PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Hai, 06/11/2023 - 06:00

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 1.

Trong quý III/2023, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,3%, do sản xuất công nghiệp dần phục hồi, từ đó cũng phản ánh sự cải thiện tích cực trong xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm đã phản ánh rõ niềm tin của nhà đầu tư hiện vẫn chưa được khôi phục. 

World Bank lưu ý, xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được theo dõi chặt chẽ. Đồng thời, những nỗ lực thực hiện đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia kinh tế, những tháng cuối năm 2023 tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Để có góc nhìn rõ hơn về bối cảnh thị trường bất động sản và rộng hơn là nền kinh tế  Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam (nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân). 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 2.

PV: Có quan điểm cho rằng, “bão thanh khoản” đã đi qua ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hoành hành, do tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP, trong bối cảnh vòng quay tiền tệ giảm sâu... Quan điểm của ông ra sao, thưa PGS? 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Trước hết, tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Theo tôi, hiện nay không có vấn đề về thanh khoản trong nền kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như của một số  cơ quan chức năng, tốc độ tăng trưởng của GDP trong 9 tháng đầu năm 2023 là 4,24% trong khi tính đến thời điểm ngày 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022.

Cá nhân tôi khẳng định rằng, cung tiền tệ và cung vốn vẫn dồi dào, lãi suất đang giảm, hỗ trợ về vốn của Ngân sách Nhà nước vẫn chưa được giải ngân (gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt 1,95 quy mô)…  

Có lẽ, vấn đề khó khăn là thị trường đầu ra do sự sụt giảm của tổng cầu, sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. 

Tổng cầu giảm có nguyên nhân cả từ trong nước và nước ngoài. Ở trong nước, người dân gửi tiết kiệm tới hàng triệu tỷ đồng (6 triệu tỷ đồng tiền gửi đổ vào các ngân hàng thương mại (NHTM) tạo ra “nghịch lý tiết kiệm” của J. M. Keynes).

Mặt khác, một bộ phận người dân tìm đến vàng để “trú ẩn”, làm cho giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong khi trên thị trường quốc tế, bao gồm các thị trường mục tiêu  xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và Trung Đông… thì vẫn lao đao vì những bất ổn về địa chính trị, chiến tranh và mối đe dọa của khủng hoảng năng lượng. 

Theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Việt Nam chưa bao giờ phản ánh đúng về cung cầu và giá trị thực mà chủ yếu “nóng” hay “lạnh” là do cơ chế quản lý nguồn cung tiền/vốn, quản lý giao dịch và các hoạt động đầu cơ, “làm giá”. Chính vì vậy, khi có sự thắt chặt hay điều tiết giảm dòng vốn vào thị trường, khi có những biện pháp hay chế tài áp dụng thì các thị trường này lập tức rơi vào tình trạng “trầm lắng”, ít được quan tâm. 

Vấn đề là vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và vốn của các nhà đầu cơ, đầu tư đã và đang nằm đọng tại các thị trường này và nguồn tiền cung ứng cho các thị trường này bị siết chặt thì sự khó khăn là tất yếu. Thị trường chứng khoán liên tục với “sắc màu đỏ”, còn tại một số dự án bất động sản lớn đã có hiện tượng nhà đầu tư bán cắt lỗ trung bình 2 - 3 tỷ đồng/căn nhưng thanh khoản vẫn khó khăn, dù  một số NHTM đã đưa ra các cam kết về ưu đãi và hỗ trợ rất tốt.

Sản lượng và cung tiền tệ giờ đây phụ thuộc vào tổng cầu. Sức sống của một nền kinh tế là tổng cầu, bao gồm cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng. Những diễn biến cho thấy sự ì ạch của tổng cầu mới là những điều đáng lo ngại cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm kế tiếp.     

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 3.

