Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, thời điểm 3 tháng cuối năm 2016, xu hướng phát triển của thị trường BĐS có thể phân rõ thành 3 hướng: Phân khúc cao cấp dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng tiềm ẩn rủi ro vì tỷ lệ cạnh tranh quá lớn; Phân khúc giá rẻ được nhà nước ủng hộ và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bước chân vào đầu tư; Phân khúc trung bình phát triển một cách bình thường, không nhiều biến động nhưng cũng không tác động nhiều tới xã hội bằng phân khúc nhà giá rẻ.
Liên quan đến phân khúc BĐS cao cấp, ông Đực cảnh báo, hiện TP.HCM đang nổi lên nhiều xu hướng, trong đó báo động về nguy cơ bội thực nhà cao giá đầu năm 2016. Nếu không chấn chỉnh kịp thời sự phát triển thiếu cân đối cung – cầu, thiếu thực tế giữa các phân khúc so với nhu cầu thực của khách hàng thì sẽ dẫn đến chuyện hàng loạt dự án không bán được bị đóng băng.
Vị Phó Chủ tịch HoREA nhận định, một khi có nguy cơ bong bóng, nếu vỡ trận thì chính phân khúc cao cấp sẽ làm thất thoát, thiệt hại rất lớn cho TP.HCM.
Theo ông Đực, bên cạnh phát triển căn hộ cao và trung cấp, các chủ đầu tư nên chú trọng đến phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Bởi, phần đông người dân, trong đó có không ít người trẻ thu nhập không cao đang có nhu cầu mua nhà nhưng chưa thể tiếp cận được các sản phẩm phù hợp. Sản phẩm căn hộ vừa và nhỏ cũng là phân khúc bền vững, trụ cột cho thị trường BĐS.
“Thực tế, lãnh đạo TP.HCM đã thấy được nhu cầu của những người nghèo sinh sống trên địa bàn nên cũng mong muốn làm sao có những căn hộ 100 – 300 triệu đồng. Đồng thời lãnh đạo thành phố cũng đã thấy rằng chuyện TP.HCM không thực hiện được mong muốn này suốt một thời gian dài là một khuyết điểm, từ đó chỉ đạo Sở Xây dựng TP.HCM cũng như các doanh nghiệp phải học tập mô hình 30m2/100 triệu đồng của Bình Dương. Đây là vấn đề nổi bật nhất của TP.HCM từ nay đến cuối năm”, ông Đực cho biết.
Trả lời băn khoăn về việc lợi nhuận từ phân khúc nhà giá rẻ không cao so với các phân khúc cao cấp - một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa dám “mạnh tay” đầu tư, ông Đực khẳng định: “Phân khúc nhà giá rẻ tôi cho là doanh nghiệp không “tránh”, nếu Nhà nước ủng hộ và có hành lang pháp lý tạo điều kiện. Ví dụ cho phép làm căn hộ 20m2, cho phép làm căn hộ 30m2. Nếu bán những căn hộ này với giá vừa phải, có một mức lời vừa phải là doanh nghiệp có thể đầu tư rồi”.
“Tôi nghĩ ít nhất phải có 60, 70% doanh nghiệp hướng về cộng đồng nếu nhà nước "phất cờ" pháp lý, hỗ trợ thủ tục về giải phóng mặt bằng, vay vốn ngân hàng thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia vào câu chuyện tạo nhà cho người nghèo.
Phần lớn doanh nghiệp chỉ muốn tồn tại, phát triển một cách vừa phải, mang lại lợi ích, tiện lợi cho cộng đồng dân cư. Chỉ cần lợi nhuận 10% - 20% là có thể làm được. Số tiền phần trăm này trong BĐS thực ra rất lớn, doanh nghiệp lại được bán tự do cho tất cả mọi người thì đầu ra cho sản phẩm không phải là bài toán khó”, ông Nguyễn Văn Đức nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Đực cho rằng hiện lãnh đạo thành phố cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức về phân khúc nhà giá rẻ, từ không đánh giá cao sự cần thiết của căn hộ 30m2 hay những khu dân cư dành cho người nghèo trước đây thì nay đã nhìn nhận những khu đô thị có hàng nghìn căn hộ với giá rẻ để phục vụ cho những người lao động, người nghèo nhập cư vùng ven.
Vị Phó chủ tịch HoREA nhận định: “Tôi cho đây là bước thay đổi rất lớn trong tư duy của lãnh đạo thành phố, giúp phát động phong trào khuyến khích doanh nghiệp làm nhà giá rẻ phục vụ cho đại đa số người dân có nhu cầu. Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM cần 50.000 – 100.000 căn hộ giá rẻ”.
Theo đánh giá của ông Đực, số lượng người nghèo ở Việt Nam hiện chiếm 60 – 70%, trong khi người siêu giàu chiếm dưới 5%. Nhà ở giá vừa phải hiện đang là nhu cầu của đại đa số dân cư nhưng rất tiếc có nhiều chính sách, nhiều công ty đặt lợi nhuận lên hàng đầu không tham gia vào câu chuyện này.
“Hướng phát triển dành cho người nghèo là một hướng đúng đắn, tuy chậm trễ nhưng phần nào giúp người nghèo có nhà. Còn tổ chức như thế nào, hành động ra sao là một vấn đề khó khăn không phải một sớm một chiều mà có ngay những căn hộ như vậy. Cần thủ tục giao đất, nhận đất đồng thời những dự án đang xây dựng có thể điều chỉnh lại theo yêu cầu này thì nhiều người dân sẽ nhanh chóng có nhà”, ông Đực cho biết.