
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Hiện có nhiều động lực mới giúp nền kinh tế vững bước đi lên
PV: Năm 2024, kinh tế thế giới có sự hồi phục nhẹ. Giá hàng hóa cơ bản được tiếp tục duy trì xu hướng tăng, phản ánh nhu cầu phục hồi hậu Covid-19 của nhiều quốc gia, trong khi các nền kinh tế phát triển đã linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, năm 2025, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: căng thẳng địa chính trị dai dẳng, rủi ro nợ công ở các nền kinh tế lớn và nguy cơ nhen nhóm chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Đầu năm, thế giới đã và đang phải lo lắng về những chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng hóa nhập khẩu, đây cũng là một "điềm báo" về một năm 2025 đầy bất định của nền kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đa chiều này, ông đánh giá ra sao về triển vọng và những tác động đến kinh tế Việt Nam?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 đã mở ra nhiều cơ hội: Xuất nhập khẩu thuận lợi, hàng hóa phong phú, giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, khi năm 2025 đến với sự chuyển giao quyền lực tại Mỹ, các chính sách đối ngoại có thể thay đổi, tạo ra những tác động mới.
Với sức chịu đựng và kinh nghiệm quý báu của nền kinh tế tích lũy qua từng thời kỳ, từ giai đoạn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cúm H1N1 năm 2009 đến đại dịch Covid-19, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng rút ra bài học, xây dựng chính sách đối ngoại mềm dẻo và ứng phó hiệu quả với những biến động. Những kinh nghiệm này sẽ là hành trang quý báu giúp chúng ta tận dụng tối đa các cơ hội trong năm tới.
Mặc dù nền kinh tế thế giới có thể gặp một số khó khăn, nhưng với nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển vượt trội. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển mình từ trạng thái cận biên thành thị trường mới nổi thứ cấp, cho thấy sự gia tăng đáng kể trong đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, những cải tiến trong chính sách tiền lương cùng xu hướng số hóa - từ cổng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử, doanh nghiệp số đến công dân số và xã hội số - sẽ giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
Hơn nữa, những biến động trên trường quốc tế và các chính sách thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam. Tôi tin rằng, năm 2025 sẽ là một năm đẹp, tạo khởi đầu cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PV: Năm 2025 được coi là thời điểm lịch sử đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Chính vì vậy, dường như chưa bao giờ, quyết tâm tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ như hiện nay. Bằng chứng là, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được nâng lên mức 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030? Ông có bình luận gì?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và trên 10% trong năm 2026, cao hơn so với kế hoạch ban đầu (6,5 - 7%), là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã chứng kiến thành tựu vượt kế hoạch trong năm 2024, khi GDP thực tế đạt 7,09%, trong khi mục tiêu ban đầu chỉ 6 - 6,5%. Điều đó cho thấy kế hoạch đề ra đôi khi chưa lường hết tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, những chỉ báo kinh tế hiện tại đều mang lại kỳ vọng tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 786,3 tỷ USD, một kỷ lục trong lịch sử. Vốn FDI thực hiện năm 2024 lập kỷ lục, đạt 25,35 tỷ USD, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào kinh tế Việt Nam. Ngành nông nghiệp cũng ghi dấu ấn, khi không chỉ tăng mạnh về số lượng mà còn nhờ giá trị xuất khẩu cao chưa từng có. Những ngành hàng khác như dệt may cũng thể hiện nhiều tiềm năng phát triển.
Từ các thành tựu đó, chúng ta có thể nhận thấy nguồn lực và động lực tăng trưởng đã được bổ sung, còn rất nhiều dư địa để khai thác. Khi tính toán kỹ lưỡng và triển khai hiệu quả các biện pháp tăng tốc, nền kinh tế sẽ có khả năng bứt phá. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà để cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm chi tiêu công và tinh giản bộ máy nhà nước sẽ giúp tập trung nguồn lực cho đầu tư. Bên cạnh đó, việc tiếp tục khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân, tận dụng tốt hơn những động lực như đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Như vậy, việc kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2026 không phải là quá xa vời. Kết hợp các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi và khai thác những tiềm năng sẵn có, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng với con số như kỳ vọng.
