Aa

P2P tại Việt Nam: "Méo mó" ngay từ đầu

Thứ Hai, 15/04/2019 - 06:01

Để tránh vỡ trận từ mô hình cho vay ngang hàng - P2P tại Trung Quốc, các công ty hoạt động tại Việt Nam cần hoạt động dưới chuẩn luật tổ chức tín dụng.

Với bản chất hoạt động như hiện nay, các công ty P2P không khác gì một tổ chức tín dụng. Và khi là một tổ chức tín dụng thì buộc phải hoạt động theo luật tổ chức tín dụng, chứ không phải là hoạt động theo luật của mô hình một công ty cung cấp công nghệ bình thường như Uber hay Grab.

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khi trao đổi với Reatimes, với mong muốn các công ty P2P có bước phát triển mang tính bền vững.

PV: Thời gian vừa qua, hoạt động của một số công ty cho vay ngang hàng tại Việt Nam đang đặt ra nhiều lo ngại về sự biến tướng, tạo ra các hệ lụy khó lường. Thưa chuyên gia Vũ Đình Ánh, quan điểm của ông khi đánh giá về vấn đề này như thế nào?

TS. Vũ Đình Ánh: Bản chất của P2P, đó là công ty thực hiện cho vay ngang hàng đang hoạt động như một tổ chức trung gian để kết nối giữa người cho vay và người vay, giống như Uber hay Grab. Nhưng thực tế tại Việt Nam, tất cả những công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động không khác một tổ chức trung gian tài chính.

Chính xác là công ty P2P đang huy động tiền, rồi sau đó cho vay. Như vậy, trên nền tảng cơ bản đó, những công ty này phải được quản lý như các định chế tài chính, tổ chức tín dụng chứ không phải được quản lý như tổ chức công nghệ mà chỉ có vai trò thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa người cho vay và người đi vay.

TS Vũ Đình Ánh lo ngại P2P đang được buông lỏng

TS Vũ Đình Ánh lo ngại P2P đang được buông lỏng. Ảnh chuyên gia

Về câu chuyện biến tướng hay không từ P2P, tôi cho rằng đó không phải hiện tượng “biến tướng” vì bản chất nó sai ngay từ đầu.

Đúng ra nó là sự kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Ví dụ, tôi có một khoản tiền và không biết cho ai vay. Và ông A cũng cần một khoản tiền để chi trả, thì phải dựa vào thông tin của tổ chức trung gian đó để 2 bên có thể trao đổi. Tôi cho ông A vay tiền và mọi vấn đề như lãi suất, rủi ro mất tiền, hai bên tự thỏa thuận, còn công ty hoạt động theo hình thức P2P chỉ là người làm chứng.

PV: Ông nói "sai ngay từ đầu", vậy là các công ty P2P tại Việt Nam đang hoạt động theo mô hình chưa chuẩn, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cần nhấn mạnh lại, bản chất của cho vay ngang hàng là sự kết nối, tức là tôi chỉ cung cấp cho bên khác một giải pháp công nghệ rồi họ đi tìm người vay số tiền mà họ muốn cho vay. Hoặc họ đi tìm người mà có thể cho mình vay. 

Tuy nhiên, hiện nay, các công ty P2P đang có tính chất là huy động tiền, sau đó có thể phát hành 1 công cụ tài chính nào đó, ví dụ như chứng chỉ để góp tiền vào. Tiếp theo, công ty có tiền và đi tìm khách hàng để cho vay. Và họ có trách nhiệm kiểm soát rủi ro.

Hiện tại, công ty P2P phải trích lập dự phòng rủi ro. Về bản chất hoạt động như hiện nay, các công ty P2P không khác gì một tổ chức tín dụng . Và khi là một tổ chức tín dụng thì buộc phải hoạt động theo luật tổ chức tín dụng, chứ không phải là hoạt động theo luật của mô hình một công ty cung cấp công nghệ bình thường như Uber hay Grab.

Tóm lại, công ty chỉ cung cấp cho 2 bên gặp nhau như vậy là thuần về công nghệ (tức là cung cấp giải pháp cho 2 bên gặp nhau) nhưng có thể thấy với thực tế như hiện nay thì hầu hết các công ty tài chính ở Việt Nam hay như ở Trung Quốc đều là tổ chức tín dụng. Thậm chí nếu là người vay thì cũng không biết là vay của ai vì họ chỉ biết làm việc với công ty đó thôi. Hoặc là người có tiền thì cũng không biết tiền của mình sẽ được công ty đó cho những ai vay. Như vậy, hoạt động của công ty P2P không khác một trung gian tài chính ngân hàng nên nó méo mó ngay từ đầu.

