Aa

Phát triển Công trình Xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ Bảy, 09/09/2017 - 09:00

Sáng nay 09/09/2017, Hội thảo Phát triển Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã chính thức diễn ra tại khách sạn Sài Gòn Prince (Quận 1, TP.HCM) với sự tham dự của các bộ, ban ngành, nhiều chuyên gia hàng đầu cũng như đông đảo các doanh nghiệp ngành xây dựng.

12h21': Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu bế mạc Hội thảo

Qua thực tiễn Việt Nam, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm Công trình Xanh hay không mà là làm như thế nào? Phát triển Công trình Xanh là xu thế tất yếu, con đường phải đi.

Hiệp hội BĐS Việt Nam đã thành lập Ban điều phối Công trình Xanh trong 5 năm. Có thể nói đây là việc rất lớn, rất khó, có chi phí lớn lại liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, tập quán, thói quen nên cần có sự vào cuộc đồng bộ của các giới và người dân từ lãnh đạo đến các nhà phát triển, đến nhà đầu tư, truyền thông và báo chí nhưng nhận thức của người dân còn hạn chế.

Chúng ta cần nâng cao nhận thức từ trên lãnh đạo, trung ương bộ, ngành đến người dân và báo chí. Lãnh đạo các bộ ngành Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội … rất quan tâm ủng hộ bước đầu về mặt tinh thần và sau đó là cơ chế chính sách.

Chúng ta còn cần phải thông qua báo chí truyền thông đến hàng triệu người dân Việt Nam. Tháng 10 tới dự kiến có cuộc tập huấn riêng cho phóng viên về Công trình Xanh tại Flamingo Đại Lải.

Chúng ta càng cần nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư. Công trình Xanh có chi phí đầu tư ban đầu sẽ tăng, nếu chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, nhìn ngắn hạn sẽ đẩy chi phí cho khách hàng. Cần phải đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ đầu tư để khuyến khích làm Công trình Xanh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giao Hiệp hội BĐS Việt Nam đứng ra tổ chức Giải thưởng BĐS Việt Nam thường niên, bao gồm 10 hạng mục, trong đó có 1 hạng mục cho Công trình Xanh với giá trị giải lớn và trang trọng. Đây có thể coi là một tin vui và động lực cho nhiều nhà phát triển BĐS Xanh.

Hiện nay, chi phí điện, nước và các loại năng lượng khác ngày càng tăng nên xu hướng phát triển Công trình Xanh là tất yếu. Các cơ quan nhà nước phải tiên phong trong việc phát triên Công trình Xanh, các công trình nhà nước phải gương mẫu để đi theo hướng Công trình Xanh. Các công trình tư nhân phải quy định quy mô bao nhiêu căn hộ trở lên phải làm Công trình Xanh.

Chúng ta phải huy động cả hệ thống chính quyền, người dân qua báo chí và đưa ra các hành lang pháp lý đem lại lợi ích cho tất cả các bên từ nhà nước, người dân, nhà đầu tư đều phải có lợi. Tôi tin chỉ cần kiên trì và khéo léo sẽ thành công.

12h11': Lễ ký kết giữa Hiệp hội BĐS Việt Nam và Chuỗi liên các nhà phát triển Công trình Xanh

6 doanh nghiệp tham gia lễ ký kết lần này gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty Cổ phần Xây dựng COTEC (CotecCons), Công ty tư vấn GreenViet, Scheneider Electric, Công ty CP gạch khối Tân Kỷ Nguyên và CLB Kiến trúc Xanh TP.HCM.

12h05': Ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu

Cuối tháng 8 vừa qua, cả thế giới phải bàng hoàng với sức tàn phá chưa từng thấy của cơn bão Harvey khi nhấn chìm nhà cửa và gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực nước Mỹ. Theo các nhà khoa học, các cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh thêm do biến đổi khí hậu, do khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và metan từ hoạt động của con người.

Tôi muốn từ câu chuyện cơn bão này để nhắc mọi người không quên về sự đóng góp đáng kể lượng khí nhà kính của các công trình xây dựng.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên trái đất ngày một nghiêm trọng. Công trình Xanh là một nỗ lực lớn của ngành xây dựng toàn cầu để giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng Công trình Xanh đang diễn ra trên toàn thế giới, nó là một phần của cuộc cách mạng có phạm vi rộng hơn và có tính bền vững hơn.

