Aa

Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Cần khung pháp lý đủ mạnh để tạo đột phá

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Bảy, 12/07/2025 - 06:22

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh và thực hiện các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang trở thành một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn vướng nhiều rào cản, trong đó khung pháp lý chưa hoàn chỉnh là một trong những lực cản lớn nhất.

Những bước đi đầu tiên và khoảng trống pháp lý

Tại Hội thảo khoa học "Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam - tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: "Việc xây dựng KCN xanh, KCN sinh thái và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái đã trở thành nhu cầu cấp thiết để thích ứng với bối cảnh phát triển mới". Theo ông, trong khi nhiều quốc gia đã định hình rõ chiến lược phát triển công nghiệp sinh thái, thì ở Việt Nam, hệ thống chính sách, pháp luật cho mô hình này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Cần khung pháp lý đủ mạnh để tạo đột phá- Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. (Ảnh: Thảo Bùi)

Tại Việt Nam, kể từ năm 1992 khi KCN Nomura được xây dựng - KCN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (1987). Giai đoạn 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) triển khai hỗ trợ 04 KCN thí điểm chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Hòa Khánh và KCN Trà Nóc 1, 2. Từ năm 2020 - 2024, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với UNIDO dưới sự tài trợ của Thụy Sĩ để nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại 03 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê đến quý I/2025, cả nước có 433 KCN đang hoạt động với diện tích đất tự nhiên lên tới gần 130.000ha. Dự báo đến năm 2030, diện tích đất phát triển KCN sẽ đạt hơn 210.000ha. "Đây là dư địa rất lớn để lồng ghép định hướng phát triển sinh thái vào quy hoạch các khu công nghiệp trong tương lai", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi vẫn đang diễn ra rất chậm. Theo Bộ Công Thương, đến tháng 5/2024, chỉ khoảng 1-2% trong tổng số hơn 400 KCN thực hiện chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Một trong những nguyên nhân chủ yếu, theo PGS.TS Hùng, là do "khung pháp lý chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng và chưa đủ mạnh để thúc đẩy hành động trên thực tế".

Đã có nền tảng, nhưng chưa đủ để bật lên

Về chính sách, Nghị định 82/2018/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã bước đầu xác lập khái niệm, tiêu chí, điều kiện và cơ chế ưu đãi đối với các KCN sinh thái. Đặc biệt, Nghị định 35/2022 làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bổ sung quy định về xây dựng nhà ở cho công nhân, dịch vụ tiện ích trong KCN và khuyến khích hợp tác công – tư để phát triển mô hình sinh thái.

Mới đây, Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT cũng được ban hành, trong đó quy định rõ về "Báo cáo theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái".

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Hùng, "Hiện tại, khung pháp lý về KCN sinh thái chủ yếu nằm trong các văn bản dưới luật, chưa có luật riêng biệt về KCN để tạo hành lang pháp lý vững chắc, gây ra sự thiếu nhất quán và chưa đủ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái".

Đáng nói hơn, các nội dung liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo, nước tái chế, điện mặt trời áp mái trong KCN… vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến doanh nghiệp lúng túng trong triển khai.

Không ít nhà đầu tư cũng chia sẻ những lo ngại tương tự: chuyển đổi sang mô hình sinh thái thì được gì, thủ tục ra sao, ưu đãi như thế nào? Những câu hỏi đó chưa được trả lời rõ ràng trong các quy định hiện hành.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Cần khung pháp lý đủ mạnh để tạo đột phá- Ảnh 2.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: "Hiện tại, khung pháp lý về KCN sinh thái chủ yếu nằm trong các văn bản dưới luật, chưa có luật riêng biệt về KCN để tạo hành lang pháp lý vững chắc, gây ra sự thiếu nhất quán và chưa đủ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái". (Ảnh minh hoạ)

Nhiều động lực

Giai đoạn 2024 - 2028, Chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết hỗ trợ 3,6 triệu USD cho Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam". Dự án sẽ tiếp tục được triển khai tại các địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP.HCM và Long An.

Song song, Bộ KH&ĐT cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương. 

"KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Như vậy, KCN sinh thái là xu hướng tất yếu nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm và Nhà nước cũng cần có hướng dẫn cụ thể và có cơ chế ưu đãi rõ ràng", PGS.TS Hùng nhận định.

Cần khung pháp lý riêng cho KCN sinh thái

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam cần sớm xây dựng Luật KCN riêng, trong đó thiết lập một khung pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ cho cả hai loại hình: KCN truyền thống chuyển đổi và KCN sinh thái thành lập mới.

Theo ông, một khung pháp lý hiệu quả cần đảm bảo 4 mục tiêu:

Tuân thủ pháp luật, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng quy định;

Bảo vệ quyền lợi, đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên;

Ổn định trật tự, điều chỉnh hoạt động kinh tế một cách có kỷ cương;

Cạnh tranh công bằng, tạo sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể tham gia.

Khung pháp lý cũng cần phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp quản lý, đơn giản hóa thủ tục, và định hướng rõ về quy hoạch, đầu tư, cộng sinh công nghiệp, sử dụng tài nguyên và tiêu chuẩn môi trường.

Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam không chỉ là một xu hướng phù hợp với thời đại, mà còn là cơ hội chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo PGS.TS Hùng: "Việt Nam có cơ hội lớn để khẳng định vị thế trong dòng chảy đầu tư toàn cầu nếu biết đón đầu xu hướng và đầu tư đúng hướng. Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam không chỉ là xu hướng mà còn điều kiện tiên quyết, là cơ hội chiến lược cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư trong bối cảnh yêu cầu toàn cầu về phát triển bền vững ngày càng gia tăng".

Dù còn nhiều thách thức về chi phí, công nghệ, quy mô và pháp lý, tiềm năng kinh tế - xã hội và môi trường, nhưng với sự hỗ trợ từ chính phủ, các tổ chức quốc tế, KCN sinh thái có thể trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ đầu tư toàn cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top