Tự nhiên đọc lại cái truyện ngắn Thời gian vẫn sống, trong đó di vật của một người lính Hà Nội hy sinh, được đơn vị gửi về cho gia đình, có cái đồng hồ đeo tay, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Là bởi lúc trao di vật, chiếc đồng hồ được lên giây cót, vẫn chạy. Chiếc đồng hồ người lính được cha mình cũng là một người lính tặng trước khi vào chiến trường. Qua hai thế hệ đằng đẵng chiến trận với bao mất mát nhưng thời gian vẫn sống.
Ngẫm nghĩ rồi, tôi quyết định viết cái tản văn này về đồng hồ. Bó hẹp trong phạm vi đồng hồ của Hà Nội và người Hà Nội sử dụng trong những năm tháng đời người.
Hà Nội chừng dăm chục năm trước, đồng hồ đeo tay là một thứ gì đó xa xỉ và hiếm hoi không phải ai cũng có. Ít lắm! Trong các gia đình, chủ yếu là dùng đồng hồ để bàn nho nhỏ. Tôi vẫn nhớ cái đồng hồ Trung Quốc có hình con gà mổ mổ theo nhịp tính giây chạy được nhờ lên dây cót. Công nhận tiếng chuông báo thức của nó vang to khó ai có thể cố ngủ được.
Đồng hồ để bàn hồi ấy chủ yếu là đồng hồ do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất. Có nữa là đồng hồ của phe xã hội chủ nghĩa và tất cả đều là đồng hồ cót. Những nhà khá giả thì có đồng hồ treo tường. Là những đồng hồ vỏ bằng gỗ, bằng đồng và chạy được là nhờ quả lắc. Các loại đồng hồ quả lắc treo tường rất đắt. Tôi mang máng nhớ được tên Odo của loại đồng hồ này ở nhà một người bạn. Cũng chả biết nó do nước nào sản xuất.
Số đồng hồ để bàn, treo tường chỉ có thể phục vụ ở nhà và có lẽ vì thế Hà Nội mới dựng không ít đồng hồ công cộng ở những vị trí thuận tiện trong khắp thành phố để người dân nhận biết giờ giấc lúc đi ra ngoài đường. Những đồng hồ này chủ yếu hình vuông được làm rất to và treo ở những nơi trên cao dễ nhìn. Nếu là đồng hồ ở những nơi có khoảng không rộng thì được làm 3 mặt nhìn ở góc nào cũng thấy.
Thời gian lâu quá, tôi không còn nhớ chính xác về những chiếc đồng hồ này, chỉ ấn tượng với một vài chiếc. Đó là chiếc đồng hồ ở ga Hàng Cỏ phía đường Lê Duẩn. Chiếc đồng hồ quá quan trọng cho hành khách đi tàu xem giờ. Chiếc đồng hồ ở Bách hóa Tổng hợp nay là Tràng Tiền Plaza chỗ giao cắt Hàng Khay, Tràng Tiền nhìn chéo sang Hồ Gươm, thuận tiện cho dân “chạy tẩy” mỗi thứ Bảy cuối tuần. Ở gần đó, trên nóc nhà Bưu điện cũng có một chiếc đồng hồ tồn tại đến tận bây giờ.
Gắn bó nhất với tuổi thơ của tôi phải là Cột đồng hồ ở giữa đường giao cắt của mấy phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lương Ngọc Quyến, Hàng Chĩnh, Hàng Tre,... với phía bờ đê sông Hồng. Đó là chiếc đồng hồ 3 mặt gắn trên một trụ sắt tròn, to và cao. Nay chỗ đó là đường dẫn của cầu Chương Dương.
