Aa

Parkson và kết cục buồn của "đại gia" kinh doanh trung tâm thương mại

Thứ Tư, 28/02/2018 - 06:30

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, Trung tâm thương mại Parkon Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM đã chính thức đóng cửa. Đây được coi là kết cục buồn của một "đại gia" không bắt kịp... xu thế.

13 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, chỉ có 5 năm đầu kinh doanh có lãi còn lại khoảng thời gian từ năm 2014 trở đi, Parkson liên tiếp thua lỗ và phải đóng cửa một số trung tâm thương mại.

Ồ ạt tấn công thị trường Việt

Parkson là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB), Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngày 26/9/2005, đơn vị này đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng việc mở trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM.

Suốt 7 năm sau đó, Parkson ồ ạt tấn công thị trường Việt, liên tiếp mở ra các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2013, tập đoàn này chính thức có 11 trung tâm thương mại bao gồm cả hợp đồng quản lý.

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ với các thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam như Coach, The Body Shop, Christian Dior, Estée Lauder, Shiseido, Gucci, Lacoste, CK Jeans, Esprit... đến các nhãn hiệu lớn trong nước như Vera, Nino Maxx, N&M, An Phuoc…

Kể từ khi vào Việt Nam, doanh nghiệp này luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store, còn gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các trung tâm mua sắm quy mô lớn đã khiến Parkson lép vế rất nhiều so với đối thủ mới trên thị trường.

Theo số liệu của đơn vị này, giai đoạn 2011-2015, doanh thu của Parkson Retail Asia Limited ổn định trong khoảng 600-700 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp liên tục sụt giảm, từ 115 tỷ xuống còn 24 tỷ đồng năm 2013.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh những đối thủ cạnh tranh lớn mạnh, việc phải gánh chi phí mặt bằng đắt để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Không những thế, một số gian hàng bán tại Parkson còn từng nhận không ít phàn nàn về chất lượng hàng hoá. Điều này khiến lượng khách hàng ngày càng sụt giảm, đè nặng lên kết quả kinh doanh của công ty.

Parkson Flemington vừa chính thức ngưng hoạt động.

Parkson Flemington vừa chính thức ngưng hoạt động.

Kết cục buồn

Mới đây, Parkson lại đóng cửa Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành quận 11 TP HCM. Như vậy, đây là TTTM thứ 4 của Parkson bị đóng cửa, tính từ năm 2015 đến nay. Tình hình kinh doanh của Parkson vẫn chưa cải thiện.

Được biết, Parkson Flemington đã hoạt động khá chật vật trong suốt thời gian dài từ năm 2016. Các cửa hàng tại TTTM liên tiếp áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm nhưng sức mua không có gì biến chuyển.

Trước đó, một loạt TTTM đình đám ngưng hoạt động gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.

Sau khi đóng cửa trung tâm ở Lê Đại Hành, hệ thống Parkson tại TP.HCM còn 4 TTTM gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Cantavil (quận 2), Hùng Vương (quận 5).

Việc đóng cửa liên tiếp các TTTM lớn đã kéo dài chuỗi ngày thua lỗ của Parkson tại Việt Nam.

Theo số liệu mới được Parkson Retail Asia công bố, kết quả kinh doanh tại Việt Nam của Parkson tiếp tục thua lỗ. Parkson lỗ trong toàn bộ 4 quý của năm 2017 và doanh thu cũng có chiều hướng đi xuống. Tổng cộng, Parkson đạt doanh thu khoảng gần 500 tỷ đồng trong năm qua và chịu lỗ hơn 60 tỷ đồng.  Điểm tích cực duy nhất là số lỗ của Parkson đang giảm dần, từ 25 tỷ đồng quý 4/2016 xuống chỉ còn lỗ 10 tỷ đồng quý 4/2017.

Đơn vị này cho biết, công ty đã rất nỗ lực tung ra các chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng trong năm vừa qua. Mặc dù vậy, tăng trưởng doanh số của cùng 1 cửa hàng quý 4/2017 so với cùng kỳ năm trước là âm 2,3%.

Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy, năm tài chính 2016-2017 của Parkson đã kết thúc với con số lỗ 67 tỷ đồng. 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đang tạm lỗ 24 tỷ đồng, doanh thu khoảng 233 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đánh dấu mức lỗ khủng tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn, chi phí cho việc huỷ hợp đồng phải chi lên tới hơn 1.000 tỷ.

Sau cú sốc nói trên, Parkson có lãi đột biến vào năm 2016, nhờ thủ thuật tài chính thoái vốn tại công ty con để không phải ghi nhận lỗ lũy kế và được hoàn nhập lợi nhuận. Tuy nhiên, đến niên độ tài chính mới, các chỉ số tài chính lại quay đầu đi xuống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top