Phá vỡ quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng giáo dục, ai chịu trách nhiệm?

Phá vỡ quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng giáo dục, ai chịu trách nhiệm?

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Hai, 08/05/2023 - 06:09

Thực trạng hạ tầng giáo dục thiếu trầm trọng tại các khu đô thị, khu công nghiệp đã xảy ra nhiều năm qua, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân.

******

LTS: “Thiếu trường học” là cụm từ không mới và thường được nhắc đến mỗi khi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vận hành trong những năm gần đây. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị làm sao để hài hòa giữa sự phát triển với đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. 

Với mong muốn góp một phần tiếng nói để hiện thực hóa chủ trương trên, Reatimes xin trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài "Hạ tầng giáo dục - Đòn bẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp".

Bài 4: Phá vỡ quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng giáo dục, ai chịu trách nhiệm?

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Phải tính toán cụ thể, rõ ràng, rành mạch

Hơn 1 thập kỷ về trước, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội) là một trong những niềm tự hào của đông đảo chuyên gia về quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư, lãnh đạo Hà Nội và đông đảo người dân Thủ đô. Khu đô thị kiểu mẫu này được xem là một trong những khu vực đáng sống bậc nhất Thủ đô bởi nằm trọn khu vực bán đảo, bao quanh là hồ Linh Đàm xinh xắn. Tổng diện tích đô thị xanh hơn 200ha, trong đó có 74ha diện tích mặt nước, công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/người. Đặc biệt, khu đô thị kết hợp hài hòa với 60% diện tích là khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa và nhà ở chỉ chiếm khoảng 23%.

Không thể không tự hào khi lần đầu tiên một khu đô thị được quy hoạch bài bản, đầy đủ công năng, diện tích xây dựng và đầy đủ các tiện ích. Thế nhưng, chỉ gần 10 năm sau khi nhìn lại tất cả đều ngao ngán và đến thời điểm hiện tại chẳng ai còn nhắc đến cụm từ “kiểu mẫu” nữa bởi bằng cách nào đó nơi đây đã bị “băm nát” quy hoạch đến xót xa… Đó là khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. Hay khu đất VP6 được quy hoạch nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường Vành đai 3, nhưng đã bị biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng bán đảo Linh Đàm, che khuất tầm nhìn. Những sai phạm nghiêm trọng này đã được cơ quan chức năng chỉ rõ.

Khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%.
Khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. (Ảnh: Reatimes)

Và những năm gần đây, một khu đô thị từng là kiểu mẫu, từng được xem là đáng sống bậc nhất Thủ đô lại đang phải gánh chịu nhiều hệ quả của việc bất chấp quy tắc, xem thường luật pháp của doanh nghiệp, cá nhân. 12 tòa chung cư cao tầng, có đến cả vạn cư dân sinh sống nhưng không được bố trí bãi đỗ xe ô tô; dân số cơ học tăng lên đến chóng mặt, gấp nhiều địa phương khác lại đè nặng lên hạ tầng, tiện ích. Sự việc hàng trăm phụ huynh học sinh phải bốc thăm để con em mình có suất vào trường mầm non công lập trên địa bàn là bài học nhãn tiền đến xót xa…

Bên cạnh đó, một thực trạng khác rất đáng báo động khiến chúng ta không thể không nhắc tới là nhu cầu gửi trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang ngày càng gia tăng. Nhà trẻ công lập tại những khu công nghiệp, khu chế xuất thì thiếu, nhà trẻ tư thục thì chi phí cao trở thành gánh nặng quá lớn cho người lao động kèm nhiều rủi ro về chất lượng.

Theo thống kê, cả nước có gần 300 khu công nghiệp đang hoạt động, với hơn 4 triệu công nhân. Tuy nhiên, độ bao phủ của trường mầm non, nhất là nhà trẻ còn rất thấp, khoảng 25%.

