Aa

Quy hoạch và đầu tư không đáp ứng được nhu cầu của cư dân

Bảo Linh
Bảo Linh vukimlinh@gmail.com
Thứ Tư, 03/05/2023 - 06:09

Hình ảnh hàng trăm phụ huynh xếp hàng, bốc thăm để con được vào trường mầm non tại một phường ở Hà Nội cuối năm 2022 là minh chứng cho thấy hạ tầng giáo dục và quyền cơ bản nhất của nhiều đứa trẻ chưa được đảm bảo.

LTS: “Thiếu trường học” là cụm từ không mới và thường được nhắc đến mỗi khi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vận hành trong những năm gần đây. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị làm sao để hài hòa giữa sự phát triển với đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. 

Với mong muốn góp một phần tiếng nói để hiện thực hóa chủ trương trên, Reatimes thực hiện chuyên đề "Hạ tầng giáo dục - Đòn bẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp".

Bài 1: Quy hoạch và đầu tư không đáp ứng được nhu cầu của cư dân

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Khi trẻ nhỏ đi học cũng phải chờ… may rủi

Cuối tháng 8/2022, có khoảng 700 phụ huynh phải bốc thăm giành suất vào trường Mầm non Hoàng Liệt. Lý do dẫn đến việc nhà trường và phường buộc phải tổ chức việc bốc thăm này do lượng hồ sơ đăng ký vượt gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh. Những phụ huynh may mắn sẽ nhận được tấm phiếu được ghi dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và những trường hợp không may mắn sẽ nhận được tấm phiếu: “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

Những đứa trẻ này mới lên 3, có thể chạy còn vấp ngã, chưa nói sõi và chẳng thể hiểu những gì đang diễn ra đối với chính mình khi lần đầu rời xa vòng tay cha mẹ, ông bà để đến trường mẫu giáo, đánh dấu cuộc hành trình dài của cuộc đời. Gần 1 năm đã trôi qua và chắc rằng, đến giờ này nhiều bậc phụ huynh khi nhìn lại vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi những đứa trẻ mới chớm lên 3 đã phải đối mặt với sự “may rủi” từ thùng phiếu, những lá thăm và dòng chữ trên mảnh giấy.

Hàng trăm phụ huynh có mặt tại UBND phường Hoàng Liệt để bốc thăm suất vào trường mầm non công lập cho con.
Hàng trăm phụ huynh có mặt tại UBND phường Hoàng Liệt để bốc thăm suất vào trường mầm non công lập cho con. (Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống)

Trong báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai cho rằng, phường Hoàng Liệt có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện trên địa bàn phường có 85 tòa chung cư cao tầng và đang xây tiếp 5 tòa. Đa số hộ dân ở đây là các gia đình trẻ, có con nhỏ. Với tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hằng năm, nên sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường này là rất lớn.

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bemes về tội “Lừa dối khách hàng”. 

Cụ thể, Dự án chung cư CT6 ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty Bemes làm chủ đầu tư, được duyệt quy hoạch thiết kế gồm 2 tòa CT6A và CT6B; có khối nhà thấp tầng và một phần diện tích để xây dựng trường mầm non.

Tuy nhiên, toà tháp B thay đổi từ chức năng khách sạn với 495 phòng thành 1.582 căn hộ. Đồng thời chủ đầu tư đã tự ý xây tòa CT6C không phép, sai quy hoạch được duyệt với 438 căn hộ. Kết luận của cơ quan điều tra cũng xác định, ông Thản đã thu lời bất chính tổng số tiền hơn 480 tỷ đồng.

Điều đáng nói là toàn bộ khu đất 513m2 để xây nhà trẻ mẫu giáo và khu vui chơi đã bị chuyển thành xây nhà thấp tầng và chung cư, do đó cả khu này không có nhà trẻ mẫu giáo, trong khi hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ở đây đều có con nhỏ.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, đặc trưng bất cập ở quận Hoàng Mai là thiếu trường học. Dân cư đông nhưng nếu không mở rộng đầu tư cho giáo dục, y tế thì rất khó khăn. Nhắc lại chuyện phụ huynh phải bốc thăm cho con vào trường mầm non công lập ở Hoàng Mai, đồng thời ông Đinh Tiến Dũng cho rằng “nghe báo chí đăng tải mà xót ruột”. Bên cạnh đó, tại đây, ông Đinh Tiến Dũng cũng phân tích thêm việc địa bàn quận thiếu trạm y tế, bãi đỗ xe bởi nhu cầu thì quá lớn nhưng hiện trạng lại đang thiếu trầm trọng.

