. Tuy nhiên, vấn đề nóng nhất được cho là các yêu cầu của cổ đông về việc huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Petroland tại Công ty CP Dầu Khí Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Chính – Chủ tịch HĐQT Petroland thông báo, theo yêu cầu của cổ đông lớn Đinh Việt Thanh - Thành viên HĐQT Petroland, sở hữu 13,3 triệu cổ phần, tương đương 13,58% cổ phần Petroland, yêu cầu bổ sung thêm 2 thành viên vào ban kiểm phiếu.

Cổ đông Đinh Việt Thanh cũng đưa ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, thanh toán 70% thù lao cho hội đồng quản trị, 30% còn lại sẽ quyết toán sau. Thứ hai, kiến nghị của cổ đông Đinh Việt Thanh tăng vốn Petroland thêm ít nhất 500 tỷ đồng. Thứ ba, yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Petroland tại Công ty CP Dầu Khí Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Tuy nhiên, cả 3 kiến nghị của nhóm cổ đông Đinh Việt Thanh đều bị phía cổ đông lớn là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đơn vị sở hữu 36,42% cổ phần Petroland bác bỏ.

Bức xúc nói về tính pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa Công ty CP Dầu Khí Thăng Long với Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, ông Phạm Hữu Hiền - đại diện cho cổ đông lớn nắm hơn 5,2% vốn tại Petroland cho rằng, việc chuyển nhượng dự án của HĐQT Petroland là sai hoàn toàn trong việc định giá và quy trình đấu giá cổ phần nhà nước theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

“Tôi chưa thấy bất cứ hoạt động chuyển nhượng nào mà đơn vị chuyển nhượng đứng ra bao luôn tiền sử dụng đất cho đối tác sau khi đã kí hợp đồng như trường hợp của Petroland”, ông Hiền nói. Cổ đông này cũng tính toán, số tiền mà Petroland sẽ phải đóng tiền sử dụng đất cho dự án bất động sản tại quận 9 là 500 tỷ đồng.

“Tôi cũng đã xem lại tất cả các dự án chuyển nhượng khác của Petroland. Dự án Khu đô thị dầu khí Nha Trang cũng tương tự. Thông tin hiện nay tôi có, chúng ta chuyển nhượng chỉ với 300 tỷ đồng, chỉ sau 3 tháng dự án này đang được bán với giá 1.800 tỷ đồng. Tôi mong muốn vấn đề này được làm cho rõ”, ông Hiền cho biết.

D

Dự án chung cư Q.9 Petroland hợp tác đầu tư chuyển nhượng cho đối tác khác. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Nói thêm về vấn đề này, các cổ đông cho rằng, việc chuyển nhượng dự án Thăng Long với Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh tồn tại phức tạp, gây thiệt hại cho cổ đông và Nhà nước. Lấy ví dụ về miếng đất đã bán cho Đất Xanh, ông Minh Khanh phân tích, dự án này bán 563 tỷ đồng và Petroland phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 500 tỷ, như vậy miếng đất 8,7 ha tại Quận 9 có phải giá không đồng? PVC có biết đây là tiền của cổ đông mà còn là tiền của nhà nước hay không? Chẳng lẽ PVC bán đất Nhà nước với giá không đồng? Ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này?

“Về miếng đất bán cho Đất Xanh khoảng 570 tỷ đồng, nếu như thu hồi về miếng đất này có thể triển khai được thì đã có người chịu mua đến 3.000 tỷ đồng. Nếu Nhà nước thoái vốn sẽ không phải 360 tỷ mà phải trên 800 tỷ đồng”, cổ đông Minh Khanh cho biết.

Một vấn đề khác được đặt ra là, Petroland có rất nhiều đất đai giá trị nhưng giờ đã lỗ gần 300 tỷ đồng, nếu phải xử lý hợp đồng với Đất Xanh phải mất thêm tầm 500 tỷ nữa thì chắc chắn công ty sẽ phá sản. Các cổ đông cũng yêu cầu PVC để những người mới có năng lực điều hành, đưa Petroland vượt qua bờ vực phá sản.

Vậy nhưng, do phía cổ đông lớn PVC không đồng ý dẫn đến kiến nghị của nhóm cổ đông Đinh Việt Thanh về việc đưa nội dung huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh và các kiến nghị khác vào chương trình nghị sự không được thông qua.

Liên quan đến chuyển nhượng cổ phần Thăng Long, ông Nguyễn Long - Thành viên HĐQT Petroland, ban chủ toạ trả lời: “Nội dung đó thuộc thẩm quyền tại HĐQT và không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Việc chuyển nhượng là đúng hay sai thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng”.

Trước những ý kiến của cổ đông, đại diện vốn nhà nước PVC tại Petroland cho rằng: “Chúng ta đều là cổ đông không nắm rõ tình hình và chúng ta không thể phản bác các hoạt động của HĐQT, thuộc về thẩm quyền cơ quan pháp luật. Đó là lý do PVC không đồng ý thông qua việc huỷ hợp đồng mua bán đất cho Tập đoàn Đất Xanh”.

