Năm 2017, Bộ Tài chính đã có báo cáo chuyên đề về việc xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định. Trong đó, Bộ Tài chính khẳng định "cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản" đối với BĐS (bao gồm nhà, đất) góp phần ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.
Một trong những đề xuất đó là đánh thuế với sở hữu căn nhà thứ hai trở đi. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và doanh nghiệp. Bộ Tài chính sau đó cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và trong trung hạn, năm 2017-2018 chưa đặt vấn đề đánh thuế căn nhà thứ hai.
Tuy nhiên cuối năm 2017, UBND TP.HCM lại có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng mức thuế suất cao đối với BĐS thứ hai trở lên và các giao dịch trong lĩnh vực này trong vòng 1 năm.
Nói về quan điểm nghiên cứu thu thuế BĐS của TP.HCM, Giáo sư Richard Peiser cho biết: "Tôi tin rằng việc đưa ra chính sách thu thuế BĐS chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của các nhà đầu tư. Vì đây là một loại thuế nặng nhất đánh vào tài sản của họ. Tuy nhiên, sự phản đối của các chủ sở hữu /sử dụng BĐS là một quan điểm rất sai lầm".
"Bởi lẽ giá trị BĐS mà họ đang sở hữu/sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì môi trường sống xung quanh đó như là đường sá, tiện ích, dịch vụ công… xung quanh. Trong khi đó, kinh phí để duy tu nâng cấp các công trình phục vụ phát triển môi trường sống lại từ ngân sách của chính quyền địa phương. Một khi điều kiện môi trường sống được duy trì tốt thì giá trị BĐS ở nơi đó lại càng cao hơn nữa", giáo sư Richard Peiser nhấn mạnh.
Vì thế, theo Giáo sư Richard Peiser, thu thuế BĐS là điều cần thiết để tạo nguồn thu liên tục cho chính quyền địa phương trong việc nâng cấp dịch vụ công. Cũng nhờ đó mà giá trị của BĐS sẽ được phát triển tốt hơn.
Cùng quan điểm với Giáo sư Richard Peiser, trước đó ông Lê Hoàng Châu - Chủ tích Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng từng bày tỏ sự đồng tình với những kiến nghị của TP.HCM và cho rằng nếu muốn không xảy ra "sốt đất ảo", "bong bóng" BĐS thì phải thực hiện việc đánh thuế cao đối với căn nhà thứ hai cũng như các giao dịch thực hiện trong vòng 1 năm.
"Thuế là công cụ hàng đầu để điều tiết thị trường BĐS. Muốn khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập từ chuyển nhượng BĐS. Ngược lại, để điều tiết thị trường khi có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên", ông Lê Hoàng Châu khẳng định.
Do đó, ông Châu nhất trí với đề xuất đánh thuế cao người có nhiều nhà và người bán nhà với mục đích kinh doanh trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 1 năm) để chống đầu cơ, giúp làm tăng nguồn cung, tạo lập sự công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người có nhu cầu thực có thể mua được nhà ở.
"Nếu đề xuất này được áp dụng thì những người có 2-3 hoặc nhiều căn nhà sẽ bị đánh thuế cao. Từ đó ít nhiều ngăn chặn đầu cơ và không còn hiện tượng người giàu, doanh nghiệp trữ đất hay sốt đất ảo ở TP.HCM hồi đầu năm nay. Thị trường lúc bấy giờ sẽ vận hành trôi chảy theo quy luật của cung cầu", ông Châu nhấn mạnh.