Việt Nam cũng là nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hiệp hội BĐS Việt Nam đã rất kịp thời có những hành động ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu. Tôi đánh giá cao kế hoạch hoạt động 5 năm cho Chương trình Phát triển Công trình Xanh và bền vững của Hiệp hội BĐS Việt Nam với sự tham gia tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo Phát triển Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam lần này có ý nghĩa rất thiết thực. Tôi tin rằng cùng với thời gian, các doanh nghiệp BĐS cũng như cộng đồng sẽ thay đổi nhận thức và có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng thị trường BĐS Xanh. Kì vọng về một thị trường BĐS Xanh của Hiệp hội BĐS Việt Nam là một mục tiêu xứng đáng để chúng ta nỗ lực chung tay xây dựng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chuyên gia và kiến nghị của Hiệp hội BĐS Việt Nam để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoạch định chính sách phù hợp trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường đáng báo động và ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu chung của toàn cầu.

11h41': Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Giám đốc GreenViet nói về Hành trình phát triển của Công trình Xanh những năm qua cũng như những dự báo cho tương lai trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới tăng trưởng xanh

Tính tới thời điểm này, chúng tôi đã tư vấn 60 dự án trong nước,16 dự án cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo GreenViet, 9 năm phát triển Công trình Xanh chia làm 3 giai đoạn: 2008 – 2011 là phôi thai, phổ biến kiến thức; 2011-2014 là xuất hiện Công trình Xanh đầu tiên và giai đoạn 3 từ 2014 tới nay là bùng nổ.

Ông nhận định 5 lý do Công trình Xanh sẽ phát triển là: Cơ chế chính sách của chính phủ; Nhu cầu về chỗ ở chất lượng, GDP tăng có nhu cầu về chỗ ở, phương tiện đi lại cũng cao hơn;  Công trình Xanh chất lượng hơn; Trong thời gian tới sẽ có các nhà đầu tư mới tham gia phát triển Công trình Xanh nên thị trường cạnh tranh hơn; Tài nguyên cạn kiệt và biến đổi khí hậu.

Ông Quang cũng đưa ra 4 đề xuất để Công trình Xanh phát triển mạnh hơn:

- Yêu cầu xanh cho công trình có vốn ngân sách

- Phân bổ ngân sách cho phí tư vấn xanh

- Có cơ chế đặc thù cho các dự án và khu vực đặc biệt (như khu Thủ Thiêm)

- Các chủ đầu tư lớn có đại diện trong Hội đồng Công trình Xanh, hiệp hội.

11h20': Ông Lê Văn Tới – Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng trình bày tham luận về Vật liệu xây dựng và Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Khoản 5 điều 3 Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2015 về quản lý vật liệu xây dựng quy định:

VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường bao gồm VLXKN, VLXD được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại.

Như vậy ta thấy nhóm vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường - gọi chung là VLXD thân thiện, có 1 trong 4 tiêu chí sau mà VLXD cũ không có:

- Mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho người sử dụng;

- Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản;

- Trong quá trình sản xuất giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường

- Trong quá trình sản xuất tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác

Như vậy không có vật liệu thân thiện thì không thể có Công trình Xanh.

Nhà nước đã có chủ trương và đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển VLXD thân thiện. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn các cản trở, vướng mắc trong việc sử dụng VLXD thân thiện.

Cuối cùng ông Lê Văn Tới đưa ra các giải pháp thúc đẩy sử dụng vật liệu thân thiện trong xây dựng Công trình Xanh.

11h12': Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CotecCons Group chia sẻ kinh nghiệm của nhà xây dựng Công trình Xanh tại Việt Nam

Xây dựng Công trình Xanh thì phải phát sinh thêm chi phí đăng ký, nên nhiều đơn vị thực tế làm Công trình Xanh nhưng không đăng ký.