Bên cạnh vấn đề trên, các cổ đông cũng yêu cầu PVC trả lời rõ nội dung có biết việc chuyển nhượng vốn tại KĐT Nha Trang và Thăng Long, đặc biệt là vấn đề chuyển nhượng vốn không qua đấu giá là trái quy định?

Đại diện PVC và Chủ tịch Petroland - ông Bùi Minh Chính đều thừa nhận rằng việc chuyển nhượng tại cả 2 dự án trên là thoả thuận và không thông qua đấu giá. Cuối cùng, cuộc họp kết thúc trong khi những nhiều yêu cầu của các cổ đông chưa được giải quyết.

… Đến chìm đắm trong “miếng bánh” bất động sản

Cũng liên quan đến một đơn vị thành viên khác của "ông lớn" Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đó là Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCland).

Được biết, trước đó, PVC đã có công văn gửi Bộ Tài chính xin hướng dẫn về việc thoái vốn tại PVCland. Theo tìm hiểu, PVCland được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ thực góp là 249,65 tỷ đồng. Trong đó, PVC góp 190,6 tỷ đồng, giá trị đầu tư là 203,79 tỷ đồng (tương đương 76,35% vốn điều lệ) của PVC Land.

Công ty này được thành lập với hoạt động chính là tập trung đầu tư vào dự án PetroVietnam Landmark, tổng mức đầu tư là 1.320 tỷ đồng. Theo đó, ngoài vốn điều lệ đã góp, PVCland đang phải vay vốn ngân hàng thương mại và ứng trước vốn của khách hàng để có thể thực hiện được dự án.

Trong khi, khối chung cư PetroVietnam Landmark đang thi công dang dở và chậm bàn giao nhà gần 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, ước tính PVCland còn phải chi 224,25 tỷ đồng để hoàn thành dự án và bàn giao nhà cho khách hàng bao, gồm: Thanh toán cho nhà thầu 115 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước 8,39 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng 67,36 tỷ đồng, các chi phí khác 33,5 tỷ đồng.

Hàng trăm khách mua nhà cùng với băng rôn, khẩu hiệu tập trung tại trụ sở của PVCLand để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà.

Hàng trăm khách mua nhà cùng từng đem băng rôn, khẩu hiệu tập trung tại trụ sở của PVCland để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà.(Ảnh: Đình Sơn)

Thế nhưng, bức tranh tài chính của PVCland vẫn xám xịt. Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán độc lập tại thời điểm ngày 31/12/2018, lỗ luỹ kế của công ty này là 228,84 tỷ đồng và không có chiều hướng thuyên giảm do các hoạt động đầu tư tại các dự án đều dang dở, vốn chủ sở hữu của PVCland còn lại là 20,81 tỷ đồng/249,65 tỷ đồng vốn điều lệ.

Công ty đang có dư nợ quá hạn ngân hàng, nợ ngắn hạn chiếm 32% tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 4 lần và không còn tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Vậy nhưng, PVN/PVC không thể hỗ trợ vốn cho PVCland tiếp tục triển khai dự án, vì bị giới hạn bởi các quy định hiện hành và tiềm ẩn rủi ro mất thêm vốn nếu hỗ trợ. PVCland có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản nếu khách hàng không nhận được nhà và tình trạng khiếu kiện có thể tiếp tục xảy ra.

Hiện, công ty mẹ PVC cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2018, số lỗ luỹ kế của PVC đang ở mức 3.377 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 4.855 tỷ đồng, chiếm 87% tổng tài sản của công ty này, hệ số thanh toán nợ đến hạn là 0,84 cho thấy PVC đang mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng. Bên cạnh đó, PVC vẫn đang phải gồng mình để tập trung nguồn lực nhằm hoàn thiện thi công dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Từ những phân tích trên, phần nào thấy được bức tranh toàn cảnh của “ông lớn” dầu khí, trong đó có thành viên là Petroland và PVCland, khi lấn sân sang lĩnh vực ngoài ngành. Có thể nói, bức tranh ấy đang xám xịt trong “miếng bánh” bất động sản đầy hấp dẫn.

Ngày 10/10/2018, tại Văn phòng Petroland ở quận 7, đại diện Petroland đã bàn giao nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan cho Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tiếp nhận điều tra làm rõ. Hai bên thống nhất bàn giao và tiếp nhận các tài liệu, gồm: bộ hồ sơ thanh toán của 20 hợp đồng môi giới và tư vấn tại tòa nhà Petroland Tower; bộ hồ sơ các hợp đồng gây thiệt hại cho Petroland (gồm 21 hợp đồng); bộ hồ sơ liên quan đến nguyên Ủy viên HĐQT, Phó giám đốc, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản của Petroland Trần Hữu Giang; bộ hồ sơ liên quan đến hợp đồng quản lý và vận hành tòa nhà với Công ty CP đầu tư dịch vụ Sao Kim; bộ hồ sơ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Petroland và Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh…
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top