Thực tế, các công ty P2P tại Trung Quốc bị vỡ nợ hàng loạt bởi chính quyền quản lý những doanh nghiệp này như một công ty công nghệ mà không phải là một tổ chức tín dụng.

PV: Có ý kiến cho rằng, vấn đề đáng lo ngại khác đối với các công ty P2P đó chính là lãi suất. Nếu thả nổi theo thị trường, thiếu sự quản lý áp trần thì lãi suất mà công ty P2P đưa ra có thể cao như lãi suất tín dụng đen?

TS. Vũ Đình Ánh: Lãi suất cao hay thấp là do thỏa thuận. Điều này căn cứ dựa vào khách hàng. Ví dụ, một khách hàng đáng tin cậy thì người ta có thể giảm lãi suất còn ngược lại thì sẽ tăng để đề phòng rủi ro. Hoặc vay thời hạn ngắn, thời hạn dài, lãi suất có thể thay đổi. Bình thường theo thông lệ tín dụng thì vay dài, lãi suất sẽ cao vì rủi ro sẽ nhiều. Tuy nhiên ở ngoài thị trường, lãi suất “tín dụng đen” mới cao bởi vì người vay rất cần tiền nên có tâm lý cố vay, vay dài lãi suất lại hạ và chỉ vay nóng lãi suất mới cao. Quy định trong hệ thống chính thức và phi chính thức nó khác nhau về câu chuyện lãi suất ở chỗ đó. 

PV: Đâu là giải pháp để ngăn chặn sự vỡ trận của các công ty P2P mà như bài học tại Trung Quốc đã từng diễn ra?

TS. Vũ Đình Ánh: Theo tôi, giải pháp hiện nay đó là chuyển các công ty hoạt động theo mô hình P2P về quản lý theo luật tổ chức tín dụng. (Theo đó, tổ chức tín dụng gồm: Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty thu mua tài chính, quỹ tín dụng nhân dân).

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tima hiện là công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực kết nối tài chính, cho vay ngang hàng P2P lớn nhất Việt Nam. Đây là mô hình sử dụng các dịch vụ online để kết nối người vay và cho vay.

Tima cung cấp các gói sản phẩm vay đa dạng, từ vay trả góp, vay tín chấp theo lương đến vay có thế chấp (sổ hộ khẩu, cầm cố xe ô tô, giấy đăng ký lái xe...). Khách hàng có nhu cầu chỉ cần đăng ký gói vay, tên, số điện thoại, địa chỉ lên website/app Tima. Sau đó, hệ thống Tima sẽ “quét” nhu cầu từ chủ (người cho vay) đến khách (người muốn vay) rồi tiến hành cho 2 bên khớp “lệnh” thỏa thuận.

Với thủ tục đơn giản nhanh gọn vì không chịu sự quản lý của bất kỳ thể chế nào, nên chỉ sau 3 năm hệ thống Tima đã thu hút hơn 3.050.602 người vay và 34.770 người cho vay với tổng tiền giải ngân lên hơn 62.032.520.000.000 đồng, tương ứng hơn 2,65 tỷ USD.

Cùng với Tima, Công ty cổ phần Vay Mượn cũng có phần mềm giao dịch mà ở đó nhà đầu tư và người vay tự kết nối với nhau, sau đó tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Thông tin trên app Vaymuon.vn cho thấy cho vay từ 1 - 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 - 45 ngày.

Trên hệ thống Vaymuon.vn, nếu vay 5 triệu đồng trong thời gian 30 ngày thì gốc và lãi phải trả là 5,45 triệu đồng... Tổng cộng người đi vay phải trả lãi và phí 450.000 đồng khi vay 5 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Trong đó, phía nhà đầu tư bỏ ra 5 triệu đồng cho vay chỉ nhận được tiền lãi 75.000 đồng; còn lại 375.000 đồng là phí. Tính ra, phí cao gấp 5 lần lãi suất.

Một sàn khác là Lendbiz cũng triển khai theo mô hình này nhưng khác với Tima, khách hàng tham gia sàn Lendbiz là doanh nghiệp và hộ kinh doanh (tại Hà Nội, doanh thu trên 50 triệu đồng và được chứng minh doanh thu qua tài khoản ngân hàng hoặc phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến). Số tiền doanh nghiệp, hộ kinh doanh huy động cao hơn khách hàng lẻ, từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Các đơn vị này thường đưa ra mức lãi suất từ 1,2 - 1,5%/tháng, tương ứng 18%/năm.

Hoặc với sàn Doctordong, nếu vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày, người vay sẽ trả gốc và lãi là 13,91 triệu đồng (tương ứng mức lãi suất 39,1%/tháng, tức 469,2%/năm). Hệ thống này thông báo đã có hơn 6,78 triệu khách hàng đăng ký.

                                                                                                                                                            Thế Long

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top