CotecCons đã tham gia trong vai trò nhà thầu và thiết kế, là một trong những đơn vị đi đầu trong Công trình Xanh, muốn xanh phải sạch, và sử dụng nguyên liệu không nung. Cách đây 15 năm, CotecCons đã sử dụng công nghệ mới trong xây dựng nên rất ít xà bần. Phía trước là mặt kính chỉ gắn silicon là hoàn thiện nên tiết kiệm năng lượng, nhân công. Công trình Xanh quan trọng nhất là chủ đầu tư có dám làm, dám hy sinh cho cộng đồng.

11h02': Ông Nguyễn Minh Khoa - Công ty kính nổi Viglacera giới thiệu về kính tiết kiệm năng lượng

Theo xu hướng kiến trúc xây dựng hiện đại, các mặt dựng của tòa nhà phải có kính để tạo điểm nhấn mỹ quan nhưng sẽ kéo theo gia tăng nhiệt độ bên trong các tòa nhà. Nhưng khó khăn lớn nếu dùng kính thường tiêu tốn năng lượng rất lớn nên các chủ đầu tư đang có xu hướng chuyển quan kính tiết kiệm năng lượng. Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm năng lượng cho công trình, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và hiệu quả trong đầu tư.

10h45': Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển, Tập đoàn Capital House trình bày những kinh nghiệm thực tiễn từ Capital House về tiết kiệm tài nguyên trong các Công trình Xanh. Tập đoàn Capital House chính là doanh nghiệp đã tài trợ 1 triệu USD cho chương trình Chương trình Phát triển Công trình Xanh và bền vững trong 5 năm (2017-2022).

Khảo sát của IFC mới đây chỉ ra rằng do lợi ích bền vững của các Công trình Xanh cũng như nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng, thị trường Công trình Xanh toàn cầu dự báo tăng trưởng ở mức 13% trong giai đoạn 2015-2020.

Trên thế giới ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị, phát triển đô thị mang tính bền vững. Công trình Xanh đang ngày một phát triển ở tất cả các nơi trên thế giới.

Các công ty xây dựng và các nhà phát triển bất động sản đã và đang dịch chuyển hướng kinh doanh của họ tới Công trình Xanh, sẽ ngày càng nhiều Công trình Xanh so với hiện tại. Trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2012 – 2015, số lượng Công trình Xanh của các công ty xây dựng dự đoán tăng hơn 60%

Một báo cáo của tổ chức World Green Building Council (WGBC) năm 2016 về xu hướng xanh hóa đô thị trên toàn thế giới (Wolrd Green Building Trends 2016 - Developing Markets Accelerate Global Green Growth) cho thấy, các tập đoàn đầu tư bất động sản tại các nước phát triển đang có xu hướng tập trung vào các hình mẫu bất động sản xanh bởi tính kinh tế về mặt chi phí đầu tư dài hạn, ảnh hưởng tích cực về mặt danh tiếng và biên độ tăng giá dự án khá nhanh (19% lên 27% trong vòng 3 năm, từ 2012-2015).   

Xác định phân khúc chính của mình là Nhà ở giá thấp và trung bình, Capital House luôn hướng tới những giải pháp Xanh cho từng dự án thích hợp. Ngay từ những dự án đầu tiên, Capital House đã áp dụng những tiêu chí Xanh như trồng cây xanh, sử dụng gạch không nung, năng lượng mặt trời… Các yếu tố này là những viên gạch đầu tiên trong việc phát triển Công trình Xanh của Capital House cho các dự án sau này.

Các dự án chung cư giá thấp và trung bình: Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng QC09:2013 và Chứng chỉ EDGE là “kim chỉ nam” cho các dự án thuộc phân khúc này của Capital House

Các dự án văn phòng: Hiện nay Capital House đang triển khai dự án Văn phòng Xanh Capital House theo tiêu chuẩn LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, tiến tới áp dụng hệ thống này cho các dự án tương tự

Các dự án trường học: Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục, tiêu chuẩn LOTUS cũng đang được Capital House áp dụng cho dự án trường mầm non chất lượng cao TD Shool của mình. Mục tiêu mà Capital House hướng tới là Hạng Vàng của chứng chỉ LOTUS.