Tại phiên giải trình về quản lý, đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn của Thường trực HĐND TP. Hà Nội tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thừa nhận việc các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là trường học… đang là vấn đề “rất nóng” và thành phố cần đối mặt, giải quyết.

Ông Thanh nhắc đến câu chuyện các phụ huynh học sinh phải bốc thăm giành suất học cho con ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) và cho rằng, hiện tượng này là do địa phương thiếu trường công, chứ không phải thiếu trường học. "Bà con muốn con em được vào trường công, vì tin tưởng hơn, chi phí giá cả ổn định hơn. Một lượng học sinh vào đông quá thì buộc phải bốc thăm cho công bằng. Ở đây khẳng định không đến mức thiếu trường, chỉ là thiếu trường công và người dân muốn con vào trường công", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, quận Hoàng Mai có sự khác biệt với tất cả các quận, huyện, thị xã còn lại về mật độ dân cư. Hiện UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cho Sở Giáo dục và Đào tạo "xin" tiêu chí riêng cho Hoàng Mai và một số quận tương tự về tỷ lệ công - tư để có kế hoạch đầu tư. Trong đó có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để xây thêm trường học đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi xảy ra việc quận Hoàng Mai thiếu trường học, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo giải quyết. Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã bàn giao 7 lô đất làm bãi đỗ xe. Đối với 7 lô đất quy hoạch trường học, HUD đang triển khai đầu tư 1 lô, còn 6 lô chưa đầu tư.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, vấn đề khu đô thị thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã tồn tại lâu và pháp luật cũng đang hoàn thiện để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để, cần phải giải quyết hài hoà lợi ích của các bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó quan điểm của thành phố là phải đảm bảo giải quyết được lợi ích cộng đồng là mục tiêu số 1.

Đừng để tương lai con trẻ mịt mờ vì thiếu trường học

Ngay sau khi sự kiện trên xảy ra, UBND TP. Hà Nội lập tức ra Quyết định ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị giai đoạn 2021 - 2025”. Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, các khu thể dục thể thao, vui chơi, giải trí... trong các khu đô thị, khu nhà ở vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức dẫn đến hạ tầng xã hội tại nhiều dự án bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống của người dân.

Qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông): Có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch được thực hiện cơ bản đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân khu vực dự án. Tuy nhiên, còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Việc ban hành Chuyên đề nhằm bảo đảm việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân trong các khu đô thị. Chuyên đề đã đề ra các giải pháp: UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn; trên cơ sở thực trạng, nhu cầu và quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và các công trình công cộng khác trên địa bàn…

thiếu trường học
Bao giờ hết cảnh phải bốc thăm cho trẻ vào mầm non? (Ảnh: Đậu Tiến Đạt/Báo Thanh niên)

Khu đô thị, khu công nghiệp buộc phải xây trường mới được hoạt động

Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình - Hà Nội) phân tích, đó là do thành phố tăng dân số cơ học không đồng đều trên các quận, huyện, thị xã. Nơi nào có kinh tế phát triển thì ở đấy dân số tăng, cũng như việc chúng ta xây dựng đô thị ở đâu thì ở đó có hiện tượng dân số tự nhiên tăng.

TS. Nguyễn Tùng Lâm lý giải thêm, hệ thống giáo dục của TP. Hà Nội trong nhiều năm vừa qua phải thừa nhận đã được đầu tư, cải thiện rất nhiều so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đặc biệt, khu vực nội thành những trường học cũ, xuống cấp, không đủ diện tích, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại đã được Hà Nội đầu tư xây dựng, tăng diện tích, trường kiên cố, khang trang hơn và đẹp hơn nhằm đạt chuẩn quốc gia. Một trong những quy định của chuẩn quốc gia đối với trường học đó là diện tích phải phù hợp với sĩ số học sinh. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm
Một trong những điểm mà TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh đó là, khi thực hiện quy hoạch phải đặc biệt chú ý đến trường mầm non. (Ảnh: NVCC)

