Aa

Phân cấp phải gắn với trao quyền, để địa phương không phải chờ đợi, ỷ lại

Thứ Năm, 13/02/2025 - 17:10

Tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sáng 13/2. Nhiều đại biểu nhấn mạnh việc phân cấp đi kèm trao quyền, để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ tiến độ công việc.

Có địa phương không làm được thì đổ lỗi cho luật, nghị định, thông tư

Thảo luận tại Tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thực trạng, cùng một luật nhưng có địa phương làm tốt, không kêu gì, ngược lại có địa phương chưa làm đã kêu khó, không làm được thì đổ lỗi cho luật, nghị định, thông tư.

Vì vậy, quan điểm chung của việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này, là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ, chính quyền địa phương. Với phương châm là Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo, điều hành trực tiếp. Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Việc giao quyền mạnh cho các bộ, ngành, địa phương để tính chủ động, chịu trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương phải mạnh mẽ hơn.

Phân cấp phải gắn với trao quyền, để địa phương không phải chờ đợi, ỷ lại- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Về phía Quốc hội cũng đã đổi mới tư duy làm luật. Quốc hội giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì Thường vụ Quốc hội một tháng có thể họp nhiều phiên để giải quyết công việc, sau đó ủy quyền cho Chính phủ thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, sắp tới, Quốc hội sẽ không quản lý danh mục dự án đầu tư công. Chính phủ cũng không quản lý danh mục đầu tư, hạn chế tối đa việc xin - cho, vì chính cơ chế xin - cho dẫn đến xảy ra một số vụ việc tiêu cực, phải xử lý nhiều cán bộ.

Quốc hội giám sát nghị định, thông tư của Chính phủ, bộ, ngành ban hành có đúng với pháp luật hay không? Ở địa phương thì HĐND có chức năng giám sát, quyết định những vấn đề ở địa phương. Chức năng giám sát của các HĐND thì phải mạnh hơn, theo Chủ tịch Quốc hội.

Phân cấp gắn với trao quyền để góp phần tháo gỡ "nút thắt" thể chế

Thảo luận tại Tổ 01, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đồng tình cao với quan điểm phân cấp, phân quyền, bởi nếu không sẽ khó cho cơ quan thực thi cấp dưới. Việc phân cấp, phân quyền trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là một trong những cơ chế then chốt để giải quyết những "nút thắt" về thể chế đang tồn tại.

Tuy nhiên, để phân cấp được hiệu quả cần gắn với trao quyền. Theo đó, Luật không nên quy định cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện, mà chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, yêu cầu khi trao quyền cho địa phương, còn việc thực hiện như thế nào do địa phương thực hiện.

"Nếu không có phân cấp và trao quyền, các cấp thực thi khi gặp những quy định không phù hợp sẽ phải liên tục hỏi ý kiến cấp trên, gây ra tình trạng chờ đợi, ỷ lại, thậm chí đùn đẩy", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Phân cấp phải gắn với trao quyền, để địa phương không phải chờ đợi, ỷ lại- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cũng đồng tình, không nên quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, chỉ nên quy định về quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc. Bởi phương pháp thực hiện phụ thuộc vào tư duy của mỗi người, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Để tháo gỡ và giảm thủ tục hành chính, đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị nới rộng cơ chế phân cấp và ủy quyền. Thực tế, các vướng mắc xảy ra nhiều nhất là các địa phương hỏi bộ ngành, do đó cần phân cấp nhiều hơn cho Chủ tịch UBND các tỉnh; cấp tỉnh có quyền được phân cấp nhiều hơn cho cấp sở, ngành và cấp huyện. Bên cạnh bổ sung quy định phân cấp cho các thủ trưởng đơn vị trực thuộc, có thể phân cấp cho các tổ chức đáp ứng được yêu cầu và ủy quyền cho các cá nhân đáp ứng được yêu cầu…

Theo đại biểu Lê Quân, nếu tổ chức quản lý Nhà nước không tinh gọn, hiệu quả, chi phí không cắt giảm và không đổi mới phương thức quản lý, sẽ xuất hiện những "điểm nghẽn" thể chế, khiến không giải phóng được các nguồn lực và đất nước khó phát triển.

Góp ý cụ thể về từng điều khoản trong Dự án Luật về các vấn đề như tổ chức bộ máy, cơ chế giám sát và hiệu lực thi hành, đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn ĐBQH TP.HCM), Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần thiết được ban hành mới, chuyển tải những điểm đột phá về thể chế quản lý, thay vì chỉ dừng ở mức sửa đổi.

Theo đó, ông Thắng đề xuất tách các quy định về chính quyền đô thị sang Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò là "luật khung", đưa ra các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong cả nước. Từ đó các địa phương có thể phát triển và áp dụng các quy định cụ thể sao cho phù hợp với đặc thù của mình.

Đại biểu Hà Phước Thắng cũng đề nghị quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định về các loại nhiệm vụ có thể ủy quyền và các nhiệm vụ không được ủy quyền để tránh tình trạng lạm dụng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát và đánh giá hiệu quả ủy quyền theo hướng quy định báo cáo định kỳ về việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, bổ sung cơ chế thu hồi ủy quyền nếu đơn vị thực hiện không hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top