Nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng cho thuê
Dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thị trường nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao người dân đều có nhà để ở do đó, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội.
"Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này. Do đó, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 - 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở", ông Hà kiến nghị.
Theo ông Hà, Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Tiền trong dân còn nhiều, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở.
Ở các nước, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê bằng cách thông qua các Quỹ tín thác bất động sản - REIT. Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững.
Cần quy hoạch bài bản nhà ở xã hội
Trong khi đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, rất cần thiết phân biệt và định nghĩa rõ ràng giữa nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phải chăng hay nhà ở cao cấp.
Cụ thể, nhà ở xã hội là nhà ở của Nhà nước đứng ra quy hoạch, hỗ trợ cho bộ phận dân cư yếu thế.
Nhà ở thương mại có giá phải chăng là Nhà nước hỗ trợ cho bộ phận người dân đại trà, đáp ứng đại đa số quần chúng.
Nhà ở cao cấp, theo quy định của Bộ Xây dựng phải đảm bảo yêu cầu về quy hoach, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Như vậy cũng đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số dự án nhà ở cao cấp nhưng có nội thất, dịch vụ chưa đủ cao cấp. Theo đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khâu đầu tiên cần quan tâm là định nghĩa rõ loại nhà và quy hoạch. Chúng ta cần quy hoạch làm sao để mang đặc tính khu dân cư, đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc, nhu cầu sinh hoạt.
"Trước đây, chúng ta có quan điểm nhà ở xã hội, giá thấp nên chất lượng thấp, dẫn đến nhiều khu xây xong không bán được, người dân không đến ở. Hiện tại, đã đến lúc chúng ta cần làm bài bản quy hoạch trong phát triển dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Việc dành 20% đất dự án nhà ở thương mại phát triển nhà ở xã hội, nghe dường như hợp lý nhưng tôi cho là còn manh mún. Xây lên sẽ khó đảm bảo được sự đồng bộ", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.