Aa

Phát triển đô thị kiểu "xôi đỗ": Bất cập và câu chuyện phát triển bền vững

Thứ Tư, 16/10/2024 - 06:59

Những dãy biệt thự hoang trải dài trong các khu đô thị. Những cơn mưa ngập sâu khiến khu đô thị giàu có trở thành biển nước... theo chuyên gia, đó là hệ lụy của việc phát triển đô thị kiểu "xôi đỗ".

Hệ lụy của phát triển đô thị "xôi đỗ"

Chỉ cần trận mưa kéo dài nhiều tiếng, tại nút giao của đường Lê Trọng Tấn và đại lộ Thăng Long, cả biển nước bao phủ. Đó không chỉ là hiện tượng diễn ra một lần mà liên tiếp xảy ra trong nhiều lần. "Biệt thự triệu đô" chìm trong biển nước, "Vịnh Thiên đường Bảo Sơn",… là những hình ảnh miêu tả về "vùng trũng" của An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Mỗi khi cơn mưa kéo dài nhiều giờ đồng hồ, tình trạng ngập lụt ở nơi này lại tiếp tục tái diễn. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng khi việc di chuyển trở nên bất tiện. Thực tế, tại Hà Nội, nhiều khu đô thị cũng rơi vào tình trạng tương tự mỗi khi mưa tới.

Phát triển đô thị kiểu "xôi đỗ": Bất cập và câu chuyện phát triển bền vững- Ảnh 1.

Cứ mưa đến, một số khu đô thị ở Tây Hà Nội lại ngập.

Nhìn lại hơn 10 năm thị trường bất động sản tại Việt Nam phát triển thăng trầm, có thể thấy những khu đô thị mọc lên như nấm. Nhưng một thực trạng nan giải lặp đi lặp lại qua suốt thập kỷ qua đó là bỏ hoang. Nhiều dự án hình thành từ giai đoạn 2009-2010 đến nay vẫn chưa được "lấp đầy" cư dân. Như tại một khu đô thị phía Tây Hà Nội, dù các tòa chung cư bao quanh đã mọc lên, dù trung tâm thương mại Aeon Mall đã vận hành nhiều năm nhưng những dãy biệt thự hoang hóa vẫn không người ở. Hay như khu đô thị Sudico An Khánh, từng lớp dãy nhà liền kề, biệt thự mọc rêu xanh vẫn im ắng nhiều năm qua.

Phát triển đô thị kiểu "xôi đỗ": Bất cập và câu chuyện phát triển bền vững- Ảnh 2.

Tình trạng bỏ hoang tại nhiều khu đô thị.

KTS. Lê Tuấn Long, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Phong cảnh Việt Nam dẫn thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng Hà Nội và TP HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Việc này tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. Một thống kê cho thấy, năm 2022 huyện Hoài Đức có đến 10 khu đô thị bỏ hoang. "Đây không chỉ là nguồn lực xã hội bị lãng phí mà còn là tác nhân lớn gây nên biến đổi khí hậu", ông Long cho hay.

Là người theo dõi sự phát triển của đô thị Hà Nội hàng chục thập kỷ qua, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam từng nhận định, đô thị ở Việt Nam phát triển kiểu "xôi đỗ", nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị. Đó là lý do mà tình trạng giá bất động sản leo thang. Những dãy nhà bỏ hoang mọc trải dài. Hệ lụy là sự phát triển méo mó của các đô thị.

Giải pháp quy hoạch và phát triển đô thị xanh

Tại nhiều hội thảo và tọa đàm, TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, trong quá trình phát triển các đô thị mới, chủ đầu tư buộc phải chú trọng đến việc phát triển hạ tầng kỹ thuật bên ngoài.

Các cơ quan quản lý phải chú trọng vai trò của mình, hướng tới việc đảm bảo nguồn lực tốt cho phát triển hạ tầng kỹ thuật. Đối với tình trạng ngập úng khi mưa lớn xảy ra, ông Nghiêm cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch bổ sung kênh mương thoát nước.

Nhìn ở góc độ khác, KTS. Lê Tuấn Long nhắc lại việc xem xét lại câu chuyện quy hoạch của đô thị nhất là sau trận bão Yagi gây ra cũng như mực nước sông Hồng vượt mức lịch sử 20 năm. Ông Long lấy ví dụ, một số khu vực "cứ mưa là ngập" điển hình như khu ngã 3 Lê Trọng Tấn - Hầm chui dân sinh qua đại lộ Thăng Long là do chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị xung quanh với trục thoát nước chính bên ngoài.

Ông Long nhấn mạnh rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp đồng bộ từ việc xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống quy hoạch, quy trình vận hành và ưu tiên nguồn lực thực hiện cho việc chống biến đổi khí hậu.

Phát triển đô thị kiểu "xôi đỗ": Bất cập và câu chuyện phát triển bền vững- Ảnh 3.

Bài toán quy hoạch và phát triển đô thị xanh.

Nói về phát triển đô thị, trong hội thảo mới đây, ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nhận định: Tốc độ đô thị hóa đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Điều này dẫn đến sự mở rộng đô thị tràn lan, ùn tắc giao thông, ô nhiễm.

Theo ông Hưng, quy hoạch và phát triển đô thị xanh giúp giải quyết những vấn đề của đô thị, thúc đẩy các giải pháp tạo ra nhiều lợi ích về môi trường và xã hội bao gồm: Tăng cường khả năng hấp thụ khí thải của các thành phố, giúp giảm nhiệt độ đô thị một cách tự nhiên. Các giải pháp giao thông xanh giúp cắt giảm khí thải giảm ô nhiễm không khí, giảm tiếng ồn và các yếu tố gây căng thẳng; giúp cải thiện sức khỏe người dân và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng; cải thiện giá trị bất động sản.

Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhấn mạnh, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo các thành phố thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải vả khí thải, thúc đẩy việc tạo ra các không gian xanh, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải. Định hướng xây dựng đô thị xanh sẽ góp phần giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu ở mỗi giai đoạn trong tiến trình xây dựng và vận hành của mỗi khu đô thị, mỗi thành phố.

Theo các chuyên gia, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững không chỉ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn góp phần giảm sự lãng phí về tài nguyên, đồng thời góp phần vào định hướng tăng trưởng bền vững của đất nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top