Những ngày vừa qua, hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn các quận phía Tây Hà Nội như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy,... hoang mang, lo lắng khi nhận thấy nước sinh hoạt nồng nặc mùi thuốc sát khuẩn clo, thậm chí có mùi khét khó ngửi.
Tình trạng nước có mùi lạ đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Nhiều hộ gia đình không dám sử dụng nguồn nước “bẩn” mà phải mua nước đóng thùng để sử dụng hoặc dùng nguồn nước sạch được hỗ trợ từ các nhà máy nước khác.
Sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng Cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận nguồn nước bị nhiễm dầu thải ở vùng thượng lưu sông Đà, nơi cung cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà.
Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình cho biết, người dân đã phát hiện xe tải đổ trộm dầu thải ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.
Điều này làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ nếu sử dụng phải nguồn nước nhiễm dầu thải. Vậy những ảnh hưởng đến sức khỏe mà nguồn nước kém chất lượng này có thể gây ra là gì?
Nước nhiễm dầu thải có thể là tác nhân gây ung thư
Theo Wikipedia, dầu mỡ thường có độc tính cao và tương đối bền trong môi trường nước. Độc tính và tác động của dầu mỡ đến hệ sinh thái nước không giống nhau mà phụ thuộc vào loại dầu mỡ.
Khi hàm lượng dầu trong nước cao hơn 0,2 mg/l, nước có mùi hôi không dùng được cho các mục đích ăn uống, sinh hoạt (tiêu chuẩn Việt Nam quy định trong nguồn nước mặt dùng để cấp nước không có dầu).
Ngoài ra, dầu trong nước còn có khả năng chuyển hóa thành các hoá chất độc loại khác đối với con người và thủy sinh như phenol, các dẫn xuất clo của phenol. Tiêu chuẩn phenol cho nguồn cấp nước sinh hoạt là 0.001 mg/l.
Một số nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận các triệu chứng tự báo cáo và dấu ấn sinh học khi con người tiếp xúc với nước nhiễm dầu thải. Tùy từng mức độ tiếp xúc có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như các vấn đề về dị ứng (mắt, da...), các tác dụng thần kinh (nhức đầu, chóng mặt...), tổn thương hô hấp, tổn thương gan, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư và tổn thương sinh sản…
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn: “Dầu thải có những mức độ độc hại khác nhau. Các loại dầu thường pha với kim loại nặng hoặc một số hóa chất có thể là tác nhân gây ung thư. Tùy từng loại dầu sẽ có hệ quả khác nhau, tuy nhiên chắc chắn tất cả sẽ đều gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người dân.”
Hệ lụy khi sử dụng nước có hàm lượng clo vượt mức cho phép
Clo là hóa chất khử trùng chủ yếu dùng trong hệ thống cung cấp nước. Clo dư sau khử trùng sẽ có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của một số vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển cũng như trữ nước tại nhà. Tuy nhiên, nếu hàm lượng clo vượt mức cho phép sẽ gây ra những tác hại đến sức khỏe con người.
Theo các chuyên gia, lượng clo cho vào nước được kiểm soát trong khoảng 0,3 - 0,5 mg/l. Nước có hàm lượng clo vượt quá tiêu chuẩn trên 0,5 mg/l nếu con người ăn hoặc uống phải có thể gây ngộ độc. Tùy theo nồng độ, thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau.
Clo dư trong nước có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tóc khô xơ, gãy, gây gàu; viêm kết mạc, đỏ tấy; da khô, sạm; gây bệnh hen suyễn, dị ứng, đặc biệt là với trẻ nhỏ; gây sảy thai hoặc sinh con dị tật; hay phụ phẩm clo có thể gây lắng cặn ở thận, bàng quang, góp phần gây ung thư…