Aa

Phải tách bạch sở hữu và quản lý trong tái cơ cấu ngân hàng

Thứ Hai, 19/11/2018 - 21:41

Sau 2 năm triển khai, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II (2016 - 2020) được đánh giá là khá chậm, dù nợ xấu đã giảm mạnh. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, cần tách bạch giữa sở hữu và quản lý.

Thành tích nổi bật: nợ xấu đã giảm

PV: Thưa ông, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II đã triển khai được 2 năm, nhưng nhìn chung là còn chậm. Theo ông, 2 năm vừa qua đã làm được những gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể thấy, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi như kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá vững chắc, kinh tế thế giới đang phục hồi, nợ xấu có thêm nhiều công cụ pháp lý để xử lý, thị trường bất động sản ấm trở lại…

Tuy nhiên, những khó khăn của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II cũng không ít. 

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém chưa thực sự phục hồi như mong muốn, đặc biệt 3 ngân hàng mua lại bắt buộc dù đã cải thiện về chất lượng tài sản, nhưng vẫn đang trong tình trạng yếu kém, chưa được xử lý dứt điểm.

Thứ hai, các chuẩn mực về quản trị ngân hàng trên thế giới tiến rất nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Việt Nam ngày càng bị bỏ xa, khiến mục tiêu cải cách lần thứ hai nặng nề hơn.

Thứ ba, công nghệ ngân hàng đang phát triển như vũ bão, điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong việc phát triển công nghệ.

Trong bối cảnh đó, tái cơ cấu ngân hàng 2 năm vừa qua hơi chậm, song cũng đã thu được nhiều thành tựu.

Thành tựu thứ nhất, cũng là lớn nhất, là nợ xấu đã giảm nhanh. Trước đây, báo cáo của các tổ chức nước ngoài đều cho rằng, nợ xấu của Việt Nam ở mức 14-15%, nhưng hiện nay, theo đánh giá của họ, nợ xấu của Việt Nam chỉ còn 7-8%, tức đã giảm một nửa. Đây là tiến bộ nổi bật nhất của tái cơ cấu giai đoạn II.

Thành tựu thứ hai, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được giữ vững. Có lẽ, trong tất cả các giai đoạn chưa có giai đoạn nào thanh khoản ngân hàng vững như vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã có kinh nghiệm quản lý thanh khoản, đồng thời cách thức điều hành thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước cũng vững vàng, thành công hơn.

Thành tựu thứ ba, an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng nhìn chung được cải thiện, ngoại trừ các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn tăng vốn. 

Thành tựu thứ tư, quản trị của nhiều ngân hàng đã cải tổ đáng kể, nhiều ngân hàng đã bắt đầu áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế Basel II…

Thành tựu thứ năm, khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại trong 2 năm vừa rồi rất đáng khen ngợi. Có ngân hàng từng đứng bên bờ sụp đổ, nay đang dẫn đầu về khả năng sinh lời. Khả năng sinh lời cải thiện đã tạo thế và lực mới cho ngành ngân hàng, góp phần tăng sức chống chọi của ngành ngân hàng trước các cú sốc tài chính từ bên ngoài, cũng như cải thiện căn bản khả năng xử lý nợ xấu. Nếu không vì gánh nặng nợ xấu cũ để lại, đa phần ngân hàng thời gian gần đây đều có lãi.  

PV: Dù nợ xấu đã giảm nhanh, song vẫn còn gần nửa triệu tỷ đồng nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu tồn tại trong nền kinh tế. Từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42), việc thu giữ tài sản nợ xấu tăng mạnh, nhưng việc bán nợ lại gặp nhiều khó khăn. Thị trường mua bán nợ chậm hình thành có phải là nguyên nhân chính không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số ngân hàng, ví dụ Ngân hàng Quốc dân (NCB), cho thấy, nhờ thị trường thuận lợi, hầu hết các bất động sản liên quan đến nợ xấu bị “đóng băng” trước đây đều được xử lý tốt 2 năm vừa qua. Nhiều con nợ đã hợp tác xử lý nợ xấu. Trừ những tài sản đang trong tình trạng tranh chấp, còn lại các ngân hàng đều có thể xử lý được.

Những khoản nợ xấu không bán được chủ yếu do đang trong tình trạng tranh chấp, hoặc liên quan đến lãi dự thu.

Ví dụ, có những khoản nợ trước đây được cán bộ ngân hàng định giá 4 tỷ đồng, cho vay 3 tỷ đồng (trong khi tài sản thực chỉ có giá trị 1 tỷ đồng). Nếu bây giờ bán tài sản để xử lý thì ngân hàng sẽ lỗ nặng. Những trường hợp như vậy rất nhiều và trở thành “điểm đen”. Thực ra, với những khoản nợ xấu đang trong tình trạng này, Nghị quyết 42 đã cho phép được ghi vào lãi dự thu và hạch toán dần (thay vì hạch toán ngay), song nhiều ngân hàng vẫn chưa dám làm vì khi đó lợi nhuận sẽ sụt giảm rất mạnh. 

