Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 02/10/2023 - 06:06

Những chiến lược phát triển sản phẩm du lịch bài bản với tư duy đột phá tại các khu vực cần bảo tồn như vườn quốc gia, rừng nguyên sinh… đang cần nhiều hơn sự đồng thuận để “rừng vàng” của nước ta thực sự tạo ra vàng, giá trị của tài nguyên thiên nhiên được khai phá.

Suy cho cùng, then chốt của việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường phải là phát triển bền vững thay vì “đóng cửa” để “bất khả xâm phạm”.

-----------------------------------------------------------

“Vì sao nói gần đây đi du lịch Phú Quốc không hấp dẫn? Tôi đề xuất các ngành sớm đẩy nhanh thực hiện cho thuê môi trường rừng. Đây là mô hình hấp dẫn, tránh tình trạng tự phát, khó quản lý", Bí thư Thành ủy TP. Phú Quốc Tống Phước Trường nêu đề xuất tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, ngày 29/9. Lãnh đạo Phú Quốc mong muốn việc cho thuê môi trường rừng được đẩy mạnh nhằm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Không chỉ Phú Quốc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đang rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch rừng, cho thuê môi trường rừng. Mới đây nhất, ngày 24/9, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết địa phương này đã lập các đề án kêu gọi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng bằng hình thức cho thuê môi trường rừng. Các đề án có mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học của rừng tại Ninh Thuận. Với lợi thế về diện tích và sự đa dạng của rừng, các sản phẩm du lịch sẽ được phát triển như sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khám phá thiên nhiên… được bố trí dưới tán rừng, trên cây, trên các lòng hồ. Bên cạnh đó, xây dựng các khu dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện.

Trước đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và cho thuê rừng, thực hiện dự án nghỉ dưỡng tại phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Núi Chúa và thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa trên cơ sở hạn chế tối đa những ảnh hưởng, tác động tiêu cực gắn với bảo tồn, phát huy môi trường rừng, môi trường biển, đảm bảo tuân thủ đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: “…phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng các đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định, việc xây dựng các đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng là cần thiết, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, nguồn lực con người trong vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh, góp phần khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Nêu một số dẫn chứng trên để thấy rằng, hiện nay, nhiều địa phương đang có quyết tâm rất lớn trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch, dù mới manh nha hay mạnh mẽ ở những khu vực cần giữ gìn, bảo vệ như biển, rừng hay vùng di sản… từ trước đến nay vẫn gặp phải sự cản trở lớn từ dư luận. Tư duy cần bảo tồn tuyệt đối để tránh đụng chạm đến thiên nhiên, di sản… vẫn đang bám víu rất lớn, trở thành lực cản khiến du lịch Việt Nam dù có thế mạnh về tài nguyên nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch đẳng cấp để vươn tầm. Thời gian qua, động thái quyết liệt của nhiều địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án nghỉ dưỡng đã cho thấy sự bứt phá về mặt tư duy phát triển, tuy nhiên, có lẽ vẫn còn cần nỗ lực rất lớn để vừa tạo ra hiệu quả và nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng.

Lo ngại môi trường tan hoang vì những dự án mang danh “du lịch nghỉ dưỡng” cũng không phải là không có cơ sở. Vậy đâu là điểm mấu chốt để vừa có thể khai thác du lịch, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên?

Cách đây 6 năm, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) có thực hiện chuyên đề: Câu chuyện bảo tồn và phát triển trong bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Qua tham vấn ý kiến, chúng tôi đi đến một nhận định được đại đa số chuyên gia, nhà khoa học thống nhất rằng: “Chúng ta có thể phát triển nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên”. Tiếp tục câu chuyện này, Reatimes thực hiện chuyên đề: Tư duy phát triển du lịch trong các khu vực cần bảo tồn. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 1.

Hiện nay, cả nước đã xác lập được 167 khu rừng đặc dụng; trong đó có 34 vườn quốc gia, 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 9 đơn vị khoa học...

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với diện tích rừng trên 14,7 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ rừng 42,2%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động vật, thực vật hoang dã. Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi cho con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp như: Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp…

Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan hùng vỹ, gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh và bảo vệ môi trường, hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam còn có tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái rừng, nhất là phát triển du lịch sinh thái.