Các dự án khác: Với mục đích học hỏi và phát triển, các dự án cao cấp khác của Capital House có thể sẽ hướng tới những chuẩn Quốc tế như LEED (Mỹ) hay Green Mark (Singapore)…

10h15': Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM trình bày tham luận Phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam từ nhận thức đến thực chứng toàn phần

Trong khi có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở trên Thế giới đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và hơn 750 công trình xanh tại Úc (theo VGBC).

Mọi hành động đều bắt nguồn từ tư duy, ý thức và khát vọng kiến tạo Công trình Xanh kết hợp cùng sự quyết tâm hành động sẽ cho chúng ta những Công trình Xanh mang giá trị thực thụ. Phát triển Công trình Xanh cũng không nên giới hạn tư duy ở một đơn nguyên nhà ở hay một công trình cao tầng đơn độc. Hãy thử hiểu rộng hơn, hãy xem Công trình Xanh như một cá thể, thì việc phát triển đồng bộ những ngôi nhà xanh, căn hộ xanh này cùng với một không gian sống xanh, chúng ta sẽ có được những đô thị xanh, những cộng đồng xanh… lúc bấy giờ, giá trị xanh sẽ gia tăng theo cấp số nhân và hiệu ứng lan tỏa về ý thức “sống xanh” đến số đông và thị trường cũng thật mạnh mẽ.

Đơn cử, dự án Khu đô thị Văn hóa – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam, Đức Hòa Long An do Phuc Khang Corporation phát triển. Được nhận định như một đô thị điển hình của tỉnh Long An, sẽ là một trong những đô thị chuẩn xanh đầu tiên của Việt Nam, đang được thị trường quan tâm và giới chuyên môn đánh giá cao bởi giá trị xanh và nhân văn của dự án mang đến cho cộng đồng.

Nếu bàn về khái niệm “kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” trong việc phát triển Công trình Xanh thì kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng có thể xem như một hình mẫu với việc tận dung tối đa điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường thông qua hình thái, chọn hướng, lựa chọn vật liệu xây dựng, bố cục và tổ chức không gian, sử dụng ao hồ, cây xanh…. Lúc bấy giờ, Công trình Xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên vừa phù hợp với tâm sinh lý của người Việt, vừa có thể thích nghi một cách tốt nhất trong không gian sống. Chúng ta phải hiểu rằng, tiện nghi không có nghĩa là mâu thuẫn với tiết kiệm hay hiện đại văn minh thì không thể xanh và truyền thống.

Tại Làng Sen Việt Nam, Trung tâm hội nghị Tre Việt – kỷ lục “Nhà tre lớn nhất Việt Nam” vừa mang về giải thưởng kiến trúc xanh của Mỹ (Green Good Design Award 2017) cho KTS. Võ Trọng Nghĩa, tuy là một Công trình Xanh truyền thống làm điểm nhấn của một đô thị tiên tiến hiện đại nhưng vẫn rất hài hòa và “quyến rũ”.

Đối với kiến trúc nhà ở tại đô thị này thì cũng dễ dàng nhận thấy dáng dấp của mái nhà truyền thống, những thủ pháp kiến trúc xanh nhằm tối ưu hóa khí động học, tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên như nắng, gió hay xử lý bức xạ nhiệt để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu khí thải độc hại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân. Những công trình tiện ích khác trong không gian sinh hoạt cộng đồng cũng không ngoài mục tiêu mang đến một không gian sinh thái tốt cho sức khỏe, vun bồi giá trị tinh thần, giá trị nhân văn truyền thống cho cộng đồng.

Với những nhà phát triển BĐS tâm huyết thì việc phát triển Công trình Xanh tuy khó nhưng cũng dễ. “Khó” bởi việc thuyết phục và định hướng thị trường, định hướng khách hàng đến với những giá trị thiết thực hơn trong cuộc sống, đó là giá trị của sức khỏe, sự an toàn, môi trường tự nhiên… Hay nói cách khác, phải cho người tiêu dùng hiểu được Công trình Xanh sẽ mang lại năng lượng sống tích cực cho mỗi cư dân và cộng đồng . Và “dễ” là ở sự vận hành tư duy sáng tạo, kết hợp cùng quyết tâm cống hiến và hơn cả là Công trình Xanh thu hút thị trường dễ dàng hơn bằng tính nhân văn truyền thống và “xanh chính phẩm” trong từng sản phẩm.

