Từ dừng xây cao ốc trong nội đô...
Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tính riêng năm 2017, hoạt động xây dựng tăng trưởng khá cao đạt 8,7%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 37,5%, gần đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38-40%). Cả nước có 813 đô thị. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 77%, quy hoạch chi tiết đạt 38%... Điều này dẫn đến những áp lực về gia tăng dân số, nhà ở khiến mỗi năm, các thành phố lớn như Nội và TP.HCM đã xây dựng thêm hàng ngàn đơn vị nhà ở mới nhưng dường như vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
Đáng chú ý, mới đây văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp khắc phục, giảm ùn tắc giao thông khu vực đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, lưu ý không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa giao thông, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông; sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phòng trào tự quản... cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.
Văn bản một lần nữa để các nhà quy hoạch nhìn nhận lại rằng, nếu phát triển các thành phố theo chiều thẳng đứng có thể để dành đất cho cây xanh, không gian công cộng. Nhưng tập trung xây thêm nhiều nhà cao tầng ngay vị trí trung tâm vô hình trung vượt ngưỡng chịu tải, lấn át quy hoạch, thậm chí gây ùn tắc giao thông.
Thực tế rõ ràng hiện nay quỹ đất đô thị tại các thành phố lớn chỉ có giới hạn và đang mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Cụ thể, khi nhu cầu nhà ở tăng cao, các dự án chung cư nhà ở "bùng nổ" đã kéo theo diện tích đất công cộng đất cây xanh, đất cho công trình giao thông sụt giảm dẫn đến ùn tắc giao thông, thiếu sân chơi, công viên.
Không ít lần, giới phân tích khẳng định, việc quy hoạch và đầu tư các chung cư cao tầng trong nội đô vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy xây", họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận bán hàng mà bỏ qua câu chuyện hạ tầng, giao thông có phù hợp với dự án giao thông hay không?
Theo đó, để giảm tải hạ tầng, thì bện cạnh dừng xây các công trình cao tầng trong nội đô, chúng ta phải thực hiện dãn dân ra các khu đô thị mới theo quy hoạch chung đã duyệt. Để làm được điều đó thì phải bỏ tiền đầu tư trường học, đường giao thông, bệnh viện, di chuyển các cơ quan làm việc... Chỉ khi ngoại thành đáp ứng được các tiêu chí làm việc, học tập, dịch vụ vui chơi thì chắc chắn người dân sẽ mua nhà định cư ngay ở đó.
Đến "phình to" ngoại thành
Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự mở rộng từng ngày của các thành phố lớn và sự nâng cấp hàng loạt điểm dân cư đô thị từ làng xã lên thị trấn, thị xã lên thành phố. Một loạt đô thị mới xuất hiện trên cơ sở nâng cấp trung tâm của khu vực đã có hay là hoàn toàn mới trên cơ sở quy hoạch các dự án đô thị vệ tinh, thành phố thông minh...
Cụ thể, tại Hà Nội và TP.HCM, theo quy hoạch chung được duyệt, sẽ chuyển từ mô hình đô thị “Đơn cực” sang “Đa cực”, từ đô thị một trung tâm sang đô thị đa tâm với các đô thị vệ tinh. Về lý thuyết, các đô thị vệ tinh sẽ đóng vai trò đầu mối giảm tải cho đô thị trung tâm một số chức năng hiện đã quá tải như: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao.
Cũng để góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân, Hà Nội sẽ xây dựng 5 khu đô thị Nhà ở xã hội tập trung ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết với khoảng 301,64 ha đất. Việc này không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở, mà còn làm giảm số lượng người đi lại, giảm ùn tắc giao thông.
Các khu Nhà ở xã hội cho thuê nên gắn với khu công nghiệp tập trung, trung tâm vui chơi giải trí, khu trường học... để phục vụ người lao động tại chỗ. Về lâu dài, cần định hướng để người dân làm ở đâu, thuê nhà ở đấy, giúp người lao động lựa chọn nhà ở gắn với nơi làm việc sẽ tốt hơn. Thực hiện được, sẽ đạt đa mục tiêu là giảm tải cho các thành phố, giảm ùn tắc giao thông...
Tuy nhiên, giới phân tích cũng e ngại rằng, mở rộng đô thị kiểu lan tỏa, nếu thiếu kiểm soát sẽ không bền vững và không đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân. Cụ thể là làm mất “tam nông”, chuyển người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông nghiệp sang thành phố sẽ phải đối mặt với bài toán vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị, tình trạng thất học và việc làm cho người dân, phân hóa giàu nghèo, nhu cầu lương thực khi quỹ đất nông nghiệp giảm, bài toán nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội…
Đứng trước hiện tượng gia tăng chiều cao đô thị bởi hàng loạt các dự án cao tầng và nhu cầu chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển quỹ đất ngoại thành phải chăng vẫn là sự “lúng túng” của các nhà quản lý khi lựa chọn phát triển mô hình đô thị?