Rừng cũng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Theo ông John Kiely Beebe Harris, Phó trưởng Phòng Môi trường, biến đổi khí hậu, USAID tại Việt Nam, phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam rất quan trọng, không những đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương mà còn là mấu chốt để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa, bảo vệ tương lai.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 2.
Tư duy cần bảo tồn tuyệt đối để tránh đụng chạm đến thiên nhiên, di sản… vẫn đang bám víu rất lớn, trở thành lực cản khiến du lịch Việt Nam dù có thế mạnh về tài nguyên nhưng lại thiếu đi những sản phẩm du lịch đẳng cấp để vươn tầm. Ảnh: Vườn Quốc gia Núi Chúa. Huỳnh Văn Truyền. 

Các khu rừng, vườn quốc gia... hiện đang là nơi tổ chức các hoạt động du lịch, điểm đến thăm quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi ngắm cảnh, quan sát động thực vật hoang dã. Song, rất ít địa phương có những sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với tài nguyên rừng, do đó, giá trị tài nguyên rừng chưa được phát huy dù thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng là nguồn quan trọng cho giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp và du lịch.

Các chuyên gia đánh giá, môi trường rừng, cảnh quan sinh thái rừng là tài nguyên hấp dẫn cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Không chỉ đơn thuần tham quan, trải nghiệm, nhu cầu nghỉ dưỡng trong rừng cũng đang ngày càng gia tăng ở cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, sự loay hoay trong việc cân bằng giữa nhu cầu thực tế, khai thác tiềm năng kinh tế với việc bảo tồn di sản thiên nhiên đã khiến giá trị rừng chưa được khai phá, trong khi đó, ở nhiều nơi, mục tiêu bảo vệ tài nguyên rừng lại không được thực hiện trọn vẹn. Tình trạng lâm tặc cưa xẻ gỗ quý, hay việc phát triển các mô hình du lịch sinh thái tự phát đã ảnh hưởng rất lớn tới môi trường rừng.

Như vậy, sự lúng túng trong giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn đã khiến việc phát triển du lịch, phát huy giá trị rừng còn manh mún, việc bảo tồn cũng dở dang. Sống bên “rừng vàng” nhưng đa phần người dân vẫn đau đáu nỗi lo sinh kế, chưa thể thoát nghèo.

“Nếu quản lý tốt, rừng chính là lợi thế của Việt Nam. Du lịch, dịch vụ sẽ trở thành thế mạnh của kinh tế, đây là động lực, tiền đề để hy vọng rừng phát triển tốt hơn, nhiều rừng hơn, đa dạng sinh học hơn”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng khẳng định.

Theo các chuyên gia, thay vì biến bảo tồn và phát triển trở thành 2 mặt đối lập thì cần một chiến lược bài bản và chuyên nghiệp hơn để cặp phạm trù này trở thành mối quan hệ tương sinh. Đó cũng chính là sự phát triển bền vững.

“Làm du lịch, Việt Nam cần định hướng rõ từ đầu là hướng đến du lịch đẳng cấp để việc hưởng thụ và trả tiền cho việc hưởng thụ đó sòng phẳng, bù lại đúng mức sự hao phí tài nguyên, giữ được nền tảng cho sự phát triển trong tương lai", PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 3.

Trước đây, khi câu chuyện bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà được bàn luận sôi nổi, KTS. Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng: Để “báu vật” này trở thành lợi thế cho TP. Đà Nẵng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội thì việc cấp phép đầu tư cho các dự án làm du lịch là cần thiết. Nhất là đối với các dự án du lịch sinh thái thì cần được khuyến khích và ưu đãi. Còn với những dự án xâm hại thô bạo đến thiên nhiên, môi trường thì không thể chấp nhận. 

Trên thực tế, chỉ có phát triển du lịch đẳng cấp, chất lượng cao mới có thể hiện thực hóa mục tiêu kinh tế mũi nhọn của ngành du lịch, đồng thời đưa ngành du lịch vươn tầm. Và cũng chỉ khi triển khai những dự án nghỉ dưỡng, trải nghiệm cao cấp nương theo lợi thế của tự nhiên mới có thể đưa các địa phương có rừng trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế, chất lượng cao. Nếu chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, rất khó để Việt Nam có những điểm đến lọt tầm mắt của cộng đồng quốc tế. Phát triển bài bản và bền vững, dựa trên sự tôn trọng thiên nhiên, di sản chính là bản lề tốt nhất cho việc bảo tồn giá trị di sản, đồng thời tạo ra những giá trị đỉnh cao mới.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 4.