Dù hiện nay giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, quá trình chuyển động để chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chia sẻ với Reatimes, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, thời gian qua việc quy hoạch đô thị, nhà đô thị, chung cư cao tầng, trong đó có hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu công nghiệp còn rất nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, ở đô thị lớn, có những khu vực được quy hoạch chung cư với mật độ dân cư bằng một xã, một phường của đơn vị hành chính thông thường nhưng hạ tầng phục vụ người dân lại thiếu. Đó là điều không nên.

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thời gian tới đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khi quy hoạch phải có tính toán cụ thể, rõ ràng, rành mạch. “Đồng ý chúng ta phát triển đô thị, dân cư ngày càng phát triển tăng lên, xây dựng chung cư để đảm bảo cho đông đảo người dân được an cư. Bởi khi quỹ đất đô thị không còn nhiều thì buộc chúng ta phải tận dụng không gian và đây là điều tất yếu khách quan mà đô thị Việt Nam phải có”, ông Phạm Văn Hòa phân tích.

“Cơ quan quản lý không nghiêm”

ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, các nhà quy hoạch và nhà phê duyệt quy hoạch phải tính toán trên cơ sở nếu một không gian, một khu chung cư, một khu đô thị có bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu cư dân sinh sống. Từ đó, chúng ta tính toán làm sao hạ tầng như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế phải đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của con người. Nếu các nhà đầu tư, chủ đầu tư chăm chăm bán nhà ở xã hội, nhà ở thương mại mà bỏ quên hạ tầng, tiện ích thì không thể chấp nhận được. Khi quy hoạch phải dành riêng quỹ đất phục vụ cho những hạ tầng này bởi không thể để trẻ em phải di chuyển ra nơi khác, đi học xa, không đảm bảo lợi ích. Nhà nước cũng phải lo, tính toán cho người dân trong việc này”.

Câu chuyện phá vỡ quy hoạch tại Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm chỉ là điển hình bởi hiện có nhiều khu đô thị, khu dân cư khác trên cả nước cũng rơi vào tình trạng này. Dưới góc độ là một ĐBQH và là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ: “Không thể chấp nhận được việc phá vỡ quy hoạch”.

Đồng thời ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu ý kiến: “Từ nay trở về sau căn cứ vào quy hoạch được duyệt, nhà đầu tư phải chấp hành từ đầu đến cuối. Trong quy hoạch được duyệt, trong vòng vài năm không thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện các tiện ích thì Nhà nước có quyền thu hồi, giao cho nhà đầu tư khác thực hiện. Như vậy mới ép được các nhà đầu tư mới không thể, không dám và không muốn thay đổi công năng khu đất đó”.  

ĐBQH Phạm Văn Hòa, đại biểu quốc hội phạm văn hòa

Chia sẻ thêm về vấn đề gia tăng dân số cơ học trên một địa bàn, địa phương, ĐBQH Phạm Văn Hòa thẳng thắn nói, chắc chắn TP. Hà Nội đã nhìn nhận, nhìn thấy rồi. Không chỉ thế, lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, các cơ quan của Trung ương cũng đã nhìn thấy rõ những vấn đề trên nên phải thực hiện và thực hiện kiên quyết. 

“Tới đây, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì khi anh mua đất, anh thỏa thuận với người dân khu vực này là quy hoạch nhà trẻ, trạm y tế nhưng không thực hiện sẽ bị thu hồi đất, trả lại giá trị ban đầu chứ không trả theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ rằng, quy định rất rõ ràng, rạch ròi như vậy thì các nhà đầu tư khi muốn làm họ sẽ nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu kỹ vấn đề có lợi, chưa thuận trước khi tiến hành”, ông Hòa nhấn mạnh.

Cho rằng việc thời gian qua quy hoạch bị phá vỡ, thậm chí “băm nát” như trên là do các đơn vị làm sai, làm trái chẳng qua do cơ quan quản lý không nghiêm, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, nếu nghiêm minh từ đầu đến cuối thì tin rằng, không cá nhân, tổ chức nào để xảy ra vi phạm.