Khi đó đây là một khoảng đường rộng mênh mông và cây Cột đồng hồ lẫm liệt ở giữa như một người lính đứng gác ốc đảo. Đám trẻ chúng tôi tối tối ra đây nô đùa với đủ mọi trò chơi. Ngày đó, phương tiện ít, chủ yếu là xe đạp, nên chỗ ấy là một cái sân chơi quá tốt. Đá cầu, đá bóng đều được cả. Thú nhất là chẳng mất công dùng nước đổ dế nhưng vẫn bắt được vô khối dế càng lực lưỡng để chơi trò đấu dế. Kế đó là cánh cam, bọ dừa và đặc biệt là cà cuống. Đó là những con vật bay lượn chấp chới dưới ánh sáng đèn điện rồi bị rớt xuống mặt đường nhựa, đám trẻ chỉ việc thộp cổ.
Khi lớn lên, cùng bạn bè nhập ngũ thì tôi mới biết đến các loại đồng hồ đeo tay. Tỷ lệ người có đồng hồ này trong số thanh niên Hà Nội nhập ngũ chỉ được khoảng một phần mười. Những ai có đồng hồ đeo tay là cả một sự sang trọng, đáng ngưỡng mộ. Đó phải là con em gia đình cán bộ “cốp” hay những nhà tư sản cũ hoặc bét nhất là thành phần buôn bán, có tiền. Con nhà lao động thì đừng có mơ “cổ tay anh có đồng hồ”.
Những chiếc đồng hồ này dù xuất xứ thế nào cũng vẫn là niềm vinh dự tự hào không nhỏ cho khổ chủ. Lúc đó, có một số đồng hồ cũ từ thời thuộc Pháp nghe nói đều là những hãng thương hiệu nhưng tôi mít tịt chả có tí kiến thức nhận biết nào. Duy có đồng hồ của Liên Xô cũ như Poljot thì tôi biết. Đơn vị tôi có mấy anh lính đeo đồng hồ này xem ra rất chi là vênh váo. Cũng phải thôi, bởi đồng hồ lúc đó là một giá trị tài sản không nhỏ.
Đất nước thống nhất thì đồng hồ cùng các loại hàng hóa khác như tivi, tủ lạnh không còn là thứ gì quá lạ lẫm nữa. Lính tráng hiếm anh nào lại không mua được một chiếc đồng hồ đeo tay. Chủ yếu là đồng hồ Nhật như Seiko hay Orienter, Citizen...
Cổ tay anh nào anh nấy sáng choang. Thậm chí, những anh có tính tích cóp còn đủ tiền mua đôi ba chiếc. Tất nhiên, cũng chỉ là những loại đồng hồ phổ thông thôi, còn đồng hồ tốt của Thụy Sĩ thì lính tráng chả dám mơ. Lúc này, những anh đeo Poljot thành ra lạc thời. Bởi loại đồng hồ của Nhật tinh loại tự động không phải lên giây mỗi ngày như Poljot và các đồng hồ cùng thế hệ.
Chuyện đồng hồ là một câu chuyện bất tận bởi bây giờ càng ngày người dân càng có điều kiện sắm sửa. Đồng hồ không còn là những gì quá ghê gớm nữa. Đủ chủng loại đồng hồ cơ, lên giây, điện tử, năng lượng mặt trời với vô vàn thương hiệu. Những đồng hồ hạng sang như Philippe Patek, Rolex, Longines, Omega,... được dân có tiền sử dụng là chuyện bình thường. Không ít người có sở thích sưu tập đồng hồ, nhiều đến mức phải sắm tủ chuyên dụng, trong đó đồng hồ được đặt lên giá quay để không bị chết nếu là loại tự động.
Có hiện tượng là rất nhiều đồng hồ nhái theo các thương hiệu trên. Tất nhiên loại ít tiền này dành cho những người ít có khả năng kinh tế. Người dân ngoài đồng hồ còn có điện thoại di động cũng là một phương tiện chỉ giờ chính xác.
Lan man nhân câu chuyện chiếc đồng hồ của người lính hy sinh lại nhớ đến Hà Nội giờ gần như tiệt hẳn đồng hồ công cộng. Có lẽ chỉ còn vài chiếc như để làm chứng tích lịch sử hơn là báo giờ. Như chiếc đồng hồ ở nóc nhà Bưu Điện, tôi nghĩ nó chính là một biểu tượng. Biểu tượng cùng năm tháng của thời gian vẫn sống.