Tại Hội thảo "Đầu tư bất động sản Đà Nẵng hậu sáp nhập - Tái thiết thị trường và cơ hội vươn mình" tổ chức ngày 5/7, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng đã có bài tham luận quan trọng: "Quảng Nam - Đà Nẵng hội tụ - không gian cơ hội rộng mở".
Chuyên gia nhận định, Đà Nẵng - lừng lẫy với cái tên "đáng đến và đáng sống" - giờ đang bước vào một chu kỳ mới: Hội nhập không gian, mở tầm nhìn, khai phá tương lai. Còn Quảng Nam, từ một vùng nghèo đã vượt lên với khi phách xứ Quảng, "đua" với chính Đà Nẵng trong cuộc trỗi dậy không ngừng.

PGS. TS. Trần Đình Thiên trình bài tham luận tại Hội thảo Đầu tư bất động sản Đà Nẵng hậu sáp nhập - Tái thiết thị trường và cơ hội vươn mình.
Tái nhập không gian: Cộng hưởng sức mạnh, tạo lợi thế đột phá cho thị trường bất động sản
PGS. TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, có một chân lý lịch sử xuyên suốt là Đà Nẵng - Quảng Nam gắn bó máu thịt. Việc tách Đà Nẵng (diện tích 1.285 km2) và Quảng Nam (diện tích 10.575 km2) năm 1997 dựa trên tư duy cải cách: Tách không gian địa lý để mở không gian cơ chế, tạo đà cho Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng Duyên hải Miền Trung, để "bứt lên" mạnh mẽ.
Đồng thời, Quảng Nam tự chủ vận mệnh, quyết liệt vượt lên bằng khí phách xứ Quảng, tiếp tục khẳng định chân lý ở tâm thế mới. Và từ hai hướng phát triển khác nhau, Đà Nẵng và Quảng Nam lại hội ngộ với nhau trong một giai đoạn mới, tái nhập không gian để cộng hưởng sức mạnh, tạo lợi thế mới.
Trong 25 năm tách tỉnh, GRDP (giá so sánh năm 2010) của Đà Nẵng đã tăng 8 lần, GRDP/người tăng 8,3 lần, khách du lịch tăng 55 lần.
Thành phố được vinh danh là "đáng đến và đáng sống", mang đẳng cấp quốc tế với hàng loạt thành tựu PCI (2006 - 2020): 7 năm đứng thứ nhất, 3 năm đứng thứ hai, 4 năm đứng thứ năm và chỉ có 1 năm đứng thứ 12.
PGS. TS. Trần Đình Thiên đánh giá: Trong bảng thành tích cạnh tranh cấp tỉnh, chưa có địa phương nào có thể sánh được với Đà Nẵng. Nói cách khác, khát vọng mời gọi doanh nghiệp vào phát triển thì Đà Nẵng là vô địch. Đây cũng là địa phương "vô đối" cả về tầm cao lẫn độ "trường kỳ".

