Aa

Phận người không bến đỗ

Thứ Sáu, 21/08/2020 - 14:00

Sự nghiêm khắc của cha, sự dịu hiền của mẹ mới đủ dạy dỗ cho con làm người, có lẽ phải “dạy con từ thuở còn thơ” và xin bố mẹ đừng con yêu, con ghét.

Một người bạn tên Phi của tôi vừa vội vã trở về từ nước Anh chỉ với nhõn thiên chức đi trông cháu thuê và phải cách ly 2 tuần ở mạn Đông Anh. Khi về đến Hà Nội, mới chỉ được 1 ngày bạn tôi lại đi cách ly tiếp. Thế là từ khi trở về, bạn phải dần thích nghi với ở trọ thuê mất một tháng mà không có gia đình bên cạnh.

Vào những năm 1960, nhà tôi chỉ cách nhà bạn Phi một con đường đất nhỏ chạy thẳng hồ Bảy Mẫu, ven công viên Thống Nhất. Tôi từng nói với bạn, tôi thèm có anh em để được ríu rít bên nhau giống như gia đình bạn. Số tôi, nhà con một, lúc nào cũng một đèn một bóng. Lúc nhỏ, tôi chỉ chơi với quận len mà mẹ thì luôn muốn dạy tôi đan len, thêu thùa, may vá.

Thấy tôi thèm có đông anh em, Phi cười như mếu: “Mình có anh, chả sướng đâu. Cậu không hiểu được đâu”. Tôi còn nhớ, có hôm đến nhà rủ Phi đi học, bắt gặp chị gái Phi đang giục em ăn nhanh miếng cơm với thịt, kẻo anh cả về ăn mất. Miếng cơm thịt ăn ngày bé, mà sao Phi vẫn nghẹn đến giờ.

Câu ca dao xưa: “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”, nó đã xảy ra cả hai vế trong tình anh em nhà Phi. Người chị của Phi mắc bệnh máu không đông, chị dành cả cuộc đời dạy học để chăm hai đứa em thay cho người mẹ mất sớm và rồi chị ở vậy cho đến chết. Lúc còn nhỏ, bố Phi hờ hững với ba chị em gái, chỉ bù đắp, yêu thương và bênh vực cho đứa con trai. Bệnh con yêu con ghét đã khiến anh cả được bố cưng chiều rồi sinh hư. 

Cô May, em của Phi kiếm ăn giỏi, mua hẳn căn hộ cho chị cả ở lúc về già. Tính May sởi lởi không tính toán gì nên trời rộng tay cho rất nhiều lộc lá. Đang phất lên như diều thì May gặp tai nạn rồi ra đi bên trời Âu và để lại đứa con gái vừa tuổi trưởng thành. Thế là chỉ trong một năm, cả chị và em gái Phi đều cứ thế mà ra đi mãi mãi. 

Phi cũng khoe: “Đi chăm cháu, con gái của người em út bên trời Âu về, đứa cháu khá giả và sẵn sàng nuôi dì thay mẹ”. Ngôi nhà cũ của bố mẹ Phi bỗng thành nhà mặt đường lớn và bán rất được giá. Tiền bán ngôi nhà được chia cho 4 anh em. Số tiền ấy được chia cho chị và em gái đã chết, chia cho người anh cả yêu tiền hơn tình máu mủ ruột thịt, vì vậy Phi phải nhờ cậy đến văn phòng luật sư thì mọi việc mới suôn sẻ. Người anh cả của Phi vẫn chứng nào tật ấy, luôn giành phần hơn dù đã chia theo luật. 

Phi kể lại ngày chị gái mình ốm nhưng anh trai nhất định không đến thăm chị và cho đến khi chị chết anh cũng không nhìn mặt. Anh vẫn để bụng chuyện chị gái mình ngày trước đã không cho anh mang đi mười ba cân gạo tem phiếu dù lần đó chị cả đã chia đôi cho em trai một nửa, còn lại nửa yến gạo cho ba chị em. Người anh mang một nửa tháng gạo tem phiếu đi mà còn cằn nhằn mãi mặc cho người chị đã thay mẹ chăm lo cho anh học xong đại học Mỏ, sau đó về làm ở công ty than tại Quảng Ninh. 