PV: Nhiều nhận định cho rằng, vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là khủng hoảng thị trường bất động sản. Và ông có cảm nhận ra sao về hiện tượng "khát tiền", “thiếu tiền” của  doanh nghiệp trong nền kinh tế? 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Câu hỏi này có thể đã được trả lời từ những phân tích vừa rồi. Tổng cầu và nhu cầu tiền thì luôn là điều trông đợi, nên có thể chúng ta luôn cảm thấy “khát tiền”. Các doanh nghiệp thì luôn mong muốn mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cho nên luôn cảm thấy “thiếu tiền”. Thị trường bất động sản cần những dòng tiền lớn để khối lượng giao dịch được phục hồi, cho nên thấy thiếu tiền. Tuy nhiên, cần phải nhận diện rõ là nhu cầu nhà ở, nhất là ở các phân khúc nhất định, không lớn đến như vậy, cho nên “thiếu tiền” hay “khát tiền” chỉ là từ giác độ của các doanh nghiệp bất động sản và đầu cơ. Bên cạnh chúng ta, thị trường bất động sản Trung Quốc đã thực sự khủng hoảng thừa và những hiệu ứng về giá, về giao dịch và cả tâm lý đã và sẽ tiếp tục lan tỏa đến Việt Nam. 

Còn các doanh nghiệp có năng lực và “sức sống” thực sự thì vẫn còn đó nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước mà có lẽ không thể có cách nào giải ngân theo đúng kế hoạch của Nghị Quyết 43/2022/QH, chưa kể các NHTM hiện nay luôn sẵn sàng nguồn vốn với lãi suất cho vay đã giảm đáng kể. 

Đối với các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động của người dân dưới các hình thức phát hành trái phiếu khác nhau hiện đang rất khó khăn hoặc không thể phát hành trái phiếu đợt mới để trả cho nợ cũ thì thực sự đã và sẽ rất “thiếu tiền”.       

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 4.

PV: Trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó hầu hết lãi suất của các quốc gia đều đi lên. Các chuyên gia đánh giá nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang giai đoạn "lãi suất cao và kéo dài". Trong bối cảnh đó, ông có nhận định thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNH) trong thời gian qua?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Các nước trên thế giới mà tiên phong là Mỹ, Nhật Bản và khu vực Châu Âu đều phải tăng lãi suất cũng là “cực chẳng đã”, chấp nhận “hạ cánh” - nền kinh tế hay là hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát và sự giảm giá của đồng tiền. Nguy cơ lạm phát, nguy cơ tăng giá năng lượng và chi phí đời sống ở các nước này vẫn còn hiện hữu thì lãi suất cao còn tiếp tục được duy trì là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước. 

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo quan điểm cá nhân tôi, là hợp lý và hiệu quả. Tại thời điểm lạm phát có nguy cơ tăng cao, NHNN đã “thu về” đến 70.000 tỷ đồng tiền cơ sở. Rõ ràng khi tình hình lạm phát đã được cải thiện, NHNN đã điều hành giảm lãi suất (phối hợp với những gói hỗ trợ) để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế. Trong bối cảnh neo tỷ giá đồng Việt Nam (VND) với đồng Đô-la Mỹ (USD) và khi Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất để duy trì giá trị của đồng USD, gián tiếp nâng giá VND, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, NHNN đã điều chỉnh tỷ tăng giá trung tâm…

Lãi suất VND giảm và sẽ có thể tiếp tục được điều tiết giảm trong thời gian tới sẽ áp lực tăng tỷ giá (trên thực tế tỷ giá đã tăng trên 1,5% trong Quý III và tăng trên 2% trong 9 tháng 2023) cũng là một sự lựa chọn/đánh đổi của Việt Nam. Một mặt, điều này giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh, mặt khác hạn chế công chúng tiết kiệm để gia tăng mức tiêu dùng, thúc đẩy tổng cầu trong nước và giảm giá hàng xuất khẩu để tăng tổng cầu của công chúng ở nước ngoài tiêu dùng hàng Việt Nam.      

PV: Chỉ số lạm phát nước ta hiện nay đã dần ổn định, phần lớn các ngân hàng đã giảm lãi suất, dù mức giảm và độ thẩm thấu còn khá chậm. Bối cảnh này có nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa hay không, thưa ông? Có còn dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Mức “thẩm thấu” chậm có thể được hiểu là dù lãi suất thấp nhưng tăng trưởng tín dụng chưa cao, doanh nghiệp chưa vay nhiều để phục hồi sản xuất kinh doanh… Điều này có thể giải thích rằng sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào lãi suất. Lãi suất thực ra chỉ là giá vốn, trong khi doanh nghiêp và người vay tiền phải trả là chi phí vốn (gồm giá vốn và các chi phí khác ngoài lãi vay). 