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, khát vọng mời gọi doanh nghiệp vào phát triển thì Đà Nẵng là vô địch, đây cũng là địa phương "vô đối" cả về tầm cao lẫn độ "trường kỳ".
Không chỉ dừng lại ở con số, theo chuyên gia, Đà Nẵng còn là nơi kiểm nghiệm một nguyên tắc then chốt của phát triển kinh tế tư nhân: Tín nhiệm doanh nghiệp dành cho chính quyền. Mối quan hệ đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp chính là sức hút riêng biệt của Đà Nẵng - điều mà nhiều địa phương đang học hỏi. Đây cũng chính là phản ánh rõ nhất tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất.
Trong khi đó, Quảng Nam khẳng định "Đà và Thế" với Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, tại một vùng đất hoang sơ đã xuất hiện Trường Hải - Thaco: Khu công nghiệp ô tô đầu tiên thành công ở Việt Nam; Hội An - Bản sắc Việt - Khác biệt - Đẳng cấp; Thành phố Tam Kỳ: Tạo thế bứt phá - trỗi dậy…
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, khi Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập lại, lợi thế quy mô về diện tích, dân số và tài nguyên trở nên rõ rệt. Từ núi, biển, duyên hải đến hạ tầng - cảng biển, sân bay, tài nguyên du lịch…, tất cả được tối ưu hóa phân bổ, tạo nên một không gian phát triển toàn diện.
Chuyên gia nhấn mạnh: Không chỉ là cộng lại, mà phải cộng hưởng. Khi hai vùng đất đặt vào một chuẩn so sánh chung, lập tức tạo ra một dư địa, từ đó sản sinh ra năng lượng phát triển đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Quan trọng hơn, đây không chỉ là sự cộng lại về lượng, mà là cộng hưởng về chất. Trên nền tảng đà - thế - thực lực đã được xác lập, triển vọng vươn lên của toàn vùng ngày càng rõ rệt. Những đặc thù riêng biệt về văn hóa, tài nguyên du lịch, bản sắc địa phương khi được đặt vào cùng một chiến lược phát triển, sẽ tạo nên một "thế lực vô đối".
Vị thế - tầm vóc mới
Bình luận sâu hơn về vị thế mới của Đà Nẵng, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, thành phố này nằm ở một tọa độ địa lý - lịch sử quốc gia đặc biệt, là đô thị đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển hiện đại của Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.


Cầu Vàng và lễ hội pháo hoa Đà Nẵng - biểu tượng của sự kích hoạt đột phá phát triển.
Cùng với thế vươn mình của Việt Nam, vị thế của Đà Nẵng mới trong khu vực ngày càng tăng. Theo phân tích của chuyên gia, có một số điểm nhấn đáng chú ý:
Theo đó, Đà Nẵng đang hình thành các chuỗi phát triển theo tuyến đô thị - dọc biển, các tuyến "xương cá" Đông - Tây; không gian đô thị Đà Nẵng mở rộng, tăng chức năng, thêm cơ hội; trung tâm phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, AI tầm cỡ quốc gia, đẳng cấp quốc tế... Triển vọng Trung tâm thiết kế và chế tạo chip bán dẫn; trung tâm tài chính khu vực; khu thương mại thế hệ mới; trung tâm đào tạo nhân lực thế hệ mới; đô thị thông minh - sáng tạo.
Sân bay Chu Lai định hướng trở thành cảng hàng không hạng nhất khu vực gắn với tổ hợp công nghiệp - đô thị đẳng cấp quốc tế. Bây giờ có thể là cát, là xương rồng nhưng tương lai, sẽ rất nhanh thôi, Chu Lai sẽ rất khác.
Trung tâm du lịch Đà Nẵng tiếp tục được nâng cấp. Du lịch xuyên suốt từ Sơn Trà đến Chu Lai với tọa độ bùng nổ tới đây là Hội An - Tam Kỳ.
Đáng lưu ý, chuyên gia cũng nhận định, Hội An đang mở về phía Nam, cả một chân trời, một không gian đang chờ đợi các nhà đầu tư lỗi lạc, tài ba đến để giúp cho vùng đất này tạo được chân dung xứng đáng cho chính mình.
PGS. TS. Trần Đình Thiên kết luận: Một thành phố mới ra đời, hội tụ chuỗi đô thị - cảng biển - công nghiệp hiện đại - du lịch đẳng cấp, với các nội hàm xanh - số - thông minh - sáng tạo sẽ là một "thế lực cạnh tranh" tầm cỡ khu vực và thế giới. Không có lý do hoài nghi triển vọng bùng nổ và phát triển của Đà Nẵng, khi cả lịch sử lẫn khát vọng, tầm nhìn và trí tuệ Đà Nẵng, trong sự hội tụ quốc gia, đã và đang tạo thành động lực phát triển mạnh mẽ khác thường.