PV: Như ông nói, "kế hoạch đề ra đôi khi chưa lường hết tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam", điều này có thể được hiểu là dư địa, không gian và động lực phát triển của chúng ta vốn rất dồi dào, chỉ có điều, dường như đang bị kìm hãm bởi điều gì đó?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Đúng vậy, Việt Nam hiện có rất nhiều động lực có thể giúp nền kinh tế vững bước đi lên - nếu các động lực đó được thúc đẩy và phát huy vai trò. Trước hết, việc phát triển kinh tế số được coi là một trong những mục tiêu chủ đạo với khả năng tạo đột phá lớn, mở rộng thị trường thương mại điện tử, từ đó gia tăng giá trị cho hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, đầu tư công trong năm 2025 sẽ có những bước chuyển rất quyết liệt, đặc biệt ở các dự án hạ tầng mang tính chiến lược như đường cao tốc, nhà máy điện hạt nhân và hàng loạt công trình quy mô lớn khác tại các địa phương. Những dự án này đóng vai trò như một làn sóng tăng trưởng mới, tạo xung lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Mặt khác, môi trường quốc tế có thể sẽ tiếp tục thuận lợi, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, đồ gỗ, sắt thép, linh kiện điện tử… Tất cả đều có lợi thế khi Việt Nam đã phát triển trên 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xanh, hữu cơ và nhiều quy định khắt khe khác của thị trường toàn cầu, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải carbon.
Đồng thời, quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế di sản hay kinh tế vỉa hè cũng đang được đẩy mạnh, góp phần huy động tối đa nguồn lực tăng trưởng.
Những điều kiện trên, cộng với quyết tâm tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, đều đang hội tụ để tạo bứt phá lớn. Đây vừa là động lực, vừa là cơ sở để tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong tương lai gần.
PV: Thách thức cần vượt qua là gì, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Bên cạnh những cơ hội là những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Trước hết, thách thức lớn nhất nằm ở việc hoàn thiện thể chế. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đòi hỏi chúng ta vừa làm, vừa học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ quốc tế cũng như thực tiễn trong nước. Đây là cơ hội quan trọng để tạo đột phá về môi trường cạnh tranh, cắt giảm chi phí phi chính thức, thực hiện chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến và số hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực phải tinh giản bộ máy hành chính một cách triệt để, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động, đặt ra yêu cầu bố trí lại nhân sự, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội, đồng thời duy trì hiệu năng và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Thách thức thứ hai là áp lực về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ cơ cấu theo chiều rộng chuyển sang cơ cấu theo chiều sâu, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ bản, lấy khoa học công nghệ cao làm chỗ dựa, lấy chuẩn mực về phát triển bền vững làm tiêu chuẩn lâu dài.
Đây là một trong những thách thức rất lớn đòi hỏi chúng ta phải nhìn xa trông rộng, thiết kế lại cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp xương sống như là ngành công nghiệp liên quan đến chất bán dẫn, công nghiệp trí tuệ nhân tạo, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học… Tất cả những lĩnh vực đó đòi hỏi chúng ta phải chú ý rất lớn trong việc nghiên cứu, phát triển và xây dựng đội ngũ trí thức trình độ cao. Nếu Việt Nam thành công trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng này, con số tăng trưởng có thể còn cao hơn nữa.
Thách thức thứ ba là chúng ta phải vận hành được cơ chế địa phương mang tính đặc thù. Đầu tiên là phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế, Đà Nẵng thành trung tâm tài chính tiền tệ khu vực, chú trọng phát triển tài chính xanh. Một số địa phương khác như Huế đặt mục tiêu xây dựng trung tâm du lịch quốc tế, Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế di sản,…
Hiện tại, đã có một số địa phương đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số. Đây chính là những hình mẫu để tiếp tục nghiên cứu và thúc đẩy tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.
Thách thức tiếp theo là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu; đặc biệt là logistic, chưa tiết kiệm được chi phí về thời gian cho doanh nghiệp liên quan đến vận tải hàng hóa, kho tàng bến bãi, chi phí về điện, nước, hạ tầng cơ sở, môi trường,... Đây là cả một bài toán tổng thể của nền kinh tế.