Từ thế kỷ trước, người Pháp đã phát hiện ra giá trị kỳ quan tuyệt đẹp của những khu rừng nguyên sinh tại Việt Nam. Những khu nghỉ dưỡng kiểu Pháp nằm ẩn mình giữa núi rừng tại SaPa, Mẫu Sơn, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà… là bằng chứng thực tế về sự lựa chọn vị trí, hoạch định cấu trúc, tạo diện mạo kiến trúc bản địa, sử dụng vật liệu địa phương cũng như thái độ tôn trọng và cách ứng xử phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường tự nhiên vốn có.

Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của khu nghỉ dưỡng nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên tại Ba Vì. Ông thầm khen tầm nhìn của người Pháp từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX đã sớm phát hiện ra khu rừng đặc biệt này và họ đã biến nơi này thành khu du lịch cho các sĩ quan thực dân hưởng thụ với sự đầu tư xây dựng khoảng 300 biệt thự lớn bé (theo địa chính thời thuộc Pháp ghi lại).

“Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên. Chính người Pháp khi xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì, trong tất cả các văn bản liên quan đã nhấn mạnh việc bảo tồn rừng, nghiêm cấm chặt phá cây, săn bắn, phá huỷ môi trường; phải coi thiên nhiên là “đặc sản”. Không có sự tùy hứng nào về ý tưởng thiết kế được phép tồn tại ở đây”,  Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 5.
Một góc khu nghỉ dưỡng người Pháp đã tạo dựng từ thế kỷ XX trên đỉnh thiêng Ba Vì. 

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, người Pháp đã khảo sát và nghiên cứu đầy đủ yếu tố địa lý, cảnh quan, địa hình tại các địa điểm có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp với khả năng xây dựng tuyến đường kết nối các khu vực để có một quy hoạch phù hợp nhất với Ba Vì, nơi có cảnh quan hùng vỹ. Họ đã quyết định xây dựng các khu nghỉ ở các cao độ khác nhau với các quy mô khác nhau, có chức năng phù hợp với quy mô ở từng địa điểm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhận định, nếu người Pháp không khai phá thì có lẽ Ba Vì vẫn chỉ là một khu rừng rậm và thậm chí nếu không quản lý tốt sẽ mất đi như một vài chỗ khác. “Khi chúng tôi nghiên cứu về mặt lưu trú thì họ quy hoạch rất chặt để đảm bảo việc đáp ứng thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng mà không phá hoại cảnh quan. Chúng ta cần rút ra nhiều bài học trong vấn đề này”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói và nhìn nhận nếu đóng cửa kín như một khu rừng cấm không cho ai vào thì thiên nhiên sẽ phát triển tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên nào cũng tích cực, thậm chí rừng cấm lại là yếu tố dễ tàn phá nhất. “Nếu con người can thiệp khoa học, bài bản, có luật pháp sẽ làm tăng thêm giá trị của khu rừng và đồng thời bảo tồn một cách bền vững, khi con người có ý thức bảo vệ, chăm sóc, thậm chí tôn tạo”.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng đã định hình một tư duy, đường hướng phát triển mới trong câu chuyện bảo tồn và phát triển thiên nhiên, di sản. Đó là tư duy chỉ có phát triển chuyên nghiệp, bài bản trên cơ sở ứng xử hài hòa, nương theo tự nhiên và bản địa mới tạo ra giải pháp cho bảo tồn. Từ đó, hình thành những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới và được đánh giá cao về yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường.