Đối với đô thị thấp tầng thì cộng đồng xanh – văn minh – truyền thống là một mô hình lý tưởng, nhưng không thể đặt trọn vẹn mô hình ấy, quy mô ấy vào trung tâm thành phố đất chật người đông. Tuy nhiên, cũng không vì thế tính cộng đồng trong Công trình Xanh không được phát huy mà ngược lại, càng phải phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi vì những trung tâm đô thị lớn phải chịu sức ép lớn từ dân số, cơ sở hạ tầng thì nhu cầu sống xanh, Công trình Xanh càng trở nên cấp bách hơn. Vậy câu hỏi được đặt ra: giải pháp là gì và có thực hiện được không?

Chuỗi căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Leed (USGBC – Hoa Kỳ) và Lotus (VGBC – Việt Nam) lần đầu tiên tại Việt Nam đã được Phúc Khang khởi động phát triển từ cuối năm 2015 với 2 dự án đầu tiên là Diamond Lotus Riverside và Diamond Lotus Lakeview là một thực chứng hữu hình cho sự quyết tâm của giới đầu tư trong câu chuyện phát triển Công trình Xanh của Việt Nam.

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong công trình cao tầng nhưng lựa chọn hướng phát triển Công trình Xanh, lại là Công trình Xanh theo chuẩn Leed đầy khắt khe và chưa ai từng làm tại Việt Nam là một thử thách vô cùng lớn đối với Phúc Khang. Sự “cô đơn” của một nhà phát triển tâm huyết đến từ tư duy thị trường, quan điểm của các đối tác cùng ngành chưa thật sự đồng bộ. Tuy nhiên, Phúc Khang đã làm được, khi tìm được tiếng nói chung và sự hợp lực của các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phát triển BĐS Việt Nam.

Sau một thời gian nhận được sự nghi ngại của thị trường và giới chuyên môn thì nay, chuỗi dự án Diamond Lotus đã tạo tiếng vang trên thị trường, khách hàng đã hoan hỷ khi những Công trình Xanh chính phẩm thấu hiểu được như cầu sống thật thụ của cư dân đang thành hình rõ nét.

9h45': Bà Vũ Thị Kim Thoa - Trưởng đoàn tư vấn Chương trình năng lượng sạch USAID Việt Nam chia sẻ một số giải pháp cho xây dựng Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam theo hướng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch ở Việt Nam.

Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.

Thông qua tham luận, bà Vũ Thị Kim Thoa đưa ra một số kiến nghị:

- Bộ Xây dựng nhanh chóng phê duyệt Kế hoạch hành động TTX ngành XD, làm cơ sở cho việc thúc đẩy phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam.

- Bộ Xây dựng nhanh chóng ban hành Thông tư Quy định về hoạt động đánh giá và chứng nhận Công trình Xanh, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn Công trình Xanh, chứng nhận Công trình Xanh ở VN.

- Các chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng, hiệp hội nghề nghiệp, Hiệp hội BĐS, các sở XD các tỉnh/thành phố tham gia góp ý chi tiết cho dự thảo Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD (sẽ tổ chức vào 4/2017).

9h30': Bà Nguyễn Thu Nhàn - Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam (IFC) chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển Công trình Xanh trên thế giới và Việt Nam

Phần mềm Edge đã được triển khai trên 125 quốc gia theo đặc thù tùy từng quốc gia để xây dựng dữ liệu đầu vào cho phần mềm Edge và có thể truy cập trên website: ww.edgebuildings.com Edge là phần mềm miễn phí, chỉ ra cách giảm mức độ sử dụng tài nguyên của thiết kế công trình cụ thể, trên phần mềm sẽ có các giải pháp liên quan đến chiếu sang, điều hòa không khí. Trong 2 năm edge đã chứng nhận 500.000 m2 sàn, đang làm việc chứng nhận thêm 600 m2 sàn khác.