Đặc biệt, chi phí đầu tư về chuyển giao năng lượng mới là rất lớn, tôi nghĩ đây là một thách thức quan trọng.
Một thách thức nữa liên quan đến nguồn nhân lực, khi thị trường lao động tại Việt Nam còn hạn chế về nguồn lao động có trình độ cao, dẫn đến nếu không phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao thì sẽ không thể có được những nhà khoa học, những nhà quản lý tài ba hay đội ngũ doanh nhân tinh hoa - nguyên khí của đất nước.
Tôi cho rằng, chúng ta cần đào tạo ngay từ bây giờ để ít nhất 5 - 6 năm nữa, chúng ta sẽ có những đội ngũ tương xứng với mục tiêu chuyển mình của nền kinh tế. Ngoài ra, thách thức liên quan đến những bất định, phức tạp, mơ hồ do căng thẳng địa chính trị, xung đột, chiến trang thương mại...
Còn một thách thức rất lớn là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam tuy đã có những tập đoàn lớn nhưng có đến 80 - 90% quy mô nhỏ và vừa. Muốn cạnh tranh lớn, làm ăn lớn với những tập đoàn lớn có khả năng làm chủ được công nghệ lõi là cả một thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Tôi cho rằng, cần phải phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, trở thành những tập đoàn hùng mạnh, trên cơ sở phương thức vận hành mới với những doanh nghiệp tinh hoa. Nếu chúng ta vượt qua được thử thách đó cộng thêm những động lực trên thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam chuyển mình thực sự.
PV: Với những cơ hội và thách thức mà ông đã chỉ ra, liệu việc tìm ra những điểm nghẽn tháo gỡ những ràng buộc, vướng mắc về thể chế kinh tế có phải là chìa khoá đưa Việt Nam thoát "bẫy" thu nhập trung bình?
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng: Trong bối cảnh "chuyển mình", nền kinh tế sẽ "cất cánh", tức là khi đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số, Việt Nam sẽ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, chuyển sang phát triển công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao với tốc độ rất nhanh.
Nếu đến năm 2030, chúng ta tăng trưởng 2 con số thì sẽ đạt được con số thu nhập trung bình cao, sau đó khoảng 5 - 10 năm, nếu cứ phát triển với tốc độ cao như vậy thì chúng ta có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2040 và năm 2045 chúng ta có thể lọt vào nhóm các nước thuộc khối OECD.
Tôi cho rằng, việc tháo gỡ các ràng buộc, vướng mắc chỉ là bước đầu tiên - một phần cần thiết để “tháo ra” những hạn chế hiện hữu. Về lâu dài, chúng ta cần tìm ra và đầu tư vào những ngành mũi nhọn, những ngành đầu tàu của nền kinh tế, gắn liền với khoa học công nghệ mới và nền tảng công nghệ có tính “xương sống”. Lấy ví dụ, trong giai đoạn 1992 - 2000, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc nhờ ngành công nghệ phần mềm (GDP tăng từ 6.000 lên 10.000 tỷ USD). Còn Trung Quốc hiện đang phát triển mạnh mẽ ngành xe điện, Nhật Bản duy trì thế mạnh trong ngành ô tô và chế tạo tinh xảo, còn Hàn Quốc thì nổi bật với ngành điện tử. Điều này cho thấy, nếu chỉ tháo gỡ mà không có sự đột phá trong ngành công nghiệp xương sống, nền kinh tế sẽ chỉ phát triển đến một mức giới hạn nhất định, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn có quy mô và tiềm năng rất lớn, thậm chí có khả năng vươn ra thị trường quốc tế. Để chuyển động từ động lực tăng trưởng 7% sang 8% hay 10%, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm kích hoạt và phát huy tối đa năng lực của kinh tế tư nhân. Không chỉ các viện nghiên cứu tại các trường đại học, mà doanh nghiệp tư nhân cũng có thể mở và làm mạnh các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Khi nhà nước và tư nhân cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta mới có thể tạo ra một lực lượng hùng hậu, đẩy nhanh quá trình đổi mới và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế - một bước đột phá thực sự, hay như tôi gọi đó là “cất cánh”.
Còn tiếp...