Aa

Pháp, Hàn Quốc, Singapore đã tháo gỡ bế tắc nhà ở xã hội như thế nào?

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 22/09/2019 - 16:50

Với lượng lớn người lao động di cư vào các đô thị mỗi năm, hầu như quốc gia nào cũng phải đối mặt với vấn đề giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.

Từ những năm 1970, nhiều nước trên thế giới đã sớm nhận thấy nhu cầu bức thiết này và nghiên cứu triển khai nhiều chương trình xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Tại các nước có nền kinh tế phát triển cao ở châu Âu và những nên kinh tế mới nổi của châu Á, các dự án nhà ở xã hội đã mang đến phúc lợi cho hàng triệu người dân.

Tại hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số một triệu người sau mỗi năm năm”, GS Yap Kioe Sheng thuộc Viện Công nghệ châu Á (AIT) cho biết: “Kinh nghiệm ở các nước cho thấy rất khó có loại hình nhà ở nào phù hợp nhu cầu cho mọi người. Để giải quyết bài toán nhà ở, chúng ta cần đa dạng các loại hình nhà ở. Trong đó cần phát triển nhà ở xã hội - nhà cho người thu nhập thấp để cạnh tranh cả với các khu “ổ chuột” tồn tại trong nhiều thành phố”.

Theo tìm hiểu, vào những năm 50, có khoảng 1/4 dân số đô thị tại Singapore chui rúc trong những khu vùng ven lụp xụp và khoảng 250 nghìn người khác nhồi nhét trong những khu nhà phố ọp ẹp cũ kỹ của thành phố này. Những khu ổ chuột này không có hệ thống vệ sinh tối thiểu, các tiện ích chung và công trình công cộng, là nơi xuất phát của tội phạm và các tệ nạn xã hội. Ngay khi chính quyền mới lên nắm quyền, Ủy ban Nhà ở và Phát triển (HDB) được thành lập năm 1960 và được trao quyền xây dựng, tái phát triển, xóa bỏ khu ổ chuột, tái định cư và quản lý quỹ đất ở. Từ đó, HDB đã phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là cung cấp tối thiểu 11.500 căn nhà mới mỗi năm.

Đến đầu những năm 1970, khoảng 1/3 dân số đã có nhà ở trong các căn hộ của HDB và đến cuối thập niên 1970, vấn đề thiếu hụt nhà ở đã được giải quyết và từng bước nâng lên những cấp độ mới.

Nhà ở cho người thu nhập thấp ở singapore trong quá khứ và hiện tại. Ảnh: đothivietnam.

Ông David Koh, Chủ tịch Hội đồng trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam cho hay, Chính phủ Singapore đã phát triển nhà ở nhắm vào người có thu nhập thấp với định mức rõ ràng là thu nhập bao nhiêu một tháng thì được mua nhà ở xã hội.

“Để phát triển mô hình này, chính phủ Singapore cho người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp. Tôi thấy ở Việt Nam, phát triển nhà ở nên tập trung vào đối tượng người có thu nhập thấp chứ không phải những tòa nhà cao cấp chọc trời liên tiếp được mọc lên” – lời ông David Koh.

Khảo sát của GS Yap Kioe Sheng tại một số quốc gia trong khu vực cho thấy các chương trình nhà ở xã hội thường cung ứng số lượng lớn căn hộ ở vùng ven và đều được Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là phải xem tình trạng thật sự của những người thu nhập thấp là như thế nào. Ở Thái Lan có trường hợp khu NƠXH lúc đầu có nhiều người mua, sau dần dần thưa thớt vì có thể nhu cầu họ không thật sự cần.

GS Yap Kioe Sheng cho rằng muốn thực hiện các chương trình nhà ở giá rẻ, thành phố cần sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận.

TS Bernadette Pinnel, Tổng giám đốc Compass Housing New Zealand nêu thực tế tại New Zealand về việc phát triển mô hình nhà ở xã hội, trong đó có việc phát triển loại hình nhà ở cho một gia đình nhiều thế hệ ở chung (đặc biệt với các dân tộc thiểu số, người da đỏ có nhu cầu).

“Hoặc các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google khi họ vào đất nước nào đó đầu tư thì công ty đó phải chịu trách nhiệm lo nhà ở cho công nhân, nhân viên của họ. Ngoài ra, để đa dạng hình thức thanh toán, mô hình cổ phần nhà cũng được đưa ra để hỗ trợ người dân (người mua nhà trả một phần trước, phần còn lại là cổ phần của nhà đầu tư, người mua phải trả cổ tức cho cổ phần đó đến khi nào chi trả xong tiền mua nhà)” - TS. Bernadette Pinnel chia sẻ.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ phân chia người dân thành 10 nhóm thu nhập khác nhau. Cao nhất là nhóm người giàu, thấp nhất là những người không có thu nhập. Mỗi nhóm sẽ được hưởng chính sách khác nhau. Những người nghèo thậm chí không thể thuê nhà thì chính phủ sẽ vừa xây nhà cho thuê này, vừa hỗ trợ về tài chính.

Những người muốn mua nhà và lần đầu tiên mua nhà có thể vay vốn từ "Chương trình kế hoạch mua nhà lần đầu" với mức vay lên đến 70% tổng giá trị căn nhà với lãi suất thấp, khoảng 6 - 6,5%/năm. Chương trình cung cấp các khoản vay để mua nhà cho những người làm công ăn lương có thu nhập thấp, chưa có nhà ở. Riêng với đối tượng có mức thu nhập thấp nhất sẽ được vay 70% giá trị căn nhà và hưởng lãi suất 3%/năm.

Một khu nhà ở xã họi tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này yêu cầu nhà đầu tư hạn chế xây dựng chung cư cao cấp để tập trung nguồn vốn xây dựng chung cư giá rẻ cho người có thu nhập thấp. Chính phủ cam kết sẽ bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ bất động sản,... 

Nhờ các biện pháp này, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng.

Tại Pháp, để đảm bảo quyền lợi cho người có thu nhập thấp, các công ty tư nhân chỉ được phép là nhà đầu tư thứ phát trong các dự án xây dựng nhà ở. Để đảm bảo quỹ nhà ở xã hội, mỗi khu vực sẽ được tính toán cụ thể nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó phân bổ vào các dự án. Đặc biệt, nhà ở xã hội không xây dựng thành một khu vực riêng mà các dự án từ 800m2 sàn trở lên sẽ phải có tối thiểu 2 căn hộ nhà ở xã hội. Mỗi địa phương phải đảm bảo số căn hộ nhà ở xã hội bằng 20% tổng số căn hộ trên địa bàn. Đây là một sáng kiến đáng lưu ý.

Kinh nghiệm của nước này cho thấy, tư tưởng chủ đạo của chính sách nhà ở xã hội là làm thế nào để người có thu nhập thấp được định cư trong những điều kiện tốt nhất có thể. Không thể chỉ dựa vào lòng nhân đạo hoặc ý thức tự giác của nhà đầu tư bất động sản để hiện thực hóa ý tưởng nhà ở xã hội. Nhà nước chủ động can thiệp bằng cách đặt ra khung pháp lý cho sự hình thành chung cư xã hội, đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật cho căn hộ trong chung cư xã hội. Dù mang tên nhà ở nhưng nhà ở đó cũng có đầy đủ các tiện nghi đặc trưng cho cuộc sống của người dân đô thị phục vụ tốt cho cuộc sống hàng ngày của họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top