Phân khúc cao cấp vẫn chiếm ưu thế
Thời gian vừa qua, với khung pháp lý được nới rộng, chính sách mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam vào năm 2015, cũng như nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định so với các nước trong khu vực đã tạo ra nhiều ưu thế lẫn niềm tin cho các nhà đầu tư.
Theo giới phân tích, điều này cũng phần nào khiến tình hình cung - cầu tại phân khúc bất động sản cao cấp có những diễn biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố về chất lượng công trình, uy tín chủ đầu tư cũng như thông tin pháp lý minh bạch cũng phần nào tạo ra sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung trong mắt các khách hàng nước ngoài. Ngoài ra, trong khi nguồn cung mới có chất lượng và thiết kế đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng với nhu cầu để ở lẫn đầu tư, đồng thời, nguồn cầu được thúc đẩy bởi xu hướng nhà ở hiện đại, nhiều tiện nghi cũng như lợi tức cho thuê ổn định.
Theo ghi nhận từ Savills, nếu trước đây, khi so sánh với các thị trường phát triển khác trong khu vực như Thượng Hải, Hồng Kông, các sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản hạng A tại Việt Nam nhiều khi còn chưa đáp ứng đủ cho thị hiếu cao cấp của các khách hàng khó tính, những nhà đầu tư có ngân sách từ 2 triệu USD trở lên và đã sở hữu những căn hộ sang trọng tại London hay Paris.
Chính vì vậy, những thương vụ đạt giá trị trên 1 triệu USD thật sự là một tín hiệu khả quan cho thị trường bất động sản Việt Nam. Riêng tại TP.HCM, một căn hộ sang trọng tọa lạc tại trung tâm thành phố có giá khoảng 115,3 triệu đồng/m2 (xấp xỉ 5.000 USD) nhưng ở Hồng Kông, người mua phải bỏ ra số tiền gấp 4 lần.
Nhu cầu trong nước chiếm đa số thị phần nhưng đối với những người mua kén chọn đến từ Đài Loan, Hồng Kông, và Hàn Quốc thì Việt Nam là một điểm đến lý tưởng hơn quê hương của họ. Một lý do nữa để các nhà đầu tư quốc tế tìm đến Việt Nam chính là mức ROI (tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư) khá hấp dẫn, tùy theo từng dự án.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm giúp nâng cao triển vọng phát triển của các khu đô thị trong thời gian tới. Chính phủ cũng đang thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam. Có thể nói, làn sóng M&A dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới nhờ chính sách mở cửa đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại gia nhập. Và đương nhiên sẽ không vắng mặt các “ông lớn” trên thị trường hiện nay.
M&A có giúp doanh nghiệp mạnh hơn?
Tìm hiểu từ hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua, phải kể đến những thương vụ điển hình khởi đầu là thương vụ An Gia Investment bắt tay Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) để hoàn tất việc mua 5 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP.HCM) từ tay Tập đoàn Vạn Phát Hưng hồi tháng 3/2017. Theo đó, An Gia phát triển một dự án mới có quy mô 6ha với 2.000 căn hộ, bao gồm cả officetel, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Tiếp theo là thương vụ hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long góp vốn theo tỷ lệ 50 - 50 để thực hiện 26ha dự án Mizuki Park (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đây là một trong những dự án quan trọng nhất của Nam Long trong giai đoạn 2017 - 2024. Được biết, giá trị thương vụ này là 8.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức góp vốn.
Từ những thương vụ kể trên cho thấy, xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh trên thị trường ngày càng nhiều. Xu hướng “bắt tay” của các “ông lớn” bất động sản dường như đã giúp tận dụng và phát huy thế mạnh của các bên để tạo nên nhiều điểm nhấn cho kiến trúc đô thị và gia tăng giá trị cho khách hàng.
Theo giới phân tích, những “cái bắt tay” như vậy trên thị trường đang dần dần giúp hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản trong nước lớn dần cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với nước ngoài.
Bà Nguyễn Khanh, Giám Đốc thị trường vốn tại Việt Nam, Công ty JLL phân tích: “Những giao dịch đầu tư trong nửa đầu năm 2018 khá đa dạng với nhiều loại tài sản và loại hình bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và có tính chất pháp lý rõ ràng có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết. Đặc biệt thời gian qua, sự tăng trưởng liên tục ở tất cả các loại hình bất động sản rất rõ rệt. Trong đó, phân khúc khách sạn khá sôi nổi với việc các quỹ đầu tư nước ngoài mới quan tâm và tham gia vào lĩnh vực này".
Bà Khanh cũng dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục, cũng như trong các lĩnh vực đang phát triển khác như công nghiệp, giáo dục. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở bình dân cũng là một lĩnh vực phát triển quan trọng, hiện đang thu hút các nguồn vốn chuyên biệt dựa trên các nền tảng cơ bản như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ vào thị trường bất động sản đang phát triển ở Việt Nam.