Tổ chức tài chính quốc tế có 90 năm kinh nghiệm trên toàn cầu, hõ trợ các chính phủ xây dựng và phát triển kinh tế thịnh vượng, năm 2016 kinh phí đầu tư 19 tỷ Như Ông Trần Nam phát biểu Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm khí thải 8%, nếu có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ giảm đến 25 %, ngành xây dựng là 1 trong những ngành có thể giảm khí nhà kính là 1 trong các phương án hiệu quả nhất.

Tổ chức tài chính quốc tế đã xây dựng thúc đẩy chương trình Công trình Xanh trên nhiều quốc gia. Để triển khai Công trình Xanh IFC đã hỗ trợ xây dựng quy chuẩn liên quan đến Công trình Xanh:

- Xây dựng quy định của chính sách và quy định pháp luật, Bộ XD đã ban hành quy chuẩn 09/2013 quy định tiêu chuẩn Công trình Xanh, mong muốn Bộ Xây dựng có thúc đẩy hơn nữa ưu đãi về Công trình Xanh. Vd: Tại Singapore, các công trình đạt chứng chỉ Green Mark thì được tăng số m2 sàn xây dựng.

- Tổ chức tài chính quốc tế đã có hỗ trợ nhiều chính phủ như Phlippine, Indonesia, Columbia, Mexico, và đã giúp xây dựng các tài liệu cụ thể cho Công trình Xanh.

- Đã xây dựng hệ thống đánh giá Công trình Xanh tự nguyện EDGE.

9h20': KTS. Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đóng góp tham luận Phát triển Công trình Xanh Việt Nam - Từ phong trào đến chương trình trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

BĐKH và các hiện tượng El Nino, La Nina làm nước biển dâng, tăng tần suất và cường độ. Các trận mưa, cùng với hậu quả của quá trình mở rộng đô thị không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém, đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn, không chỉ ở các đô thị miền Trung, mà cả ở miền Bắc và miền Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mưa kết hợp với mức triều cường ngày một cao hơn đã làm cho diện các khu vực ngập úng ngày càng mở rộng. Hà Nội chỉ cần có trận mưa giông cường độ trung bình thì đã có hơn 100 điểm úng ngập cục bộ và nếu mưa lớn hơn thì nhiều khu vực của các Quận trung tâm cũng bị ngập...

Trong những năm qua, Ngành Xây dựng đã rất quan tâm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, luật nhà ở (2003), luật quy hoạch đô thị (2009), Luật Xây dựng sửa đổi (2014), luật quản lý PTĐT (dự kiến ban hành 2018), hệ thống các nghị định thông tư về hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng, quản lý phát triển nhà ở, hạ tầng đồng bộ, quản lý đánh giá đô thị xanh; Công trình Xanh. Bên cạnh đó, đã và đang điều chỉnh bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và bảo vệ môi trường gắn liền với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị bền vững, tiết kiện năng lượng, ứng phó với BĐKH.

Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Bộ Xây dựng đã Xây dựng chương trình nhiệm vụ Ngành và lộ trình thực hiện giai đoạn 2010-2020 và từng năm; Trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2623/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020;  Tăng cường năng lực quản lý xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật; Điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các hoạt động phát triển của Ngành xây dựng, các đô thị và đề xuất giải pháp giảm thiểu.

Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả, thúc đẩy phát triển Công trình Xanh (Công trình Xanh) và sử dụng năng lượng hiệu quả, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển Công trình Xanh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, chủ đầu tư, cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tòa nhà, hướng tới xây dựng kế hoạch phát triển Công trình Xanh trên pham vi cả nước. 

Bà Lan Anh khẳng định “Xanh” là một xu hướng tất yếu mà cả toàn cầu đang hướng đến. “Xanh” là tiết kiệm năng lượng, là tốt cho sức khoẻ. Bất động sản xanh chính là cách dùng những thủ pháp kiến trúc nhằm hiện thực hoá nhu cầu mong muốn của cư dân. Thiết kế Công trình Xanh, kiến trúc xanh là giải pháp thông minh nhất để chủ đầu tư đến với  cộng đồng cư dân.

