Theo đó, tại buổi báo cáo tổng kết, Công ty Cổ phần BĐS Danh Khôi Á Châu (DKRA) cho rằng, phần thắng trong cuộc đua trên thị trường căn hộ cao cấp, chung quy lại không thuộc về các chủ đầu tư nước ngoài hay trong nước mà thuộc về khách hàng.
Theo nhận định của DKRA, tổng thể thị trường BĐS TP.HCM quý II/2017 diễn biến khá lạc quan. Nguyên nhân là bởi nhiều thông tin về hạ tầng giao thông được đề xuất, khởi công hoặc sắp hoàn thành, các đề xuất quy hoạch vùng và các dự án mới, khu đô thị được thành phố chấp thuận đầu tư, từ đó dẫn đến giá bất động sản nhiều khu vực tăng so với hồi đầu năm.
Điều đáng mừng của thị trường hiện nay, theo ông Phạm Lâm – Tổng Giám đốc DKRA - chính là khách hàng đã dẫn thế chủ động bởi khi các chủ đầu tư nội – ngoại cạnh tranh và bám đuổi ngày càng gay gắt, quyết liệt trên thị trường đã kéo theo sự phát triển không ngừng của chất lượng, thiết kế lẫn chính sách bán hàng cho mỗi dự án... Và, người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đua này không ai khác chính là các “thượng đế”.
Thống kê riêng của DKRA cho thấy, trong quý II, tổng lượng căn hộ cung cấp ra thị trường khoảng 9.326 căn, tăng 31% so với quý trước; lượng tiêu thụ đạt khoảng 6.534 căn, tăng 33% so với quý trước.
Nguyên nhân gia tăng tổng lượng nguồn cung và tổng lượng tiêu thụ ở thị trường căn hộ so với quý I/2017 được lãnh đạo DKRA nhận định là do sự trở lại ấn tượng của phân khúc căn hộ cao cấp đã dịch chuyển biểu đồ nguồn cung và lượng tiêu thụ của toàn thị trường.
Theo đó, tỷ lệ tiêu thụ của phân khúc căn hộ cao cấp đạt đến 87% và chiếm 36% toàn thị trường căn hộ, từ đó dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ của quý II tăng so với quý I. Nếu như quý I/2017 ghi nhận sự giảm nhiệt thì sang quý 2/2017 phân khúc này có sự trở lại ấn tượng với khoảng 2.697 căn tung ra thị trường và lượng hấp thụ lên tới khoảng 2.359, con số này được đánh giá là rất khả quan.
Bên cạnh đó, nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân cũng khá dồi dào với 3.855 căn (chiếm gần 41% toàn nguồn cung căn hộ trên thị trường), mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà ở với mức giá hợp lý.
Đặc biệt, thị trường căn hộ khu Đông Sài Gòn vẫn chưa hết nóng khi tỷ lệ hấp thụ phân khúc căn hộ lên đến 92%. Điều này cho thấy rằng những người đầu tư và cả người mua để ở vẫn đang tiếp tục kỳ vọng rất lớn về sự tăng trưởng ở khu vực này.
Trong khi thị trường căn hộ có nhiều diễn biến lạc quan thì thị trường nhà phố, biệt thự không có quá nhiều biến động lớn so với quý I. Nguồn cung thị trường này luôn giới hạn và có mức giá khá cao nhưng lượng tiêu thụ khá tốt. Các dự án vẫn tập trung chủ yếu ở các quận khu Đông như Thủ Đức và Quận 9.
Trong quý II/2017, có khoảng 707 căn nhà phố, biệt thự mới được chủ đầu tư đưa ra thị trường tỷ lệ tiêu thụ trung bình đạt khoảng 63%, đặc biệt có dự án mà tỉ lệ tiêu thụ đạt 80 – 90% chỉ trong thời gian ngắn 1 - 2 tháng.
Ở phân khúc đất nền, trong quý II/2017, ghi nhận có khoảng 1.579 nền mới mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 84%. Đặc biệt, thị trường quý này chứng kiến sự sôi động của dự án đất nền khu vực giáp ranh TP.HCM như Vũng Tàu, Long An và Đồng Nai, nhất là khu vực Long An.
Ngoài ra, cơn sốt đất nền phân lô hộ lẻ ở các vùng ven từ quý I tiếp tục kéo dài đến đầu quý II. Một số nơi giá đất đẩy lên cao, từ 30 - 50% chỉ trong thời gian ngắn và có dấu hiệu sốt ảo như Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi,…
Tuy nhiên, sang đầu tháng 5, do có sự cảnh báo của các chuyên gia, truyền thông và sự can thiệp của một số cơ quan chức năng thông qua việc đính chính các thông tin huyện lên quận, cơn sốt đất nền phân lô vùng ven đã hạ nhiệt hoàn toàn, thị trường được đưa trở về thế cân bằng.
Đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng, quý II/2017 có dấu hiệu hạ nhiệt, nguồn cung chủ yếu từ những dự án mở bán năm trước, lượng tiêu thụ khá thấp. Cục diện nguồn cung vẫn chưa có nhiều thay đổi so với quý trước, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc...
Ngoài những thị trường quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, quý II/2017, các chủ đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến những thị trường tiềm năng như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Nam hoặc thị trường mới hơn như Bình Định...