Aa

Phát hiện hàng loạt bất cập tại dự án Vạn Phúc Riverside

Thứ Sáu, 10/03/2017 - 06:01

Người dân có đất nằm trong dự án Vạn Phúc Riverside bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, họ đã đâm đơn khiếu nại khắp nơi. Trong khi đó, chủ đầu tư là CTCP Địa ốc Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc - Tập đoàn Đại Phúc) “phớt lờ”, mở bán rầm rộ.

Năm 2004, UBND TP.HCM ký Quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước. Sau khi hoàn thành sẽ giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP.HCM để quyết định việc giao đất cho thuê đất đối với các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai. Để có mặt bằng thực hiện dự án ngày 9/11/2004, các cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2006, Tập đoàn Đại Phúc lại được thay thế Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 thực hiện dự án với mục đích xây dựng nhà để kinh doanh. Đổi tên thương mại thành dự án Vạn Phúc Riverside rao bán rầm rộ trên thị trường.

Dự án Vạn Phúc Riverside có nhiều diện tích đất đang bị người dân khiếu nại. Ảnh: L.Hùng

Dự án Vạn Phúc Riverside có nhiều diện tích đất đang bị người dân khiếu nại. Ảnh: L.Hùng

Ông N.V.L. - người dân khiếu kiện - bức xúc: “Mặc dù được giao đất từ năm 2006, nhưng trong suốt quá trình dài, Công ty Vạn Phúc không tổ chức thỏa thuận, thương lượng đền bù cho gia đình chúng tôi theo luật định. Cho đến ngày 3/7/2012, Phó Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức Lê Văn Lộc ký Quyết định số 3536/QĐ-UBND về việc Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung và thu hồi mặt bằng. Tôi rất bất ngờ khi nhận được quyết định này, vì Công ty Vạn Phúc không thỏa thuận đền bù mà chính quyền ra quyết định áp giá bù, với mức giá quá thấp cho gia đình tôi. Thời điểm 2012, Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành 6 năm, thu hồi đất phải áp dụng theo Luật Đất đai 2003 mà cụ thể là Nghị định 84/2007, theo đó dự án kinh doanh địa ốc không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất và UBND Quận phải chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giá giữa chủ đầu tư với các hộ có đất trong dự án. Vì thế, việc UBND Q.Thủ Đức ban hành quyết định bồi thường thay cho tự thỏa thuận để ép gia đình tôi nhận đền bù giá thấp là trái quy định pháp luật”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông N.V.L có 10.847 m2 đất bị thu hồi khi triển khai dự án Vạn Phúc Riverside. Mỗi diện tích đất ông bị UBND Q.Thủ Đức áp giá 1,5 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/5 so với giá thị trường.

Trước những việc khiếu nại kéo dài nêu trên, ngày 6/2/2017 vừa qua, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản số 1233/VP-NCPC gửi Thanh tra TP.HCM nêu rõ: UBND TP.HCM nhận được đơn của ông N.V.L. khiếu nại yêu cầu hủy Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 18/2/2014 của UBND TP.HCM về giải quyết khiếu nại của ông liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Văn phòng UBND TP.HCM chuyển đơn của ông N.V.L. đến Thanh tra TP.HCM để nghiên cứu, rà soát; báo cáo đề xuất, kèm theo dự thảo văn bản trình UBND TP.HCM xem xét giải quyết theo quy định.

Nhiều hạng mục bên trong dự án chưa hoàn thiện. Ảnh: L.Hùng

Nhiều hạng mục bên trong dự án chưa hoàn thiện. Ảnh: L.Hùng

Theo ghi nhận của Báo Người Tiêu Dùng, hiện nay dự án còn rất nhiều hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện, trong khi đó đây là quy định bắt buộc chủ đầu tư phải hoàn thành khi bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, dự án đã mở bán, hàng trăm nền đất được bán ra nhiều đợt khách nhau với mức giá 2 - 5 tỷ đồng.

Báo Người Tiêu Dùng đã tìm cách liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Đại Phúc, cũng như gửi câu hỏi qua email để trao đổi thông tin về những “bất cập” đang diễn ra tại dự án, nhưng nhiều ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh thông tin liên quan đến dự án Vạn Phúc Riverside trong những bài viết tiếp theo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top