Aa

Phạt nặng để tránh đấu giá cao “vô tội vạ” rồi bỏ cọc

Thứ Tư, 15/11/2023 - 08:40

Chuyên gia cho rằng, việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả là một giải pháp hiệu quả, có khả năng thi hành.

Có không ít ồn ào trong công tác đấu giá tài sản. Ngoài thủ đoạn thông đồng, dùng “quân xanh, quân đỏ” để dìm giá rồi bán ăn chênh lệch… thì gần đây, nhiều vụ việc lại cố tình trả giá lên cao bất thường rồi bỏ khoản tiền đặt trước. Ví dụ điển hình là cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh, hay vụ đấu giá biển số xe đẹp mới đây.

Câu chuyện này lại trở nên nóng hổi khi Quốc hội đang thảo luận dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). 

Trong báo cáo thẩm tra dự thảo, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả.

Uỷ ban này cho rằng, với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối xoay quanh vấn đề này.

Thời gian qua, trong đấu giá tài sản, đặc biệt là đất đai đã xuất hiện hiện tượng bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc. Theo ông, hệ luỵ của tình trạng này là gì?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện tượng bỏ giá rất cao khi đấu giá đất, rồi bỏ cọc, nhằm tạo mặt bằng giá ảo, thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. 

Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực, làm mặt bằng giá nhà, đất đồng loạt tăng... 

Hệ lụy là doanh nghiệp tăng chi phí đầu vào, không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, làm suy giảm, hạn chế nguồn cung của thị trường bất động sản trong tương lai, thu hẹp cơ hội của người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở.

Còn nhiều tồn tại trong đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá đất - Ảnh: VGP

Đối với nhà nước, công tác quản lý và thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng làm thất thoát tài sản của nhà nước, lãng phí nguồn lực chung của xã hội và ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đáng ngại hơn là uy tín của nhà nước bị giảm sút việc đấu giá quyền sử dụng đất của Nhà nước thành ‘trò đùa” gây bức xúc dư luận. 

Nhiều ý kiến đề xuất quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Ông bình luận thế nào về giải pháp này? 

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Quy định việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả là một giải pháp hiệu quả, có khả năng thi hành cao. 

Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường; đồng thời, ngân sách nhà nước được đảm bảo, có thể bù đắp được các chi phí đấu giá, mục tiêu của việc đấu giá được đảm bảo. 

Nếu giải pháp này được thông qua, người đấu giá không có tiền để nộp phạt thì liệu có chế tài nào xử lý? Thưa ông?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Nếu giải pháp phạt này được thông qua, người đấu giá không có tiền nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử lý như cưỡng chế tài sản, cấm tham gia các hoạt động đấu giá. 

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - Ảnh: Kinh tế đô thị

Thậm chí có thể xem xét hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu, đấu giá, cố tình lũng đoạn, ảnh hưởng thị trường để khởi tố hình sự trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản không có tài sản để trục lợi.

Theo ông, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Trước mắt cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên để hạn chế những hồ sơ thông đồng “dìm giá”. Tuy nhiên, về lâu dài đây không phải là giải pháp tối ưu, việc tìm ra một con số hợp lý, không hạn chế những người có nhu cầu thực sự mua biển số xe là rất khó.

Để hạn chế tình trạng trục lợi, đồng thời tăng trách nhiệm của những người tham gia đấu giá, trước hết các thông tin liên quan đến tài sản đấu giá, trong đó có tiền đặt cọc phải được công khai, minh bạch, đảm bảo tiếp cận đến người tham gia đấu giá. Ngoài ra, cần có quy định về việc thỏa thuận thời gian nộp tiền đặt cọc, đảm bảo sự chủ động của bên đấu giá và bên tổ chức đấu giá.

Hoặc cần thiết thì buộc người tham gia đấu giá phải ký quỹ tiền tương ứng ít nhất bằng giá khởi điểm. Xây dựng các bước giá, hoặc chuyển từ tiền ký quỹ thành tiền đặt cọc theo tỷ lệ % tặng giá so với giá khởi điểm. Như vậy với quy định tự động tăng giá đặt cọc tương ứng với giá đấu giá tăng cũng là cách ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá.

Theo ông, cần những giải pháp gì để lành mạnh hoá và đạt hiệu quả tốt trong đấu giá tài sản, đặc biệt là đất đai?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Giải pháp căn cơ nhất vẫn thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong công tác rà soát, hệ thống quy định pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung chế tài xử phạt nghiêm trường hợp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”. 

Trường hợp tái phạm, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm các quy định về đấu giá, đấu thầu. Cũng có thể đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về chứng minh năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án, ký quỹ tiền, cấm tham gia đấu giá nếu đã từng bỏ cọc.

Các chuyên gia đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu giá tài sản - Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu. Từng thửa đất phải được định danh với đủ tình trạng pháp lý, giá đất trúng đấu giá, giá đất khu vực, lịch sử giao dịch. Cần xây dựng khung giá, bảng giá phù hợp với giá thị trường, có thể mời các cơ quan tham vấn giá của tư nhân, doanh nghiệp để làm cơ sở tính giá đất khi đấu giá.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất. 

Ngoài ra, các địa phương cần làm tốt khâu xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản...

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top