Aa

Phát triển đô thị và câu chuyện bản sắc: Nỗi ám ảnh của các KTS Việt Nam

Chủ Nhật, 11/08/2019 - 06:29

Trong quá trình hội nhập và phát triển của đô thị, câu chuyện bản sắc càng trở nên quan trọng, đến mức sống còn. Đó là chuyện không của riêng ai, nhất là đối với những người “thợ vẽ” của đô thị.

Tọa đàm Bản sắc đô thị Hà Nội, một cái nhìn qua không gian Hồ Tây, do AGOhub phối hợp với Viện nghiên cứu định cư và phát triển bền vững tổ chức với sự tham gia của các kiến trúc sư và nhà nghiên cứu xã hội học đã đặt ra và bàn luận một cách sâu sắc về câu chuyện bản sắc trong quá trình đô thị hóa, lấy điểm nhìn từ sự thay đổi của không gian Hồ Tây.

Tại tòa đàm, TS. KTS Lê Phước Anh nhấn mạnh, câu chuyện bản sắc đã trở thành nỗi ám ảnh của các KTS Việt Nam trong quá trình tạo nên các bản vẽ. Bởi theo ông, bản sắc là thứ luôn tồn tại, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những bản sắc đó có giống với mong muốn của chúng ta hay không?

Hồ nước là một phần quan trọng tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội.

Đi tìm bản sắc hay tạo ra bản sắc?

TS. KTS Lê Phước Anh đã đề cập đến bản sắc Hà Nội thông qua một cảnh quan đặc biệt. Đó là Hồ Tây, một vùng đất của thiên nhiên và lịch sử, vốn vẫn là khu vực ngoại ô cách đây chưa lâu nhưng nay đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa ồ ạt để trở thành trung tâm mới của Thủ đô.


TS.KTS Lê Phước Anh.

Theo KTS Lê Phước Anh, Hà Nội là một thành phố không thể tách rời khỏi không gian mặt nước và Hồ Tây là một điểm nhấn đặc trưng trong kiến trúc cảnh quan, vốn làm nên bản sắc của đô thị Hà Nội. Sự thay đổi trong cấu trúc tự nhiên của Hồ Tây qua từng thời kỳ đã cho thấy sự biến thiên của yếu tố bản sắc, và rồi, thay vì tạo ra bản sắc, chúng ta lại đang phải đi tìm nó:

“Hồ Tây của trước đây có 16 làng bao quanh, những đường làng, ngõ nhỏ đã tạo nên không gian đặc trưng của đô thị lúc bấy giờ. Tuy nhiên, các mặt đứng của làng đã thay đổi khi có những cư dân mới đến. Người ta bán đất, các công trình được xây lên và lấy mất những gì thuộc về quá khứ, làm thay đổi những đặc trưng vốn có. Yếu tố duy nhất thuộc về quá khứ chỉ còn là các đình chùa.

Các khu đô thị mới mọc lên sau thời mở cửa, tham gia vào bản sắc của Hồ Tây, của Hà Nội hiện tại nhưng chưa chắc đã là bản sắc chúng ta mong muốn. Phần lớn đều đưa các thiết kế từ bên ngoài vào mà không quan tâm đến đặc trưng của cảnh quan. Nhiều dự án thể hiện hồ Tây như một đòn bẩy để tôn lên vẻ đẹp và giá trị của dự án chứ không thể hiện sự hài hòa trong cùng một cảnh quan”.

KTS Lê Phước Anh cho rằng, xây dựng các khu đô thị mới phải kế thừa từ những bản sắc đã có, để không gian Hồ Tây vẫn là một không gian công cộng dành cho tất cả mọi người. “Còn các khu đô thị mới ở gần Hồ Tây, phần lớn chỉ dành cho người giàu, được ngăn cách bằng những rào chắn barie, không tham gia vào quá trình tạo thành bản sắc. Tất cả đang tạo ra sự mâu thuẫn về mặt hình thức, các khu đô thị hiện đại, hoành tráng mọc lên bên cạnh những ngôi làng cũ. Và tất nhiên, người dân Hồ Tây cũ sẽ không thích không gian của những khu đô thị này, vì nó quá khác biệt với mong muốn của họ.

