Aa

Phát triển cây xanh đô thị trước hết phải trả không gian thở cho cây

Thứ Tư, 12/04/2017 - 06:57

Đó là kiến nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển hạ tầng Lưu Đức Hải tại Hội thảo khoa học Cây xanh đô thị với phát triển đô thị xanh - bền vững.

Tỷ lệ cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/10 thế giới

Tạo lập, phát triển đô thị xanh bền vững, trong đó ưu tiên cây xanh được các chuyên gia đánh giá là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ồ ạt đã khiến nhiều diện tích cây xanh bị thay thế.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25m2, nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tỷ lệ cây xanh thấp do thiếu quy hoạch cây xanh, chưa quan tâm đúng mức sự phát triển của không gian xanh.

Quy hoạch cây xanh đô thị được thể hiện trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết ở các đô thị và các dự án đầu tư khu đô thị. Ở các khu đô thị mới lập quy hoạch bắt buộc phải dành từ 30 - 40% quỹ đất cây xanh, mặt nước trong quy hoạch và định hướng cho sự phát triển dài hạn ở khu đô thị yếu tố cảnh quan môi trường và hệ thống cây xanh đã được chú ý, đầu tư một cách bài bản. 

tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 đến 3m2/người.

Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3m2/người.

Trên thực tế, thời gian qua, công tác quy hoạch cây xanh và quản lý quy hoạch đã được Nhà nước quan tâm, thông qua các nghị định, thông tư và các chương trình thúc đẩy phát triển cây xanh. Chẳng hạn, Nghị định 64/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Quyết định số 39/2012 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ; Thông tư 20/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2005 về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị…

Hiện một số tỉnh, thành phố đã tổ chức lập quy hoạch cây xanh như Hà Nội và TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Tây Ninh... Nhiều đô thị hiện đang đầu tư chỉnh trang, trồng mới cây xanh trên các tuyến phố, nhiều đường phố có cây trồng đặc trưng tạo nên những hàng cây đẹp đặc trưng như ở Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng... 

Tuy nhiên, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch và quản lý cây xanh vẫn còn nhiều hạn chế như: Mô hình quản lý chậm đổi mới, thiếu trang thiết bị và nguồn lực; việc trồng cây xanh ở nơi công cộng như công viên, đường phố vẫn mang tính tự phát và manh mún; quỹ đất dành để phát triển vườn ươm chưa được quan tâm nhiều. Đặc biệt việc trồng cây xanh chưa đúng cách, cây trồng không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên thiếu sức sống, cây mục dễ có nguy cơ bật gốc…

Giành vỉa hè mà không đòi lại chỗ thở cho cây

Để nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên toàn quốc phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đạt được mục tiêu xây dựng đô thị xanh – bền vững, PGS.TS. Đỗ Tú Lan kiến nghị, đối với những đô thị đất chật người đông, hầu như không còn mấy quỹ đất để trồng cây, việc tận dụng tối đa những phần đất để trồng nhiều cây hoặc cây có khối lượng lá xanh (tán phủ xanh lớn) là rất cần thiết. Đây là giải pháp tái cấu trúc cây trồng và đã được ứng dụng thành công tại nhiều đô thị trên thế giới.

việc tận dụng tối đa những phần đất để trồng nhiều cây hoặc cây có khối lượng lá xanh (tán phủ xanh lớn) là rất cần thiết.

Theo PGS. TS. Đỗ Tú Lan, việc tận dụng tối đa những phần đất để trồng nhiều cây hoặc cây có khối lượng lá xanh (tán phủ xanh lớn) là rất cần thiết.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển hạ tầng Lưu Đức Hải lại cho rằng, phát triển cây xanh đô thị trước hết phải tạo ra không gian thở cho cây. “Chúng ta đang quyết tâm làm sạch vỉa hè nhưng chỉ tập trung vào hàng quán, bãi để xe mà chẳng ai nói đến việc trả chỗ thở cho cây. 800 đô thị trên cả nước chưa thấy nơi nào nói đến vấn đề này. Việc trồng cây ở đô thị cứ theo một hình vuông hay hình tròn và đổ xi măng xung quanh, thậm chí xây bệ xi măng làm ghế ngồi. Phải trả lại không gian thở cho cây, không được đổ bê tông hay lát gạch kín xung quanh gốc cây làm cho nước mưa không thể thấm xuống rễ. Bên cạnh đó, không được treo biển quảng cáo và các tải trọng nặng vào cây...”, ông Hải đề xuất.

Kỹ sư Nguyễn Bội Quỳnh, Phân viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng đề xuất, nên có một dự án nghiên cứu về các loài cây bản địa có khả năng đưa vào trồng trong các đô thị trên cả nước. Việc chọn cây trồng đô thị cần dựa vào 3 nhóm yếu tố, gồm đặc tính sinh học, mục đích trồng và đặc điểm nơi trồng. Nguyên tắc trồng cây trên đường phố cần bảo đảm mỗi phố có 1 - 2 loài tương đồng về dạng cây và chiều cao. Ngoài ra, cần lập các vườn ươm cây trồng đô thị nhằm tạo ra những cây có đủ chất lượng. Các địa phương nên có quy hoạch dài hạn về cây xanh để có kế hoạch tạo cây trồng đủ chất lượng, hợp chủng loại.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cây xanh trong quá trình tạo lập, phát triển đô thị xanh bền vững, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam đưa ra quan điểm ủng hộ ý kiến nên có Ngày cây xanh Việt Nam là ngày 3/3 hàng năm.

Về vấn đề này, TS. Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng đây là một ý tưởng hay, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của cây xanh trong cuộc sống, thúc đẩy phong trào trồng cây xanh; nâng cao ý thức về việc bảo vệ, giữ gìn cũng như phổ biến các kiến thức về chăm sóc cây xanh.

“Cần làm sao để mỗi chúng ta coi cây xanh là một phần của cuộc sống. Từ trong nhà đến ngoài ngõ, đường phố, từ không gian riêng đến không gian chung, cây xanh phải luôn là thứ đồng hành với con người. Thậm chí, làm sao để việc trồng và chăm sóc cây xanh được nâng lên như một nét văn hóa,”, ông Quang chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top