Đơn cử như InterContinental Danang Sun Peninsula là khu nghỉ dưỡng hiếm hoi ở Việt Nam đã trở thành “Khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á”, "Top 4 khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới”, và đặc biệt là “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới” tại World Travel Awards (WTA) 2018.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 6.
Việt Nam đã có những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới và được đánh giá cao về yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường

Năm 2021, hãng tin Euronews đã lựa chọn danh sách 11 khu nghỉ dưỡng sinh thái bền vững hàng đầu thế giới,  trong đó khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa cũng nằm trong danh sách này. Khu nghỉ dưỡng là một “thiên đường sinh thái biệt lập”, có các dự án bảo tồn đang được thực hiện và có cả các khu trang trại nông sản địa phương. Du khách được lặn biển bằng bình dưỡng khí, khám phá thiên nhiên trong rừng và đây cũng là nơi để tận hưởng các liệu pháp spa nhẹ nhàng và các bài tập yoga.

Các khu nghỉ dưỡng nói trên và rất nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới đều có đặc điểm chung là tận dụng tối đa không gian tự nhiên sẵn có, hạn chế tác động tới môi trường và thực hiện các dự án bảo tồn thiên nhiên, giáo dục cộng đồng và du khách về môi trường tự nhiên.

Với cách thức tiếp cận khéo léo và tinh tế giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, thể hiện sự khiêm nhường với những gì vốn có, đặc biệt là về khía cạnh ứng xử với cảnh quan, nhiều dự án lựa chọn hình thức kiến trúc xây dựng "ẩn vào trong không gian rừng"; đầu tư xây dựng tại khu vực vùng lõm với mật độ rất thấp, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên; mở các tuyến đường nhỏ thân thiện môi trường, hạn chế các trục giao thông cơ giới… Các chủ đầu tư đã nhận thức được rằng, chỉ có tôn trọng thiên nhiên, bảo vậy từng gốc cây, từng loài động vật hoang dã… mới chính là con đường để tạo ra giá trị dài hạn, phát triển bền vững. Chính cảnh quan, thiên nhiên, môi trường rừng là tài sản đáng quý nhất, tạo ra nhiều giá trị nhất cho các khu nghỉ dưỡng.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 7.
Chính cảnh quan, thiên nhiên, môi trường rừng là tài sản đáng quý nhất tạo ra nhiều giá trị nhất cho các khu nghỉ dưỡng.

Hành trình phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái bền vững tại Việt Nam đang tiếp tục được nối dài, khi có nhiều hơn các chủ đầu tư tham gia, cùng với đó là sự dẫn dắt của chính quyền địa phương sở tại với tư duy đổi mới trong việc cho thuê môi trường rừng, chuyển đổi mục đích đất rừng nghèo kiệt sang mục đích xây dựng các khu sinh thái, nghỉ dưỡng, khai thác hợp lý lợi thế về cảnh quan, thân thiện và tôn trọng hiện trạng môi trường, đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, cung cấp những dịch vụ du lịch chất lượng cao, có bản sắc riêng, hướng tới sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.

Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ đóng vai trò là động lực và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là ngành dịch vụ, tạo nguồn thu lớn không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho dân cư trong vùng.

Theo các chuyên gia, việc chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái là một trong các chiến lược quan trọng trong quá trình dịch chuyển của ngành kinh tế không khói: Chuyển từ triết lý du lịch dựa trên lượt người sang định hướng tăng tỷ lệ phân khúc cao cấp, vừa giảm thiểu lượng người và tác động môi trường, vừa tăng doanh thu dựa trên chi tiêu cao trên đầu người.

Tuy nhiên, việc phát triển khu nghỉ dưỡng ở những khu vực cần bảo tồn không phải là “cuộc chơi” của tất cả các doanh nghiệp mà chỉ dành cho các chủ đầu tư có tâm, có tầm, có năng lực, tri thức và trách nhiệm. Họ hiểu rằng, bảo vệ di sản, bảo vệ cảnh quan môi trường chính là bảo vệ quyền lợi của họ.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 8.

Rõ ràng, thay vì để người dân đói khổ, trở thành lâm tặc phá rừng, sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, tạo ra giá trị mới cho điểm đến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn khi vấp phải nhiều tranh cãi bởi giữa phát triển để bảo tồn hay phát triển để tận thu là một ranh giới rất mong manh.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, trong công tác bảo vệ rừng, sẽ có những lúc phải chặt cây để tạo đường băng chống lửa, chống cháy rừng. Hay có những vùng bảo vệ nghiêm ngặt cũng phải chặt tỉa thưa để các cây con phát triển. Do đó, không phải cứ nói làm sản phẩm du lịch, chặt cây, chặt rừng là phá hoại thiên nhiên. Cần đặt trong tổng thể lợi ích phát triển để có cái nhìn công tâm về một dự án.