Phi nhớ, lần chị cả mua được chiếc xe máy, anh trai ở Quảng Ninh về mượn đi vài ngày. Ít ngày sau đi dạy, xe chị cả đang đi thấy xe bốc khói, mang ra tiệm sửa thì phát hiện người em trai đã cho đường vào xăng, không đứt xích là may mắn lắm. Sự thù hằn của người thân đáng nhớ như câu thơ: “Cây đổ về nơi không có vết rìu” (Hữu Thỉnh). Và thật đáng sợ với thói ích kỷ, chăm chăm nghĩ cho bản thân của người anh cùng với những mưu mô nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình. Khi thấy chị em gái khá hơn mình là ghen tị, nghĩ mọi để cách trả đũa trong phân chia tài sản. Ngày xưa các cụ dạy, ai qua cầu nào mới hay cầu đó, cấm có sai. Anh em thời buổi này có còn như chân với tay?

tinh-anh-em-qua-cau-chuyen-thuong-tam-ngay-1-9-tai-huyen-dan-phuong-ha-noi-115646

“Bạn chưa hiểu hết mưu mô chước quỷ của anh trai mình đâu”, Phi nói. Phi đã dành dụm tiền, cho anh trai rất nhiều tiền để mua lấy sự bình yên. Những năm tháng làm ô sin cho cháu gái, dù xa nhà, xa anh nhưng lòng bạn luôn thấy nhẹ nhõm và yên bình. Có chăng điều luôn dày vò trong tâm trí Phi chính là sự ra đi của hai người chị em ruột thịt và sự ấm áp vỗ về đùm bọc nhau ngày còn đói khổ. Phi nói, nhà có 4 anh em nhưng chị và em gái đã đi vắng còn mình Phi thì luôn “vội vã trở về, vội vã ra đi?”.

Mồ côi, bơ vơ sẽ còn cô đơn khủng khiếp hơn khi nhìn rõ sự bạc bẽo, cạn tình của người ruột thịt còn ở lại. Phi nói ở bên xứ sở sương mù kia, dù có đủ rau, nhưng các loại rau thơm không thơm như húng láng, gừng rẽ ở nhà. Rau kinh giới tía tô cũng không có vị như ở Việt Nam. Hương vị quê nhà nó cứ xiết nỗi nhớ người xa xứ mỗi khi mùa tuyết rơi đến. Có năm 6 tháng sương mù và cũng có năm 6 tháng đầy tuyết. Rồi bạn lại nhớ nhà và nhớ chị biết bao.

Nhưng giờ đây, trở về nhà không còn ai nữa là Phi lại muốn quay đi vì hình ảnh người anh yêu tiền máu lạnh luôn ám ảnh đến đáng sợ. Bạn đừng tưởng nhà đông anh em là sướng, nếu không hiếu thuận thì bi kịch cứ xảy ra và họ sẵn sàng “xả thân” vì tiền một cách không thương tiếc. 

Bạn tôi ngồi nhìn mưa Hà Nội rồi lại sợ nhất sự băng giá bên xứ tuyết và dù về quê nhà có nắng ấm, có tiền tiêu mà tay chân lạnh không sao xoa nóng được trái tim. Mới hay một nếp nhà của ông bà ta để lại: Sự nghiêm khắc của cha, sự dịu hiền của mẹ mới đủ dạy dỗ cho con làm người, có lẽ phải “dạy con từ thuở còn thơ” và xin bố mẹ, đừng con yêu, con ghét. Chính vì sự thiên vị của cha Phi mà ông đã đánh mất đi nhân cách của người anh trai khi lý ra anh ta phải yêu quý chị em ruột thịt của mình.

Phận người như Phi, vội vã trở về, vội vã thuê nhà ở tạm, để mai tính mua nhà chung cư hay lại chạy sang đứa cháu gái bên xứ sở mù sương. Những ngày dịch giã, thật hạnh phúc thay khi nhìn các gia đình hiếu thuận, quây quần bên nhau dù có nhà chỉ rau cháo qua ngày, mà trong lòng vẫn luôn vẫn vui vẻ, ấm áp. 

Phi nói, lâu lắm rồi bạn không khóc được, vì lo liệu một chốn nương thân, một bến đỗ, cõi tạm mà chưa tính ra. Cho dù trước mặt có nhiều lối rẽ, một phận người ở vậy, không gia đình như Phi, bạn tôi từ lẻ bóng này đến đơn chiếc khác.

Bước thập thững khi trở về cũng không còn nhà và người thân. Vẫn biết con vi rút đợt hai quay trở lại, rất đáng sợ; nhưng con vi rút của sự không tình người đang làm rạn vỡ trong văn hóa gia đình Việt thời hội nhập, thời mà tiền bạc không phải là mũi tên nhưng vẫn đánh mất đi yêu thương của con người và cuối cùng, vẫn đánh cắp không gian đoàn tụ gia đình vốn là truyền thống ngàn xưa của người Việt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top