Aa

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: “Giảm lãi suất lúc này không phải là điểm mấu chốt để thúc đẩy hoạt động cho vay”

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Ba, 12/09/2023 - 06:06

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thời điểm này CSTT không phải là giải pháp quan trọng nhất để tăng hấp thụ vốn nền kinh tế. Vấn đề quan trọng là giải quyết được đầu ra, kích thích tăng trưởng tiêu dùng trong nước.

Vừa qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát, lãi suất vẫn cao, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng giảm… đã khiến cho mọi hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào khối FDI, xuất nhập khẩu. Do đó khi kinh tế thế giới biến động đã kéo theo sự sụt giảm của kinh tế Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh. 

“Đối với những doanh nghiệp bất động sản uy tín, ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn”

PV: Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp do Chính phủ tổ chức ngày 7/9/2023, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chia sẻ rằng, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". 

Cũng giống doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại đang tồn kho tiền. Xin ông đánh giá về thực trạng này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn và cũng không phải ngân hàng không có tiền. Trên thực tế, hiện nay ngân hàng có rất nhiều tiền nhưng không có người vay, hoặc nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay thì lại không đủ điều kiện để được vay vốn. Từ đó, dẫn đến thực trạng toàn bộ hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". 

Mỗi doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải có tài sản đảm bảo, có kế hoạch quản trị kinh doanh cũng như kế hoạch vay vốn phù hợp… Khi đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện và rủi ro trong việc cho vay của ngân hàng ở mức thấp thì các ngân hàng thương mại mới có thể cho vay được. 

Hiện nay, các ngân hàng đang thừa room tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao cho toàn hệ thống ngân hàng thực hiện trong năm nay ở mức 14%. Tuy nhiên, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Bên cạnh đó, hiện đang có một số cá nhân, doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng hạ điều kiện, tiêu chuẩn cho vay thế chấp hoặc nâng điều kiện cho vay tín chấp. Nhưng thực tế sẽ không có ngân hàng nào thực hiện được vì rủi ro rất lớn, có thể mất cả gốc lẫn lãi. 

Do đó, trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng, các ngân hàng thương mại cũng đã giảm thiểu chi phí hay triển khai một loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi… Chúng ta phải hiểu rằng, dù có muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì các ngân hàng cũng không thể “từ bỏ” những quy định bắt buộc khi tiến hành thẩm định cho vay và ngân hàng vẫn phải thẩm định một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống. 

Các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn đối với những doanh nghiệp bất động sản uy tín trên thị trường. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Đối với những doanh nghiệp bất động sản uy tín trên thị trường, thực hiện các dự án đúng tiến độ, có nguồn tiền để trả nợ đúng hạn và có tiềm năng để bán được hàng thì các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn. 

Về phía ngân hàng, việc cho vay hiện nay vẫn là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận lớn, khi 70% lợi nhuận đến từ việc cho vay tín dụng. Vì vậy, ngân hàng cũng đang tìm cách đẩy mạnh cho vay.

PV: Nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm. Hiện doanh nghiệp không thực sự hào hứng vay tiền để sản xuất, kinh doanh, phải không thưa chuyên gia?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đúng là như vậy. Thực chất, việc cắt giảm lãi suất lúc này không phải là điểm mấu chốt để thúc đẩy hoạt động cho vay.

Đúng là nếu lãi suất thấp thì sẽ kích cầu tín dụng, kích thích khách hàng nhưng quan trọng là khách hàng đó có đủ điều kiện để vay được vốn hay không, họ đang có nhu cầu vay hay không. Thị trường hiện nay đang chậm lại, sức mua giảm, hiệu quả đầu tư thấp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mà rủi ro cao nên người dân, doanh nghiệp không muốn vay vốn vì vay về cũng không để làm gì.

Và trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như thường lệ, nhiều doanh nghiệp chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Cần phải giải quyết được đầu ra và kích thích tiêu dùng nội địa”

PV: Trong thời điểm hiện nay, tập trung ưu tiên chính sách tiền tệ có phải là giải pháp quan trọng nhất để tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế không, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, tại thời điểm này, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp quan trọng nhất để tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. 

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải quyết được đầu ra, làm sao để tiêu dùng trong nước tăng lên. Vì vậy, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

"Ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm".

- Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh -

Thứ hai là phải đẩy mạnh được đơn hàng xuất khẩu. Cụ thể, với các biện pháp tích cực và đồng bộ của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 và tháng 8 đã có những tín hiệu tích cực khi đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên. 

Rõ ràng, sự tăng trưởng này sẽ tạo ra cầu về hàng hoá và sản xuất trong nước sẽ phần nào được hồi phục trở lại. Có thể thấy, nhiều chính sách mà Chính phủ ban hành đang phù hợp với điều kiện thực tiễn khi hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.

PV: Chúng ta hay nói đến kết hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô. Ông đánh giá ra sao về sự kết hợp này trong bối cảnh hiện nay? 