9h10’: Ông Nguyễn Bá Thành - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu

Theo các số liệu báo cáo thì tính đến tháng 08/2017, trên địa bàn TP.HCM đã có 7 công trình đạt được các chứng chỉ Công trình Xanh . Trong đó, có 3 công trình chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp. Trong đó, 1 số công trình đạt các chứng chỉ uy tín thế giới như chứng chỉ LEED, EDGE.

Về các cơ chế, chính sách của TP trong phát triển Công trình Xanh, một những các biện pháp đã thực hiện trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng của ngành xây dựng TP.HCM là đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. TP đã triển khi tích cực nội dung này , nhất là đối với Công trình Xanh sử dụng vốn ngân sách.

8h48’: Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu

Thưa Quý vị, như bài phát biểu dẫn đề của ông Nguyễn Trần Nam đã nói những thách thức liên quan đến ứng phó biến đối khí hậu, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới chủ đề Năng lượng Xanh rất được quan tâm.  

Trong Hội nghị Biến đổi khí hậu COP 21 Việt Nam, Bộ Xây dựng đã đề nghị các nước phát triển hỗ trợ phát triển Công trình Xanh. Trong Hội nghị Apec tháng 11 năm nay, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì một hội thảo phát triển đô thị trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có các công trình giảm thải khí nhà kính. Và các hội thảo trong năm vừa qua cũng như sẽ đưa ra trong Hội nghị Apec thông điệp của Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với sự kiện này, Bộ Xây dựng đánh giá cao sự chủ động trong những chương trình, sự kiện hội thảo phối hợp với các bộ ngành theo định hướng chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ trong 3 năm nay.

Bộ đã xây dựng các cơ sở, tiêu chuẩn cho Công trình Xanh, Chính phủ ban hành nhiều chiến lược về tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Bộ đã đưa ra các quy chuẩn Việt Nam về Công trình Xanh nhưng đó mới chỉ là văn bản pháp lý, để đi vào thực tiễn cuộc sống hay chưa, những hội thảo như hôm nay rất có ý nghĩa.

Phát triển Công trình Xanh là nội dung ưu tiên xuyên suốt trong các tài liệu, trong thời gian qua việc nghiên cứu Công trình Xanh chưa được quan tâm đúng mức, công trình xây dựng xong rồi mới quan tâm đến môi trường.

TP. HCM có tốc độ xây dựng lớn của cả nước, tiềm năng phát triển về công nghệ, vật liệu, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tham gia rất tốt.

Hôm nay, chúng ta có thể thấy doanh nghiệp Phúc Khang có mô hình Công trình Xanh, tôi cho rằng đây là doanh nghiệp đi đầu về Công trình Xanh. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc Phúc Khang, rất tích cực bền bỉ, thuyết phục các nhà quản lý đưa ra để thực hiện đại trà. Tôi tin TP.HCM có các doanh nghiệp tâm huyết như Phúc Khang đưa các tiêu chí Công trình Xanh vào.

Bên cạnh đó, về thị trường vật liệu và Công trình Xanh, Bộ đang nghiên cứu công nghệ sử dụng vật liệu về Công trình Xanh cũng như các tiêu chí để xây dựng công trình xanh.

Hôm nay, chúng tôi mong muốn Hiệp hội BĐS Việt Nam là tổ chức tiên phong đưa ra những hành động thiết thực để phát triển Công trình Xanh cùng các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp. Một lần nữa cám ơn Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức một hội thảo rất ý nghĩa trong điều kiện biến đối khí hậu. Chúc hội thảo thành công!

8h38’: Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Như chúng ta đã biết, biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất, mang tính toàn cầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả nhân loại. Theo đó, đối phó – chống biến đổi khí hậu cũng đang là trách nhiệm, nghĩa vụ hàng đầu đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Với Việt Nam, theo đánh giá của Liên hợp quốc, nước ta sẽ là một trong 5 quốc gia phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, TP. HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước thực trạng này, Liên hợp quốc và các quốc gia đã có nhiều hành động ứng phó mà điển hình là “Công ước Liên hơp quốc về Biến đổi khí hậu”. Cũng trong bối cảnh đó, từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Phong trào Công trình Xanh đã ra đời và được coi là hoạt động quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất trong các hoạt động có ý thức của toàn cầu ứng phó với Biến đổi khí hậu. Lý do của sự đánh giá này là các công trình xây dựng (kể từ khi xây dựng, vận hành đến lúc phá hủy) đã thải ra khoảng 50% khí nhà kính CO2 – nguyên nhân chủ yếu gây ra Biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo

Đối với Việt Nam, dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác.

