Aa

Phát triển bài bản một dự án sân vận động: Trở ngại chồng chất nhưng rất đáng để thử

Thứ Tư, 19/12/2018 - 06:00

Trái với lối suy nghĩ cũ, quá trình xây dựng một sân vận động chứa đầy những trở ngại riêng của nó nhưng cũng đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, người lao động và cư dân trong khu vực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong hơn 10 trở lại đây đã có một số đáng kể các sân vận động mới được đưa vào sử dụng trên khắp Việt Nam. Về nhiều mặt, đây là một trào lưu tích cực, cho thấy không chỉ sự quan tâm của các cấp chính quyền cho việc phát triển thể thao, mà còn là dấu hiện của một nền kinh tế thịnh vượng dẫn đến nhu cầu sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Nhưng điều mà ít người biết đến là sân vận động còn đem lại nhiều lợi ích hơn thế nữa. Đơn cử như vấn đề phát triển kinh tế địa phương. Các nhà quy hoạch khi lên bản đồ đề án xây dựng sân vận động đều mong muốn sẽ tạo thêm được việc làm cho người dân địa phương. Trên thế giới, đã có một số trường hợp sân vận động làm được việc này một cách rất thành công, ví dụ như khu liên hợp thể thao đa chức năng Ghelamco Arena ở thành phố Ghent, Bỉ. Nhờ sự "dám nghĩ, dám làm" của những ông chủ sân mà đã có đến hằng trăm công việc mới được tạo ra cho người dân sống quanh khu vực sau khi sân đi vào hoạt động, góp phần tăng GDP địa phương thêm tận 4,75 triệu Euro.

 Nhờ vào tinh thần

Nhờ vào tinh thần "vì cộng đồng" mà sân vận đồng Ghelamco Arena đã trở thành điểm sáng kinh tế địa phương

Cũng không thể không nhắc tới số tiền khổng lồ mà các sân vận động nộp ngân sách cho nhà nước hằng năm. Một sân vận động tầm trung ở Mỹ cũng đã có thể nộp khoảng 1,5 triệu USD tiền lãi kinh doanh trông giữ xe, 5 triệu USD tiền thuế trích từ bán vé, và 1 triệu USD cho việc cung cấp các dịch vụ khác (như bán thức ăn nước uống, khách sạn, v.v...) Điểm hay ở đây là nhờ vào tỷ lệ sinh lời lẫn độ an toàn cao mà các chính quyền địa phương hoàn toàn có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng sân vận động theo mô hình công-tư hợp tác.

Các sân vận động cũng có thể trở thành nơi thực hiện những cuộc "đại thí nghiệm" đối với những phát kiến mới trong ngành xây dựng, đặc biệt là vấn đề xây dựng công trình thân thiện với môi trường. Bình thường, xây dưng và duy trì hoạt động một sân vận động thải ra rất nhiều chất độc, đơn cử như phân giữ cho cỏ trên sân. Để giảm thiểu lượng chất thải này lẫn chi phí hoạt động, nhiều sân vận động đang bắt đầu áp dụng các công nghệ mới, ví dụ như sân Lincoln Financial Field tại thành phố Philadelphia, Mỹ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo để vận hành hệ thống lọc nước thải dưới mặt đất. Thậm chí còn tiến xa hơn là sân Bear Stadium tại Roma, Ý sử dụng hoàn toàn gỗ, một loại vật liệu cực kỳ thân thiện với môi trường.

 Một góc sân vận động Bear Stadium làm toàn bằng gỗ.

Một góc sân vận động Bear Stadium làm toàn bằng gỗ.

Cũng xét về mặt xây dựng, người dân xung quanh có thể hưởng lợi từ các công trình phụ trợ như đường đi, trạm xá, bãi đậu xe... Sân vận động Mercedes-Benz ở thành phố Atlanta, bang Georgia của Mỹ được xây dựng với tổng chi phí 1,6 tỷ USD theo hình thức hợp tác công - tư. Ban đầu chính quyền thành phố tỏ ra rất nghi ngại với việc chi ra một số vốn lớn như vậy, nhưng nhờ vào cam kết cải tạo và duy trì hệ thống đường giao thông tại địa bàn, ban quản lý sân vận động cuối cùng cũng đã thuyết phục được các quan chức nhà nước đưa ra quyết định đầu tư. Hiện nay, mỗi năm, ban quản lý sân Mercedes-Benz chi ra khoảng 5% lợi nhuận để bảo dưỡng những con đường tại địa phương.

Chìa khóa cho việc phát triển đô thị bền vững là không chỉ xem xét một công trình dựa trên công dụng chung, mà còn phải mở rộng ra phân tích tác động của nó đối với bối cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương hiện thời. Vì thế mà chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng và biến được các sân vận động thành "chất xúc tác" cho sự phát triển của địa phương thay vì để đó đắp chiếu như nhiều trường hợp đã xảy ra từ trước đến nay ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top