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta cần đánh giá cao về sự kết hợp của chính sách tiền tệ và tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Chính sách tiền tệ đang được thực hiện linh hoạt, nới lỏng thì chính sách tài khóa thông qua giảm thuế, phí đã góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

Việt Nam đang thực hiện tốt chính sách tài khoá khi giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Đây là động thái tốt giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng. Điển hình như dịp nghỉ lễ 2/9 và mùa tựu trường vừa qua, nhằm kích cầu mua sắm, giá hàng hoá trên thị trường đã giảm chứ không tăng như mọi năm. 

Việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế VAT cũng giúp chi phí cho nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất giảm, từ đó, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có thể thấy, chính sách này cũng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và chắc chắn cầu tiêu dùng tăng sẽ kéo theo nhu cầu sản xuất tăng nhanh. 

Bên cạnh đó, quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí hay giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023; đồng thời, đề xuất miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022… cũng đã phần nào hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Cùng với đó, đầu tư công cũng đang được đẩy mạnh, nhu cầu về hàng hoá đáp ứng cho đầu tư công cũng tăng lên. Do đó, sẽ kéo theo nhu cầu vay vốn. Đó chính là sự kết hợp hài hòa để ổn định kinh tế vĩ mô. 

Nói về khía cạnh kết hợp khác thì chính sách tiền tệ giúp giữ vững ổn định tỷ giá hối đoái. Đây là điều quan trọng để giữ ổn định cho đồng tiền Việt Nam và nền kinh tế. Khi đó, chi tiêu công có hiệu quả, lạm phát giảm sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giúp thị trường dần ổn định. 

Do đó, đối với đầu tư công cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết, những hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án để đưa vào kế hoạch cho thời kỳ tới. Cần cân đối giữa thu - chi ngân sách nhà nước để giảm thiểu thâm hụt. 

Đối với Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và những biến động của thị trường tiền tệ thế giới.

Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và những biến động của thị trường tiền tệ thế giới. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Ngay từ bây giờ, phải tính toán đến chính sách tài khóa nghịch chu kỳ cho năm 2024”

PV: Về thứ tự ưu tiên chính sách hiện nay, có quan điểm cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi không hẳn là như vậy. Chúng ta cần phải thực hiện tốt cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, phải kết hợp một cách hài hoà, linh hoạt. Và chúng ta cũng đang chờ độ thẩm thấu của chính sách vào nền kinh tế. 

Cùng với đó, phải luôn đổi mới và cải thiện môi trường kinh doanh. Làm sao để giảm chi phí tiếp cận thị trường, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp… Đây cũng là vấn đề quan trọng mà Chính phủ luôn quan tâm và mong muốn thực hiện tốt. Trước mắt, cần tháo bỏ các rào cản, nhất là rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an toàn trong đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Và trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì hoạt động này, đặc biệt là giảm chi phí sẽ giúp doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh của mình. 

PV: Như vậy, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn. Theo ông, cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm như thế nào?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đây là cả một bài toán mà chúng ta cần phải quan tâm và đưa ra hướng đi phù hợp cho cuối năm 2023 và năm mới 2024. Việc cân đối giữa nguồn thu ngân sách với việc giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí.… là việc chúng ta cần cân nhắc ngay từ bây giờ. 

Tôi cho rằng, hiện nay, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là sửa đổi các luật... Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt cân đối hài hoà giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế nói chung.  

Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra những góc nhìn, đánh giá đúng về thực trạng doanh nghiệp và thị trường, từ đó sẽ có những giải pháp kịp thời, chính xác đối với những tồn tại, vướng mắc còn tồn tại trong suốt thời gian vừa qua. Và quan trọng là cần tập trung thúc đẩy năng lực cho doanh nghiệp, khi năng lực doanh nghiệp tăng thì các nút thắt sẽ được giải quyết. 

Có thể nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế, từ đó đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, ổn định và hướng tới phát triển bền vững. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế, đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

PV: Vậy giải pháp đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là gì thưa ông?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thứ nhất, chúng ta cần nêu cao tinh thần và trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp quản lý, từ đó mới có thể giúp nền kinh tế thực sự hồi phục và phát triển thời gian tới. Các bộ, ngành phải có sự kết hợp để giải quyết được những khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu; những vướng mắc trong cơ chế chính sách. Chỉ khi thực hiện được những điều đó thì hoạt động đầu tư công mới hoạt động trôi chảy được. 

Thứ hai, về phía Kho bạc Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn và đã có những bước giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính. Vấn đề quan trọng còn lại là làm sao để bài toán chi tiêu đầu tư công đi theo đúng kế hoạch. 

Cuối cùng, chính quyền địa phương, bộ, ban ngành cũng phải xem xét kỹ lưỡng kế hoạch đầu tư công cho năm mới 2024, 2025 để có những bước đi chuẩn xác hơn. Những dự án nào có rủi ro lớn, không thực hiện được thì cần phải chỉnh sửa ngay. Nhấn mạnh rằng, cần phải cẩn trọng khi đưa ra những kế hoạch, định hướng trong thời gian tới. 

PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top