Muốn phát triển phải đánh đổi. Cứ đụng tới môi trường là bị phản ứng thì rất khó, như làm đường sắt xuyên Việt, nếu không phá đủ cây rừng làm sao thành dự án? Muốn phát triển mạnh phải đánh đổi mạnh, có điều, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý ở giai đoạn đó phụ thuộc vào lợi ích tổng thể và dài hạn. Phát triển du lịch phải theo hướng khác biệt, đặc sắc nếu không, du khách sẽ đến Thái Lan, Trung Quốc, thay vì Việt Nam”, PGS. TS. Trần Đình Thiên khẳng định.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 9.

TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cũng nhìn nhận, du lịch Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phải trở thành mũi nhọn. Nhưng hiện nay, một trong những điểm nghẽn liên quan đến sự phát triển bền vững.

“Quan điểm về phát triển bền vững nếu không rõ ràng sẽ trở thành nút thắt rất lớn, và thực tế gần đây đang nóng lên từ chuyện ở Bà Nà, Tam Đảo, vịnh Hạ Long, bán đảo Sơn Trà hay các dự án du lịch tâm linh… Bởi mọi người đều đồng thuận phải phát triển bền vững, nhưng cụ thể ra sao thì không có tiêu chí, không có cơ sở nên chuyện tranh luận giữa bảo tồn tuyệt đối hay phát triển mà không quan tâm tới môi trường diễn ra căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch”, TS. Lương Hoài Nam nói và đề xuất, “Nhà nước cần sớm ban hành những bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, chỉ tiêu để áp vào từng dự án du lịch xem có phù hợp hay không? Từ đó ủng hộ hay phản đối, còn nếu tranh luận thì sẽ vô cùng và không rõ ràng. Như ở các quốc gia, liên quan đến phát triển bền vững, cái gì đụng đến văn hoá, tài nguyên là phải hết sức rõ ràng, càng minh bạch càng tốt".

Cũng theo TS. Lương Hoài Nam, phát triển kinh tế theo kiểu tàn phá môi trường thiên nhiên là một thái cực cần chống, nhưng bảo tồn thiên nhiên đến mức không được đụng đến thiên nhiên (núi non, cây cối) cũng là một thái cực cần tránh. Phát triển bền vững là vẫn phát triển, nhưng ở những nơi và theo cách gây ảnh hưởng tối thiểu, ở mức độ chấp nhận được theo các cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật chứ không phải dựa vào cảm xúc, không phải tuyệt đối không làm gì.

PGS. TS. Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ với báo chí, hiện Luật Lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ về việc phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, đặc biệt là các vườn quốc gia. Chính sách hướng tới là làm sao phát triển được du lịch sinh thái để tăng nguồn thu, đồng thời tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư sống gần vườn quốc gia, rừng đặc dụng có được việc làm, tạo sinh kế cho người dân thông qua những hoạt động du lịch. Cũng thông qua giảm sức ép của người dân về sinh kế sẽ tránh được việc hệ sinh thái của rừng bị xâm lấn, gây hại.

Hiện các khu rừng đặc dụng, Vườn Quốc gia được chia làm 3 phân khu: Khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, khu dịch vụ - hành chính. Hệ thống pháp luật lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ đối với các công trình phục vụ nghỉ dưỡng chỉ được phép xây dựng ở khu dịch vụ - hành chính và có quy hoạch. Đối với khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái thì không được phép xây dựng nhà, chỉ được mở tuyến đường mòn, có thể được phép xây dựng cáp treo cao không quá 12m, và cũng chỉ xây dựng ở những diện tích không có rừng hoặc không có khả năng phục hồi rừng.

Để phát triển du lịch sinh thái ở mỗi Vườn Quốc gia đều phải được các cấp chính quyền phê duyệt đề án, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có chịu sự giám sát của chính quyền các địa phương. “Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng nếu được quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo tiền đề cho phát triển và sẽ không có tác động lớn đến tài nguyên rừng, đặc biệt sinh cảnh hệ động, thực vật”, ông Bảo khẳng định.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 10.