Trong tổng thể các hoạt động chống biến đổi khí hậu; có thể nói, việc phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh nhằm tạo lập những Công trình Xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS. Việc tạo lập một thị trường bất động sản xanh đang là mục tiêu, định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chiếm tới 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên gây ra. Do đó, hành động của chúng ta sẽ góp phần quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhằm ủng hộ chủ trương lớn, hết sức đúng đắn của Đảng - Nhà nước, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu, về tăng trưởng xanh và phát triển Công trình Xanh; đồng thời với mong muốn được chung tay, góp sức với toàn xã hội để thúc đẩy sự phát triển của Công trình Xanh và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của Công trình Xanh… vừa qua, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ KHCN, Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội; Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác triển khai Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam.

Cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam, hôm nay, Hiệp hội BĐS Việt Nam và các đối tác quyết định tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Chúng ta đều biết, TP. HCM là một vùng kinh tế trọng điểm, một thị trường BĐS quan trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là địa bàn được dự báo là sẽ chịu tác động nặng nề nhất về biến đổi khí hậu ở nước ta. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo “Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu” tại đây sẽ là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

Với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà quản lý; các lãnh đạo doanh nghiệp BĐS và các cơ quan truyền thông; chúng tôi rất mong Hội thảo tập trung góp ý, thảo luận, làm rõ các vấn đề cụ thể sau:

Một là, làm rõ ý nghĩa và giá trị thiết thực của việc phát triển Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và đối với sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam.

Hai là, tập trung đánh giá thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường BĐS xanh (Công trình Xanh) tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Ba là, nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thời gian vừa qua, đặc biệt là tại khu vực TP.HCM; đồng thời trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về phát triển Công trình Xanh có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam.

Bốn là, đưa ra các kiến nghị, góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy công tác phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thực sự nhanh và bền vững với ý nghĩa là một giải pháp thiết thực, hiệu quả cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh tăng trưởng xanh.

Năm là, góp ý để xây dựng Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam của chúng ta thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực.

Và với tinh thần nêu trên, tôi xin tuyên bố khai mạc hội thảo “Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

8h37': Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu 

Thưa Quý vị Quan khách tham gia chương trình, thay mặt ban tổ chức, tôi gửi lời chúc sức khỏe hạnh phúc thành công, chúc Hội thảo thành công.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xây dựng Công trình Xanh là cấp thiết với Việt Nam. Công trình Xanh là 1 phần của kế hoạch 5 năm phát triển Công trình Xanh trên toàn quốc, góp phần hình thành Công trình Xanh trên toàn quốc, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC-WB và sự hỗ trợ tài chính của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang.

Chương trình có sự tham dự của bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; ông Tạ Việt Dũng - Cục Trưởng Cục Ứng dụng và phát triển KHCN thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Bá Thành - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM; bà Vũ Thị Kimm Thoa - Trưởng đoàn tư vấn năng lượng sạch; ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam; bà Lưu Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Khang; ông Đỗ Đức Đạt - Tổng Giám đốc Tập đoàn Capital House ... cùng đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội BĐS...

Các khách mời tới tham dự hội thảo.

Các khách mời tới tham dự hội thảo.

8h35': Chính thức khai mạc Hội thảo

Những năm qua, Bộ Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ quốc tế như IFC-WB, USAID… đã có nhiều hoạt động thiết thực và cũng đạt được những kết quả rõ rệt trong tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, số lượng căn hộ được thiết kế xanh, được cấp chứng chỉ căn hộ xanh…còn rất hạn chế ở Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển Công trình Xanh, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản Việt Nam chủ trì triển khai Chương trình Phát triển Công trình Xanh và bền vững trong 5 năm (2017-2022). Hội thảo Phát triển Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động của chương trình này với mục tiêu nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển các Công trình Xanh trên phạm vi toàn quốc hướng tới góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS xanh của Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top