Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội, ông Richard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa, Cyberview, Bang Cyberiaya, Malaysia chia sẻ những bài học kinh nghiệm về xây dựng Thành phố thông minh.
Bài học đầu tiên là việc tạo ra hệ thống giao thông kết nối và đảm bảo trong thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cần có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường thành phố đáng sống. Tại Cyberiaya, xây dựng công viên hồ điều hòa lớn phục vụ cho người làm việc sau 5h chiều đến thư giãn, ngoài ra xây dựng cơ sở hạ tầng khác dùng điện mặt trời, thu nước mưa, xây dựng khu thương mại phục vụ nhân dân…
Theo ông Rechard Ker: “Một trong những kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh có hệ sinh thái công nghệ. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Chính quyền thành phố cung cấp không gian làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, không phải trả chi phí thuê mặt bằng”.
Ngoài ra, chính quyền thành phố còn phối hợp với các cơ quan chính phủ, hình thành không gian làm việc chung (Co-working Space)... mời các nhà đầu tư trong nước và khu vực đến thành phố thuyết trình kế hoạch kinh doanh của họ. Đến nay, Cyberjaya đã giúp đỡ 430 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động. Đó cũng nằm trong ý tưởng phải phát triển được đội ngũ nhân tài, xây dựng trường đại học riêng đào tạo kỹ sư để có thể tuyển dụng sinh viên khi ra trường.
Chính quyền thành phố xác định, phải suy nghĩ, làm việc như những công ty khởi nghiệp, nghĩa là khi gặp các vấn đề gì, phải có tư duy như khởi nghệp có thể điều chỉnh, thực hiện công việc. Và đặc biệt luôn phải truyền thông tới công chúng những việc mình đang làm.
Còn theo ông Ram Bahadur Thapa, Giám đốc Ban Phát triển hạ tầng đô thị thành phố Kathmandu, Nepal: “Cho dù làm gì đi nữa thì chính quyền phải có những dịch vụ công cơ bản hiệu quả nhất cho người dân để cải thiện cuộc sống. Nepal ưu tiên áp dụng công nghệ để xây dựng dịch vụ công cho người dân, số hóa các thủ tục hành chính bằng cách hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực số. Ngoài ra, người dân Nepal không phải “high tech” nên chúng tôi phải giáo dục nhiều hơn tại các trường học phổ thông. Chính phủ cũng lựa chọn 10 thành phố để xây dựng thành phố thông minh”.
Đặc biệt, ông Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam lại cho rằng, đừng biến thành phố thông minh thành cái gì đó huyền bí, khó hiểu. Chúng ta cần nghĩ đơn giản rằng, phải có người dân thông minh thì mới có thành phố thông minh. Hơn nữa, quan trọng nhất, cần có sự minh bạch và cởi mở đối với tất cả mọi người. Chính quyền thành phố cần làm tốt việc đối thoại với người dân để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Ông chia sẻ: "Nhiều người trẻ ở Hà Nội thường bày tỏ lo lắng về sự không an toàn khi tham gia giao thông trên đường, cả đường thủy và đường hàng không, về an toàn thực phẩm. Với kinh nghiệm của Thụy Điển, những lo lắng trên có thể giải quyết được nếu xây dựng thành công chính phủ điện tử. Chúng tôi giáo dục trẻ em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường về tầm quan trọng của việc tham gia giữ gìn thành phố sạch".
Hiện, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Theo đó, lựa chọn phát triển đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của Hà Nội. Và những bài học từ các nước sẽ giúp các bộ ngành, chuyên gia, kiến trúc sư Việt Nam rút ra được đưa ra những giải pháp thích hợp nhất ứng dụng tại Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam./.