Từng địa phương cần có định hướng quy hoạch rõ ràng, chi tiết

Thực tế cho thấy sự hình thành ngày càng nhiều các khu công nghiệp cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động thì hạ tầng xã hội (đặc biệt là nhà ở và trường học cho công nhân) tại nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu để người lao động "an cư lạc nghiệp".

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, chia sẻ với Reatimes, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ đây là một trong những điểm quan trọng mà Việt Nam cần cải thiện để phát triển thị trường bất động sản công nghiệp bền vững và toàn diện. Trong mắt nhà đầu tư và nhà sản xuất nước ngoài, bất động sản công nghiệp Việt Nam có lợi thế khá lớn khi được Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nhằm tăng khả năng kết nối và xuất khẩu. Tuy nhiên, thế mạnh này cần được hiểu đúng và đầy đủ hơn nữa để có thể duy trì động lực đầu tư trong dài hạn. Đó là khoảng cách giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội”.

Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nêu quan điểm, ở khía cạnh chính sách, từng địa phương cần có định hướng quy hoạch rõ ràng, chi tiết trong các khu công nghiệp để phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, tạo nền tảng bền vững, bởi vì bên cạnh việc làm thì người lao động cũng rất cần ổn định đời sống, đặc biệt là vấn đề sức khỏe và học tập của con em họ.

"Ngoài xây dựng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện nước, viễn thông... việc xác định, bố trí quỹ đất cụ thể cho doanh nghiệp để đầu tư xây dựng công trình phục vụ lưu trú, giáo dục, y tế, giải trí là hết sức cần thiết để tối ưu nguồn lực và nguồn vốn tư nhân. Chính sách ưu đãi và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp có cam kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lâu dài tại địa phương cũng rất nên được cân nhắc”, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhấn mạnh.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam

Cũng theo ông David Jackson, với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, chủ động quy hoạch xây dựng thêm các khu lưu trú, nhà ở cho công nhân và chuyên gia nước ngoài để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khách thuê, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú trọng yếu tố đảm bảo phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động của họ.

Từng chia sẻ về thực trạng thiếu trường học tại các khu đô thị, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp là do không kiểm soát tốt quy hoạch đô thị. Các chung cư mọc lên khắp nơi, nhiều người dân từ khắp nơi đổ về đô thị lớn làm việc kéo theo cả gia đình, con cái lớn lên. Nhưng hiện nay dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu học tập lại không tương thích, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, đây là thực trạng rất đáng lo ngại thời gian qua.

Để giải quyết câu chuyện này rất cần nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề làm sao để có sự đồng bộ phát triển giữa hệ thống nhà ở chung cư với sự phát triển hệ thống trường học. Chắc chắn hệ thống trường công sẽ không thể đáp ứng được hết nhu cầu, khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, cần có yêu cầu rõ ràng về quy hoạch diện tích trường lớp kèm theo, đặc biệt là hệ thống các trường ngoài công lập. Ngay từ khâu phê duyệt các dự án xây dựng khu đô thị đã phải đảm bảo diện tích cho xây dựng trường học. Đồng thời quá trình thực hiện cũng cần đẩy mạnh giám sát, thanh tra chặt chẽ để nếu phát hiện chủ đầu tư nào không thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt sẽ phải có sự can thiệp kịp thời, đảm bảo các dịch vụ về giáo dục, y tế đáp ứng được nhu cầu và đồng bộ với sự phát triển của các khu đô thị hiện nay.

Nói về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các cơ quan chức năng ở chính địa phương đó phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những bất cập trong quy hoạch. Khi quản lý địa bàn, không thể nói anh không biết gì khi hàng loạt các chung cư, nhà cao tầng mọc lên như nấm nhưng lại không kèm theo các trường học để đảm bảo nhu cầu học tập. Quá trình kiểm tra, giám sát, theo dõi tại các địa phương để xảy ra tình trạng như quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa qua thiếu trường lớp đến mức phụ huynh phải bốc thăm để giành vé vào trường mầm non công lập thì trước hết chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm./.

Bảo Linh
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top