Do vậy, quyết định vay vốn của doanh nghiệp rõ ràng không hoàn toàn chỉ vì lãi suất thấp mà còn phụ thuộc vào quy mô, mức tăng của tổng cầu hay đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, phụ thuộc vào thể chế và các điều kiện kinh tế - xã hội khác. 

Quay trở lại với thực tế là các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ VND, với lãi suất ưu đãi chỉ 2% nhưng giải ngân rất khó khăn và khó có thể giải ngân theo kế hoạch, vậy thì dù lãi suất của các NHTM đã giảm nhưng vẫn cao hơn thì “thẩm thấu” chậm cũng là dễ hiểu. 

Như vậy, vấn đề là thúc đẩy tổng cầu trong nước và hoàn thiện thể chế theo hướng minh bạch và rõ ràng các quy định quản lý, sao cho các doanh nghiệp không “lo sợ” khi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cũng như khai thác các nguồn vốn trong nền kinh tế để phát triển sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế thị trường hiện đại về cơ bản là sự kết hợp giữa “bàn tay hữu hình” của nhà nước với “bàn tay vô hình” của thị trường mà cụ thể là sự kết hợp của 2 trụ cột là thể chế và các quy luật khách quan của thị trường. Hiện tại, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang bị hạn chế bởi cả 2 trụ cột trên. Nhớ lại, đến thời gian này năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ cao nhất khu vực mà cao nhất thế giới. Đến thời điểm này, mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. 

Trong điều kiện như vậy, dù giảm lãi suất, tăng cung tiền tệ thêm nữa cũng chưa hẳn đã đạt được kỳ vọng về tăng trưởng mà cần phải hoàn thiện thể chế và kích cầu tiêu dùng. Về mặt nguyên lý (lý thuyết), có thể khẳng định  rằng, đây là giai đoạn mà chính sách tiền tệ không có hiệu quả như kỳ vọng đối với nền kinh tế Việt Nam: Sự mở rộng mức cung tiền, giảm lãi suất nhưng không mang lại sự gia tăng tích cực của tổng cầu, sản lượng và thu nhập.           

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 5.

PV: Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định rằng: “Không có câu chuyện thiếu room tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp”. Theo đánh giá của ông, đối với những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng có đang thực sự dễ dàng?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi cho rằng, khẳng định của Phó Thống đốc là có cơ sở và đúng với thực tế. Đúng là  thời gian cuối năm 2022, một số NHTM đã trả lời doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn là “hết room” để cho vay. Song thực tế, nhu cầu vay vốn của khách hàng đó là vay đầu tư bất động sản (chủ yếu là vay mua nhà) và ngoài ra một số NHTM “hết room” có thể cũng thuộc các NHTM có chất lượng tín dụng tốt và do vậy, bị giới hạn về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Còn lại, đa số các NHTM lớn chưa bao giờ hết room tín dụng cũng như nguồn vốn cho vay.

Các doanh nghiệp bất động sản thì rõ ràng là gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt mỗi khi có “chủ trương” hạn chế dòng tiền vào thị trường bất động sản. Mặc dù rất chia sẻ với các doanh nghiệp, nhưng chúng ta cũng vẫn phải thận trọng trong các giải pháp thúc đẩy thị trường này bởi lẽ hiện tượng “bong bóng bất động sản” không còn là mới lạ đối với Việt Nam và khủng hoảng của thị trường bất động sản Trung Quốc với nguồn cung quá lớn đã đưa ra những cảnh báo rất rõ ràng đối với Việt Nam.      

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 6.

PV: Trên thực tế, việc cho vay hiện nay vẫn là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận lớn và ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh. Và đối với doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn cần vốn để duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn. Vậy tại sao cung có, cầu có nhưng hai bên vẫn không thể gặp nhau, thưa ông?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Như đã đề cập trên đây, vấn đề là tổng cầu đang chững lại và những “khó khăn” về thể chế làm cho các NHTM cũng như các doanh nghiệp phải “dè chừng” trong các quyết định cho vay và đi vay. 

PV: Bên cạnh giảm lãi suất thì chúng ta có thể sử dụng những công cụ gì để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Theo tôi, một lần nữa phải nhìn nhận rằng, vấn đề hiện nay không phải là lãi suất hay nguồn cung vốn mà là vấn đề của tổng cầu và vướng mắc, lo ngại về cơ chế, chính sách.