“Hồ Tây trong tiềm thức vẫn luôn luôn được mong muốn như một nơi thiên về sự thanh tịnh, là nơi để người ta nghĩ nhiều về quá khứ chứ không phải đại diện cho sự phát triển, mang tính âm hơn là dương. Do đó, sự ồn ào hiện có không thể tạo thành bản sắc của Hồ Tây dù nó có thể là một nét đặc trưng mới hình thành”, KTS Lê Phước Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững) cũng cho rằng: “ Bản sắc của đô thị vốn xuất thân từ một vùng tự nhiên nay đã trở thành một mớ lộn xộn. Thành phố Hà Nội đã có khả năng tạo ra bản sắc đặc trưng không thể lẫn lộn nhưng từ những sự biến đổi không kiểm soát, dẫn đến mất đi một đô thị tình cảm, gắn với người dân, trở thành một đô thị nửa vời, nửa Đông nửa Tây”.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, bản sắc của đô thị Hà Nội là một quá trình xây đắp, nhưng có một số thời điểm bản sắc được thể hiện rất rõ làm nên hoài vọng về một thành phố bên sông. Hồ Tây là điểm nhấn tạo nên một cảnh quan chính của đô thị này.

“Khi càng hội nhập câu chuyện bản sắc càng trở nên quan trọng, tới mức sống còn. Nhìn Hồ Tây một cách tỉ mỉ, có thấy thấy bề dày bản sắc được xây dựng rất bền bỉ. Nhưng bản sắc đô thị vốn phải được nhìn nhận qua hoạt động của con người. Làm sao chúng ta giữ được những bản sắc đã trở thành dấu ấn, làm nên một Hà Nội lộng lẫy như cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chúng ta có thể làm mới bản sắc vào đô thị đương đại hay không và làm sao để lôi kéo người dân vào câu chuyện tạo nên và giữ gìn bản sắc”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục trăn trở.


PGS.TS Nguyễn Hồng Thục

Quy hoạch đô thị Hà Nội - tương lai khó định dạng

Đề cập đến nỗi đau từ câu chuyện đô thị hóa, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục dẫn lời của KTS Mateo rằng, bản chất của thời kỳ phát triển đa dạng mang đậm tính tự phát và nhiều mâu thuẫn, nghịch lý đã dẫn đến các hình thái hiện nay, buộc Hà Nội từ một đô thị bản sắc trở thành một “bon sai”, “trăm hoa đua nở - hỗn loạn”, phi danh tính, phi định dạng trong tương lai, đánh mất văn hóa thanh lịch và con người đô thị:

“Hồ Tây cũng đang dần như vậy. Tổ hợp các khu đô thị mới sẽ là một bài học đô thị đắt giá trong câu chuyện bản sắc. Rất khó để định dạng bản sắc ở những nơi chúng ta đang mở rộng. Việc thay đổi cái cũ là bình thường. Con người thay đổi thì bản sắc cũng thay đổi, vấn đề là phải ứng xử với thay đổi đó như thế nào. Ở đây có sự xung đột của con người tự nhiên, con người xã hội và con người quy hoạch”

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh, các thành phần kinh tế đua chen trong phát triển nhà ở cao tầng, xen cấy vào thành phố mẹ trong đó phải kể đến sự tham gia tự phát của các tầng lớp dân cư và nhà chia lô: “Điều này đã và đang phá hỏng một số lớn cấu trúc không gian và cảnh quan tự nhiên - vốn là hồn cốt của đô thị được hình thành từ hàng trăm năm. Lướt qua thành phố ngổn ngang hiện nay có thể thấy nhiều những đứt gãy không gian, sự xâm nhập thô bạo, sự cưỡng chiếm nhiều ác tâm khiến sông hồ bị lấp, cống hóa làm biến dạng diện mạo và cấu trúc đô thị. Nỗi đau đô thị hóa đang diễn ra, khiến Hà Nội có thể đánh mất bản thân nó”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, bộ mặt của thành phố hiện do các tập đoàn thực hiện chứ không phải người dân. Vậy làm sao để người dân có chỗ trong câu chuyện tạo ra bản sắc? Bản sắc đô thị, đó là câu chuyện của cả cộng đồng dân cư, cảm nhận của người dân rất quan trọng trong việc hình thành bản sắc của đô thị.

“Bản sắc có tình người trong đó, bản sắc là con người ở trong kiến trúc. Khi đã đánh mất thì khó có thể tìm thấy. Cho nên vẫn còn sự day dứt, suy tư khi nhìn vào bức tranh quy hoạch chung của Hà Nội, một tương lai khó định dạng. Câu chuyện bản sắc, liệu có phải là chuyện của riêng ai”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nêu vấn đề.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top