Aa

Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Sông Đà: "Vâng! Xin lỗi!"

Thứ Ba, 15/10/2019 - 18:30

Trước nhiều câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm cá nhân liên quan đến ô nhiễm nguồn nước sông Đà, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco nhiều lần vòng vo. Phải sau nhiều câu hỏi, ông Tốn mới nói: “Vâng! Xin lỗi”.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, lãnh đạo Công ty Nước sạch Sông Đà nhận được nhiều câu hỏi, chất vấn của phóng viên về sự cố ô nhiễm nguồn nước. Trả lời về việc không thông báo cho cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Sông Đà giơ một tờ văn bản và nói có công văn báo cáo công an và tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Văn Tốn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Về việc tại sao phải báo cáo tỉnh Hòa Bình, ông Tốn lý giải, vì địa bàn đó thuộc Hòa Bình. "Thứ nhất chính xác Sở Xây dựng có thể đánh máy nhầm vì ngày 9/10, đội vớt rong rêu ở cửa kênh phát hiện váng dầu xuất hiện.

Trước đó, trời có mưa còn dầu thải bị đổ trên đường, cách hồ, kênh của nhà máy 3km và vị trí này nằm trên đường mòn, một bên là khe suối. Dầu thải đó đổ rải ra đường và do mưa chảy qua đường và xuống ao cá nhà dân. Ao cá đó khi mưa tràn xuống suối Kum, chảy lên suối Vằng, nước mưa nhiều tràn xuống hồ. Chính vì vậy dầu tràn xuống hồ", ông Tốn giải thích.

Ông Tốn cho hay, phát hiện sự việc lúc 9h, và công ty đã huy động cán bộ công nhân viên, thuê cả người dân ở ngoài và dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ. Sau đó tiến hành vớt, dùng hút dầu chuyên dụng, một là cô lập dầu lại, hai là tránh ô nhiễm nguồn nước.

"Song song đó, công ty cũng cử người đi tìm lý do tại sao và đi lòng vòng khe núi mới phát hiện ra dầu thải đó vãi trên đường và công ty huy động hai xe cát để thấm, làm sạch đường, cách ly toàn bộ khu vực dầu tràn xuống. Ngày 10/10, huy động người dân ở đó làm sạch toàn bộ", ông Tốn nêu.

Trả lời thêm về việc báo cáo chính quyền địa phương, ông Tốn cho rằng, ngay lúc đó công ty đã gọi điện báo chính quyền địa phương và công an tỉnh truy tìm, lập biên bản, nhưng sáng hôm sau mới xuống, có biên bản ngày 10/10.

"Tại sao công ty báo cáo ngày 10/10, vì tất cả công nhân viên tập trung vớt dầu, kể cả văn thư, kế toán phải ra vớt dầu. Cái đó người dân chứng kiến", ông Tốn giải thích.

Ông này nói thêm, bản thân đã cho anh em xét nghiệm và với chỉ tiêu A cho kết quả, mùi vị vẫn bình thường, nên công ty vẫn cho tiếp tục sản xuất, xử lý.

"Đêm hôm 9/10, Công ty đã xúc xả tuyến ống khoảng 10km, và tràn bể chứa. Sau đó đến ngày 10/10, công ty nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi đã cho phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Thực ra, nước ra nhà máy vẫn đảm bảo còn có thể là vì mùi clo.

Trên đó, kể cả ngày 11/10, liên ngành lên kiểm tra, có cả báo chí tham gia, trên nhà máy cũng có mùi", ông Tốn nêu thêm.

Về lý do tại sao công ty không dừng cấp nước, ông Tốn xin chia sẻ thật: "Thực ra lúc bấy giờ với thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước. Tại vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Trong thâm tâm không lấy tính mạng người dân để mà ấy được...

Tại sao vẫn cấp nước, vì đến ngày 10/10, tôi yêu cầu xét nghiệm, nội kiểm chỉ tiêu A không vấn đề gì. Công ty tham khảo một số chuyên gia khuyến cáo, phản biện rằng bây giờ anh đồng ý cắt nước thì lý do gì cắt nước, anh bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu. Trong khi kết quả kiểm tra nội hàm của anh vẫn đảm bảo.

Công ty cấp tốc lấy mẫu nước đi kiểm tra chỉ tiêu C, bình thường mất 10 – 20 ngày mới ra, còn bình thường như trước thì phải quá 20 ngày với chỉ tiêu B, C. Lúc bấy giờ, lấy cớ gì để dừng cấp nước.

Thực ra nước sông Đà ảnh hưởng đến người dân rất nhiều nếu mất nước. Người dân mất nước mà người dân không biết vì sao thì không được. Tôi cũng tham khảo ý kiến chuyên gia và phản biện như thế thì tiếp tục cấp nước".

Vị Tổng giám đốc này thêm: "Có người bảo báo cáo thành phố thì báo cáo cái gì vì chất lượng nước vẫn đảm bảo. Ví dụ Công ty khẳng định chất lượng nước, chỉ tiêu A, chỉ tiêu B, C chỉ rõ như hôm nay thì Công ty phải đi kiểm chứng nữa nhưng dù sao cũng phải có một cái cớ.

Về lý do không nghe điện thoại, trả lời phóng viên trong những ngày qua, ông Tốn cho biết, do có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, bận tiếp nên không nghe được điện thoại.

Về câu hỏi của phóng viên Tiền Phong, trách nhiệm liên quan đến việc biết nước nhiễm dầu vẫn cấp nước bán cho dân... ông Tốn thừa nhận, đây là lần đầu tiên có sự cố dạng này.

“Chất thải đó có xử lý được không? Thực ra trong dây chuyền có một máng hớt váng, công nghệ xử lý được cái này không thì không dám chắc vì lần đầu tiên xảy ra. Công ty cũng không lấy nước ô nhiễm xử lý vì đã khoanh vùng xử lý, nước đó là bình thường”, ông Tốn lý giải.

Ông Tốn mong được thông cảm, Công ty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Làm cái này trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết chứ không phải vì cái gì. Qua đây thì cũng rút kinh nghiệm những phản ánh của khách hàng. Nhiều khi Công ty cũng không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu”, ông Tốn nói, đồng thời “xin lỗi” vì khách hàng là thượng đế mà nhiều khi khách hàng cần mà không đến kịp thời . “Vâng! Xin lỗi”, ông Tốn nói.

Trả lời một số chất vấn về trách nhiệm cá nhân, ông Tốn cho rằng, Công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm. “Tôi cũng là Tổng Giám đốc làm thuê thôi. Vấn đề mà bảo mình suy nghĩ về vấn đề cấp nước. Nếu không cấp nước thì quá an toàn và quá hay. Mọi chuyện chỉ có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết”, ông Tốn nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top