Do vậy, các chính sách kích cầu tiêu dùng và hoàn thiện thể chế sẽ thúc đẩy giải ngân chi tiêu công cũng như tăng trưởng tín dụng của các NHTM và dòng vốn sẽ đến với các doanh nghiệp. 

 PV: Các tổ chức quốc tế đánh giá, công tác điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ của Chính phủ có những điểm tiến bộ quan trọng theo hướng linh hoạt, nới lỏng hơn và đang có tác dụng tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, FDI và FII tiếp tục chảy vào Việt Nam, trong khi hai dòng vốn này suy giảm ở những quốc gia mới nổi khác, ngay cả khi lãi suất ở Mỹ và châu Âu duy trì mức cao. 

Ông có suy nghĩ gì về việc thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới? 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định trên về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả FDI, vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/20223, FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong số đó, có 2.608 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư, tăng 66,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp, hùn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không phụ thuộc vào lãi suất hay lợi túc kỳ vọng ngắn hạn như dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI). Về cơ bản, thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn do sự ổn định về chính trị và gia tăng đầu tư công vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật của nền kinh tế. Những dấu hiệu này gợi ý cho nhà đầu tư nước ngoài về những dự đoán lạc quan về tăng trưởng kinh tế, thu nhập và xuất khẩu của Việt Nam. 

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 7.

PV:  Đầu tư công vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần duy trì đà phục hồi kinh tế nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với phương châm “không bàn lùi”. Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương đã đạt kế hoạch đề ra. Ông đánh giá ra sao về dư địa của vốn đầu tư công trong giai đoạn tới đối với nền kinh tế?  

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: Tôi rất đồng tình với nhận định về sự gia tăng đầu tư công đã mang lại những hiệu ứng tích cực, thậm chí có thể coi là giải pháp “sống còn” đối với sự phục hồi cũng như cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023. Trong bối cảnh hay trong giai đoạn mà chính sách tiền tệ không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế như kỳ vọng, sự mở rộng hay nới lỏng tài khóa là một lựa chọn rất quan trọng nếu không muốn nói là duy nhất đúng đắn. Đầu tư công không chỉ làm tăng tổng đầu tư bằng với mức tăng của đầu tư công mà còn thu hút và làm tăng đầu tư của khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, lại phải nhắc lại vấn đề thể chế một lần nữa. Xét về đặc thù, đầu tư công không chỉ khó đo lường hiệu quả mà còn rất khó kiểm soát hay dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực như tham nhũng, lãng phí và đầu tư sai hướng. Khắc phục những vấn đề nêu trên thông qua sự hoàn thiện về thể chế thì đầu tư công sẽ luôn “dẫn đạo” và mang hiệu ứng tích cực. 

Có thể khẳng định, dư địa của vốn đầu tư công dường như không bị hạn chế: Cứ tăng 1 đơn vị đầu tư công mang lại hơn 1 đơn vị tăng trong GDP thì tỷ lệ nợ công trên GDP không những không tăng mà còn giảm.      

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức: “Khát tiền” không phải vấn đề lớn nhất, sự ì ạch của tổng cầu mới là điều đáng lo ngại!- Ảnh 8.

PV: Mặc dù vẫn gặp nhiều thách thức, nhưng nửa cuối năm 2023 nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Theo ông, đâu là những động lực mới thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2023 và nửa đầu năm 2024?

PGS. TS. Đặng Ngọc Đức:  Theo số liệu thống kê thì đúng như vậy, 9 tháng đầu năm tăng trưởng của GDP là 4,24%, nhưng riêng quý III đạt mức trên 5,3% và nhiều nhà quản lý đã có lý khi nhận định rằng, Việt Nam vượt “cơn gió ngược”. Dự báo của các tổ chức phát triển đa phương cũng dành những dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 cúng như năm 2024.

Động lực thì như đã phân tích ở trên: (1) Chi tiêu công nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng ký thuật, sự hỗ trợ của sự giảm, giãn thuế…, chính là sự mở rộng hay chính sách nới lỏng tài khóa; (2) Sự ổn định kinh tế vĩ mô; (3) Thu hút đầu tư nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top