Phát biểu tại tọa đàm “Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng” diễn ra mới đây, ông Amorn Harnkham – Nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan nhận định, với lợi thế kết nối rất tốt với các khu vực khác cùng nền văn hóa đa dạng và cảnh quan đẹp, người dân mến khách, Hà Nội là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á về du lịch nghỉ dưỡng ven đô. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của mình, ông Amorn Harnkham đánh giá, cơ sở du lịch ven đô Hà Nội hiện đang rất manh mún, rời rạc, cần hội tụ trong một mạng lưới, có liên kết chặt chẽ và tạo điểm nhấn để thúc đẩy thị trường này phát triển tương xứng với những tiềm năng vốn có.
Chú trọng phát triển du lịch ven đô theo chủ đề
Chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển du lịch ven đô của Thái Lan, ông Amorn Harnkham cho biết, phương châm của các nhà quản lý và nhà đầu tư Thái Lan là “giữ lại mọi thứ tự nhiên nhất có thể” bởi khách du lịch khi có nhu cầu thư giãn, nghỉ dưỡng, họ rất ưa thích những vẻ đẹp hoang sơ. Do vậy, xây dựng các sản phẩm bất động sản phải luôn đi kèm với yếu tố thiên nhiên.
Để làm rõ hơn cho nhận định này, ông lấy dẫn chứng: “Tại vùng Chiềng Mai của Thái Lan, các nhà đầu tư phát triển bất động sản du lịch không chỉ giới hạn ở nghỉ dưỡng tại spa, resort mà còn xây dựng các hoạt động kích thích du lịch như xây vườn sinh thái du lịch mạo hiểm, thiết kế những chuyến trải nghiệm trong rừng, khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Để thu hút khách du lịch đến và ở lại thì cần có những sản phẩm du lịch cụ thể, để khách lựa chọn, sử dụng, tiếp tục khám phá.”
Đồng thời, theo ông Amorn Harnkham, trước hết phải xác định mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển thị trường nghỉ dưỡng ven đô: "Chúng tôi đặt rõ mục tiêu là làm gì để sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, từ đó vạch ra các sản phẩm du lịch cụ thể để khách du lịch muốn đến những lần tiếp theo. Ở Thái Lan, chúng tôi chú trọng phát triển du lịch ven đô theo chủ đề như thể thao, nghỉ dưỡng... dưới sự hướng dẫn của các Bộ để xây dựng chiến lược phát triển du lịch và quảng bá bá hình ảnh các địa phương tới khách du lịch trong nước và quốc tế”.
Bên cạnh đó, ông Amorn Harnkham nhấn mạnh, khi đã có mục tiêu rồi thì cần đưa ra những chiến lược cụ thể để thu hút khách. Và quan trọng hơn nữa phải làm sao để sau khi khách đến nghỉ dưỡng và trở về nhà, họ vẫn muốn quay lại thêm nhiều lần nữa. “Chúng tôi làm tất cả những gì chúng tôi cho là có tiềm năng”, ông Harnkham khẳng định.
Cần kết hợp đồng bộ giữa nhà đầu tư, nhà quản lý và người dân
Đối với việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng vùng ven đô của Việt Nam, dưới góc nhìn của ông Amorn Harnkham, điều cần thiết phải làm là hợp tác qua lại giữa cơ quan Chính phủ và các đơn vị. Việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch nghỉ dưỡng nên theo hướng chuyên nghiệp, có thể tận dụng nguồn lao động tại chỗ ở địa phương. Bên cạnh đó, theo ông Amorn Harnkham, Việt Nam không nên tập trung quá nhiều vào việc đầu tư thu hút khách du lịch bụi, mà cần hướng ra nhiều đối tượng hơn, thu hút càng nhiều khách du lịch càng tốt. Từ đó đầu tư xây dựng những sản phẩm bất động sản phù hợp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, không phải thu hút khách bằng mọi giá mà phải đi đôi với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường và đặc sắc văn hóa, tức là phải giảm thiểu các tác động tiêu cực một cách tối đa: “Thực tế nhiều người dân địa phương đang có xu hướng bài xích khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc. Thực ra nhiều thành phần khách du lịch cũng đã có những hành vi bất cẩn, làm tổn hại đến cảnh quan và văn hóa do họ không hiểu biết luật pháp và quy định của địa phương. Do đó, chúng ta phải tính toán lại để làm sao tận dụng được đến đồng đô-la cuối cùng của du khách nhưng vẫn giảm thiểu được các tác động xấu. Một trong những cách làm hiệu quả đó là sự kết hợp đồng bộ giữa nhà đầu tư, nhà quản lý và người dân địa phương”.
Ông Amorn Harnkham cho rằng, cùng với sự bùng nổ của du lịch biển thì du lịch lên các vùng cao cũng là một lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt với những người trẻ thích trải nghiệm, khám phá và yêu thiên nhiên. Nhưng hình thức này thường khó để phục vụ số đông do thiếu thốn về hạ tầng, đường đi khó khăn…Do đó, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là hạ tầng giao thông. Yếu tố này Thái Lan đang làm rất tốt khi có ngày càng nhiều các sân bay và đường xá hiện đại liên kết các vùng với nhau.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển của du lịch nghỉ dưỡng ven đô của Việt Nam, ông Amorn Harnkham hy vọng, Việt Nam và Thái Lan sẽ có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ để tạo thành một chuỗi phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven đô, giúp khách du lịch Thái Lan có thể tiếp cận với thị trường bất động sản vùng ngoại ô của các thành phố lớn của Việt Nam một cách dễ dàng và ngược lại.