PV: Như ông nói, những khoản nợ xấu vướng không bán được là do tranh chấp pháp lý và ngân hàng không muốn mất lãi dự thu, chứ không phải do thị trường mua bán nợ chưa được hình thành?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu tài sản nợ không vướng tranh chấp, việc bán để thu hồi nợ là không khó. Những trường hợp không xử lý được chủ yếu do hai vướng mắc trên.

Một nhà đầu tư nước ngoài cho hay, họ đã ký hợp đồng bảo mật với VAMC, muốn mua trọn gói một khoản nợ, song khi đến trực tiếp kiểm tra thì thấy tài sản nợ đã được con nợ cho thuê, muốn đòi lại rất khó, phải bồi thường lớn cho bên thuê. Chính vì vậy, họ đã âm thầm rút lui. Tôi cho rằng, cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn nữa về tài sản nợ xấu thì việc xử lý mới nhanh được.  

Mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I là xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn II, các ngân hàng mua lại bắt buộc vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, chưa kể một số ngân hàng yếu mới xuất hiện. Theo ông, đâu là lý do khiến việc xử lý ngân hàng yếu kém còn chậm trễ?

Tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Bộ Chính trị về phương án xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, hy vọng thời gian tới, việc xử lý sẽ được đẩy nhanh hơn. Với 3 ngân hàng này, trước mắt cần tập trung làm giảm lỗ lũy kế, sau đó tìm nhà đầu tư để bán lại.

Việc xử lý các ngân hàng yếu còn chậm là do chưa có tiền lệ và do liên quan đến các đại án, việc xử lý tài sản để thu hồi nợ khó khăn, khung pháp lý cũng chưa thật rõ ràng. 

Ngoài ra, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và Quyết định 1058/2017/QĐ-TTg về Đề án Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn II, với các ngân hàng yếu kém, Đề án tái cơ cấu không phải do Ngân hàng Nhà nước, mà do Chính phủ phê duyệt. Điều này khiến quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là tập trung vào chống lạm phát và ổn định vĩ mô, không đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng bằng mọi giá, vì nếu không cẩn thận, đẩy nhanh tái cơ cấu sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Đây là quan điểm thận trọng và bài bản.  

Cần cấm ông chủ tập đoàn làm ông chủ nhà băng

PV: Theo ông, tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới cần tập trung vào những việc gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thứ nhất, cần giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô làm “bà đỡ” cho tái cơ cấu ngân hàng, nhất là giữ vững thanh khoản hệ thống.

Thứ hai, phải tiếp tục khai thác những lợi thế có được từ quy định pháp lý mới là Nghị quyết 42 và Luật bổ sung sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đặc biệt là 3 điểm quan trọng gồm quyền thu giữ tài sản của chủ nợ, thủ tục tố tụng rút gọn và thoái dần lãi dự thu.

Thứ ba, cần có ngay biện pháp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn    nhà nước.

Thứ tư, coi phát triển công nghệ là nhiệm vụ cốt tử của hệ thống ngân hàng. Năm 2016, khi tôi đến một chi nhánh ngân hàng bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha, họ có 96 nhân viên, nhưng hiện tại, chi nhánh này chỉ còn 3 nhân viên, do họ áp dụng công nghệ.

Thứ năm, đào tạo nhân lực ngân hàng hiện nay đang rất kém và cần một cuộc cách mạng thực sự, đào tạo theo hướng số hóa.

Thứ sáu, cần chấm dứt ngay kiểu quản trị gia đình tại các ngân hàng.

PV: Ngân hàng Nhà nước khẳng định sở hữu chéo đã giảm mạnh, nhưng ông vẫn cho rằng quản trị gia đình tại các ngân hàng là đáng lo?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Sở hữu chéo đã giảm và minh bạch hơn, song tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tạo áp lực thực sự với các ngân hàng về đổi mới quản trị, từ đó chấm dứt hẳn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn và kiểu quản trị gia đình. Đặc biệt, nên có quy định cấm ông chủ tập đoàn tư nhân trở thành ông chủ ngân hàng để tránh các hệ lụy phát sinh.

Ở nhiều nước trên thế giới, cổ đông lớn nhất của ngân hàng không phải là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng đó, mà Chủ tịch HĐQT là người đi làm thuê. Họ đã tách bạch giữa sở hữu và quản lý. Việc có được đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, tuân thủ chặt chẽ quy định, thay vì bị chi phối bởi các mối quan hệ sở hữu sẽ cải tổ quản trị của các ngân hàng.

PV: Với chuyện tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh, có nên nới mạnh room ngoại cho các ngân hàng này không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, không nên vội vã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng, vì giai đoạn công nghiệp hóa rất cần dồn tiềm lực tài chính vào một số trọng tâm.

Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng khá sớm, chỉ còn 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, tôi cho rằng, không nên mở quá mạnh room vốn ngoại cho các ngân hàng này, nếu không chúng ta không thể dồn tiềm lực tài chính cho một số lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao - lợi thế lớn nhất của Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top