Trên thực tế, một dự án nghỉ dưỡng thuê môi trường rừng và có chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đều phải tuân thủ thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tuân thủ pháp luật về du lịch, pháp luật về đầu tư; phù hợp với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia (quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, phải có đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công. Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên.

Như vậy, hiệu quả của việc cân bằng yếu tố phát triển và bảo tồn trong việc khai thác tài nguyên rừng làm du lịch, phát huy giá trị đa dụng của rừng còn phụ thuộc lớn vào năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp do thiếu hiểu biết hoặc do tư duy “ăn xổi” nên đã ứng xử không đúng, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn thương cho thiên nhiên, tạo ra tâm lý lo sợ phát triển dự án sẽ tàn phá thiên nhiên trong cộng đồng. Điều này cũng cho thấy sự thiếu vắng trách nhiệm của chính quyền trong việc cấp phép và quản lý.

Sự can thiệp bài bản và khoa học sẽ làm tăng giá trị của thiên nhiên, di sản, đồng thời giúp bảo tồn một cách bền vững. Ngược lại, bất kỳ một sai lầm, thờ ơ, phó mặc trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ngày hôm nay, có thể sẽ gây hậu quả lớn. Khi cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương vẫn còn thể hiện sự yếu kém trong quản lý thì "cuộc chơi" dường như phụ thuộc hoàn toàn vào sự "dẫn dắt" của các doanh nghiệp có tư duy phát triển bền vững. Họ buộc phải vượt qua được nỗi lo của dư luận về sự phát triển sẽ tàn phá thiên nhiên, cảnh quan để chứng minh được hiệu quả, và tư duy phát triển để bảo tồn là đúng đắn, từ đó xoa dịu sự lo ngại của cộng đồng.

“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đã nhấn mạnh quan điểm: (i) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

(ii) Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

(iii) Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó cũng là cơ sở để đảm bảo đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu vẫn giữ nguyên tư duy bảo tồn là "đóng cửa để đó", manh mún và tạm bợ thì Việt Nam thật khó có được những sản phẩm du lịch đẳng cấp thế giới. Giải quyết bài toán này vẫn là câu chuyện cần có sự chung tay giữa chính quyền, nhà quy hoạch, doanh nghiệp và cả người dân, làm sao để các dự án du lịch nghỉ dưỡng phát huy được hiệu quả, tiềm năng và giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến môi trường. Phát triển bền vững là yếu tố bắt buộc phải nghĩ đến thay vì chỉ chú trọng lợi ích trước mắt, phát triển chộp giật, thiếu kiểm soát./.

Phát triển du lịch sinh thái là mấu chốt để bảo vệ rừng, giữ rừng cho tương lai- Ảnh 11.
 Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh - Vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Nguyễn Văn Quang

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), "Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, cũng như người dân bản địa. Đồng thời cũng quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường của con người, trong khi đó vẫn duy trì sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”.

Thiên nhiên còn bao chứa, duy trì và cung cấp cho chúng ta các cảnh quan sinh thái đặc trưng/loại tài nguyên du lịch hấp dẫn không bao giờ cạn kiệt nên chúng ta phải biết trân trọng bảo vệ thiên nhiên và sáng tạo được các loại hình dịch vụ văn hóa phù hợp thì sẽ luôn có được các sản phẩm du lịch hấp dẫn có thể bán nhiều lần, cho nhiều người, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng đồng v.v… Và hiển nhiên là, nếu biết làm du lịch bền vững, chúng ta có thể tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại phúc lợi xã hội - sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương đang sinh sống cận kề các điểm đến du lịch.

Từ đó suy ra, con người/xã hội loài người chỉ là một bộ phận hữu cơ và phụ thuộc vào tự nhiên/“Bà mẹ thiên nhiên”. Và chúng ta không có quyền nhân danh phát triển, kể cả phát triển du lịch hay bất cứ lý do nào mà thiếu sự tôn trọng thiên nhiên hay làm phương hại đến sự toàn vẹn và trong lành của môi trường thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn đạo đức - văn hóa môi trường để đảm bảo nguyên tắc cộng sinh, sống thuận theo tự nhiên, cùng tồn tại và phát triển gắn với thiên nhiên.

 PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top