Sáng 28/9, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp tổ chức Diễn đàn bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất với chủ đề: “Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư”.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận sự chuyển mình khá tích cực. Điều này được thể hiện rõ khi niềm tin của các nhà đầu tư và lượng giao dịch bất động sản đang dần quay trở lại. Cụ thể, nguồn cung trong quý I sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, chỉ có hơn 1.000 giao dịch nhưng tới quý II đã có sự chào bán trở lại với trên 200 sản phẩm và có khoảng 3.700 giao dịch thành công; và sang đến quý III đã có hơn 5.000 giao dịch thành công cùng 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán.
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, đặc biệt là nhà ở cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản có một số động lực để phục hồi, cụ thể: Thứ nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành đã chỉ đạo sâu sát để giải quyết các vấn đề khó khăn trên thị trường bất động sản, từ đó tháo gỡ vướng mắc về cả cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.
Thứ hai là thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở từng phân khúc. Các chủ đầu tư đang xem xét, cân nhắc để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Đó là yếu tố quan trọng cho thấy việc tái cấu trúc trên toàn thị trường, không tập trung cụ thể ở phân khúc nào.
Thứ ba, từ năm 2023, Chính phủ có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.
“Chính vì lẽ đó, từ cuối năm 2022 đến nay, chúng ta đã có hơn 400 dự án nhà ở xã hội được triển khai và đây là cơ hội lớn để thị trường bất động sản phục hồi. Hiện nay, quá trình tái cấu trúc đang tạo ra sự thay đổi lớn tới nhu cầu của người mua nhà và thị trường. Theo tôi, sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường sẽ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được đưa ra thị trường”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang dần thấy được nhiều điểm sáng.
Cụ thể, khi đánh giá về khả năng phục hồi, TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, phải nói rõ phục hồi ở mức nào và so với thời điểm nào. Chứ chúng ta không thể nói chung chung đã phục hồi hay đang phục hồi.
Vì vậy, ông Khôi cho rằng, từ quý II - quý III/2024, thị trường bất động sản sẽ chính thức bước vào chu kỳ phục hồi, các dự án được triển khai mạnh mẽ hơn sẽ tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường. Trong đó, mảng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp vẫn chiếm ưu thế. Còn đối với nhà ở thương mại, 47% các dự án đã triển khai vẫn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp lý. Trong đó, vướng mắc về việc dự án phải có đất ở để được chấp thuận chủ đầu tư là vướng mắc lớn nhất.
“Với các dự án nhà ở thương mại mới, hy vọng việc hoàn thiện luật tới đây sẽ giúp các dự án phát triển một cách dễ dàng hơn”, TS. Nguyễn Văn Khôi kỳ vọng.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, khả năng hồi phục của thị trường bất động sản trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên là nền kinh tế thế giới. Thứ hai là diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước. Ngoài ra, việc điều hành chính sách, hoàn thiện chính sách liên quan đến thị trường bất động sản cũng là yếu tố quan trọng.
“Kỳ vọng của nhà điều hành bao giờ cũng là nhanh chóng hồi phục thị trường nhưng để kỳ vọng thành hiện thực thì phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành của Nhà nước. Trong đó, có thể khắc phục được hai khó khăn lớn nhất là pháp lý và nguồn vốn hay không mới là điều quan trọng”, ông Long đánh giá.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, khi nói đến thị trường bất động sản chúng ta không thể nói chung chung và việc nhận định thị trường bất động sản phải theo từng phân khúc, bởi mỗi phân khúc sẽ có những chuyển biến khác nhau.
“Bất động sản có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nên bất cứ khó khăn nào của thị trường bất động sản đều ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy, dự báo thị trường bất động sản phải đi vào dự báo từng phân khúc”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
PGS.TS. Ngô Trí Long cũng kỳ vọng, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023. Song những khó khăn không thể xử lý “ngày một ngày hai”, vì vậy, đến quý IV/2024 thì sự phục hồi sẽ rõ nét hơn.
Do đó, để thị trường bất động sản sớm hồi phục, dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát những khó của địa phương và phối hợp sát sao với bộ ban ngành giải quyết.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho rằng, các chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện phát triển nhà ở xã hội đã được đăng ký. Nếu gặp khó khăn trong quá trình triển khai loại hình nhà ở này, chủ đầu tư cần cần chủ động trao đổi, trình bày với cơ quan quản lý. Đồng thời, các nhà đầu tư nên xem xét và chuẩn bị nguồn lực kỹ lưỡng, để khi lãi suất đã xuống thấp, trong thời điểm phù hợp sẽ sẵn sàng tham gia thị trường./.