Từ những phân tích trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định: "Do dân số không đồng đều và biến động nhanh nhưng cơ sở hạ tầng tại các trường học lại không theo kịp. Vì vậy, dự kiến Hà Nội sắp trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô thì các quận, huyện, thị xã phải được phân cấp. Các cấp này chịu trách nhiệm để làm sao đáp ứng được nhu cầu của người dân để phục vụ kịp thời các nhu cầu cơ bản. Muốn thế các cấp phải được chuẩn bị từ nhiều năm chứ không thể 1 - 2 năm mà chuẩn bị được ngay. Tức, các cấp phải tính toán, dự trù, khi quy hoạch đã có thì phải có trường học từ cấp mầm non đến THPT".

Một trong những điểm mà TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh đó là, khi thực hiện quy hoạch phải đặc biệt chú ý đến trường mầm non bởi ở các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng kinh tế thì lượng người trẻ mới trưởng thành đến sinh sống, lập nghiệp nhiều nên kéo theo trẻ nhỏ có nhu cầu học mầm non, tiểu học lớn. Trong khi đó, đối tượng người trẻ mới lập nghiệp, mới xây dựng gia đình, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cần phải được quan tâm để xây trường mầm non công lập tại những khu vực này.

Để “guồng máy” đô thị hoạt động trơn tru, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giao ngay cho các địa phương chủ động lên kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch hàng năm trong việc xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu dân số trong khu vực. Khi đô thị xây dựng đến đâu phải tính, buộc thành phố hoặc chủ đầu tư phải đáp ứng ngay. 

“Ví dụ, khi xây dựng khu đô thị, nhà máy, chủ đầu tư phải đáp ứng 2 nhu cầu đi theo. Thứ nhất là nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội; thứ hai là nhà trẻ, trường tiểu học, trường THCS phải đi theo. Tức khi anh hoàn thành và khi vận hành phải đáp ứng đủ những điều kiện trên, ngược lại nếu chưa đủ điều kiện thì chưa được vận hành. Tôi rất muốn quy định trên đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh, cần ưu tiên đất cho xây dựng trường học, bệnh viện. Nếu để xây dựng xong các khu đô thị, khu công nghiệp mới giải quyết vấn đề an sinh thì không được, phải xây dựng song song. Về giải pháp hiện tại, Hà Nội phải rà soát lại việc xây dựng khu đô thị phải xây dựng trường học. Mặt khác, khi quy hoạch trường học phải rộng, có tầm nhìn chứ không thể sát với dân số để sau này lại phải chạy theo. Bên cạnh đó, tại khu vực nội thành, khi TP. Hà Nội di dời các nhà máy, xí nghiệp thì quỹ đất đó phải được bố trí trường học chứ không thể bố trí nhà cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ.

Rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp

Tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. Công điện có nêu, tại một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), trạm y tế; hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch… còn thiếu, xuống cấp và quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

Về các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), cơ sở y tế (nếu có) tại các khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giáo dục thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước; yêu cầu chủ đầu tư dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương thực hiện hoàn thiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong dự án.

Những nơi chưa có, cần khẩn trương quy hoạch, sắp xếp bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong tổ chức quản lý, vận hành và các vấn đề phối hợp liên ngành, bảo đảm đến năm 2023 hoàn thành đầu tư xây dựng; khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các mô hình mới đáp ứng yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường. Ngoài ra, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và mạng lưới cung cấp các dịch vụ đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường; trong đó cần chủ động có các giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư, quản lý, vận hành theo phương thức đối tác công tư. 

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình giáo dục mầm non, tiểu học, y tế (nếu có), nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các trách nhiệm và nghĩa vụ theo nội dung dự án được phê duyệt; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các dự án không triển khai, chậm tiến độ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành các công trình hạ tầng đô thị (bao gồm trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở y tế, nhà vệ sinh công cộng…); rà soát, hoàn thiện, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng đô thị có liên quan, đáp ứng các yêu cầu đồng bộ hạ tầng trong đô thị…

Bảo Linh
Mai Ninh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top