Aa

Phát triển kinh tế tư nhân: "Nói đi đôi với làm"

Thứ Hai, 01/07/2019 - 05:00

Có một nghị quyết dành riêng cho phát triển kinh tế tư nhân nhưng thực tế khu vực kinh tế này vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng. Vì sao vậy?

Trong tất cả các nền kinh tế, không phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, kinh tế tư nhân luôn tồn tại. Khác biệt chỉ là vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, sự yếu kém của khu vực tư nhân được coi là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế trong quá trình phát triển.

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã ghi nhận nhiều thành tựu, nhiều bước phát triển mạnh mẽ, sau 2 năm Nghị quyết số 10 đi vào thực tiễn: Hơn 250 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tạo ra 80% việc làm cho nền kinh tế, đóng góp hơn 42% GDP. Những hy vọng đột phá của nền kinh tế Việt Nam đang được đặt lên vai các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên hiện vẫn còn quá nhiều điểm nghẽn khiến cho khu vực kinh tế này chưa thể cất cánh.

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh nhận định, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đang không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong thực tế đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực:

“Việt Nam hiện có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có trên 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân.  Các doanh nghiệp tư nhân là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực… Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng từ 40 - 43%; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Thương hiệu của khu vực tư nhân đã không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế; đã xuất hiện những tập đoàn tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao”.

TS. Vũ Đình Ánh nhận định, kinh tế tư nhân đang cùng với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI tạo ra ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo TS Ánh, tại Việt Nam, chủ trương phát triển kinh tế thị trường luôn đặt trong định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp vẫn đang khẳng định, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, do đó, việc phát triển kinh tế tư nhân được xác định là đồng hành, cùng phát triển với khu vực kinh tế Nhà nước, chứ không phải thay thế khu vực kinh tế Nhà nước.

“Cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà phải ở trong quan hệ tương hỗ, cùng phát triển.

Bản thân khu vực kinh tế Nhà nước cũng đang trong quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa. Chính khu vực kinh tế tư nhân là người tiếp nhận những doanh nghiệp Nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa.

Trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thì vẫn có sự duy trì, phát triển mối quan hệ tương hỗ với các doanh nghiệp Nhà nước theo từng chuỗi giá trị nhất định, có sự hỗ trợ lẫn nhau cả về đầu vào lẫn đầu ra trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Do vậy, khu vực kinh tế tư nhân phát triển năng động với tốc độ cao như thời gian vừa qua không triệt tiêu mà còn hỗ trợ, tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực kinh tế Nhà nước.

Cùng với xu hướng phát triển, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng mở rộng quy mô và đồng thời cũng đóng góp vào năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích.

NHIỀU RÀO CẢN TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN “SỨC KHỎE” CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, dù đặt ra chủ trương phát triển kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế nhưng đa số đều đang đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, từ khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh như đất đai, mặt bằng kinh doanh, vốn tín dụng, lao động có trình độ cao… đến rào cản về thủ tục hành chính, hạn chế về cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường, quản trị doanh nghiệp…

“Trước hết, đặc điểm nổi bật của kinh tế tư nhân nước ta là tuyệt đại đa số còn nhỏ và yếu, năng suất và năng lực cạnh tranh còn thấp do chủ yếu là mới thành lập và thời gian hoạt động còn ngắn trong bối cảnh môi trường sản xuất kinh doanh chưa ổn định, còn chứa đựng nhiều rủi ro bất khả kháng. Đến nay đã và đang xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế song số lượng còn rất ít và lại hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù chẳng hạn như bất động sản, cà phê, thuỷ sản… nhưng vẫn có tới 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo một số báo cáo, chỉ có khoảng một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong khi khả năng huy động các nguồn vốn khác, kể cả vốn tự có lại hết sức hạn hẹp. Không có vốn nên không thể đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ, do đó không thể nâng cao khả năng cạnh tranh, không thể tăng năng suất, mở rộng quy mô và rốt cuộc là chỉ có lợi nhuận ít ỏi trong khi thu nhập của người lao động vẫn thấp, kết quả là khó thu hút được những lao động giỏi, có trình độ, có năng suất lao động cao”.

Vị chuyên gia kinh tế này nhận định, thiếu thốn đủ mọi thứ dường như là “người bạn song hành” với tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua, từ thiếu vốn, thiếu máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, thiếu lao động giỏi đến thiếu đất đai để mở rộng nhà xưởng, thiếu sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của các cơ quan chức năng và thiếu cả cơ hội, nhất là cơ hội học hỏi nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận với những thị trường mới...

“Chính những điều kiện thiếu thốn kinh niên đó đã buộc không ít doanh nghiệp tư nhân của chúng ta phải “vật lộn” để tồn tại, để vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và không hiếm khi lại thiếu bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước, với các doanh nghiệp có vốn FDI và cả giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước với nhau cũng như tới đây là với các doanh nghiệp khu vực và toàn cầu trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Chỉ từ năm 2011 đến nay, số doanh nghiệp “đã gục ngã, bỏ cuộc chơi” đã là không ít với trên 20 vạn doanh nghiệp buộc phải giải thể, dừng hoạt động. Phần lớn số doanh nghiệp ngoài nhà nước còn lại quay về co cụm, thu hẹp sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội mới và môi trường thuận lợi hơn để phục hồi và tiếp tục phát triển”, ông Ánh phân tích.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các doanh nghiệp tư nhân hiện còn bị đối xử thiếu bình đẳng so với các đối tượng doanh nghiệp khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến doanh nghiệp nhà nước mà chưa đề cập đến doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc… Việc  thanh tra, kiểm tra quá thường xuyên cũng đang làm khó cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp lành mạnh, tuân thủ đúng pháp luật.

Ngoài ra, sự thiếu ổn định trong các chính sách cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp tư nhân, khiến cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ không có căn cứ, cơ sở để xác lập chiến lược dài hạn.

Những rào cản, thách thức nói trên đang ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mà theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn kinh tế tư nhân “cất cánh”, thực sự trở thành “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam thì buộc phải có những giải pháp, nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt, rào cản nói trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội phát triển đi lên:

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Muốn vậy, chúng ta không còn con đường nào khác là phải khắc phục những thiếu thốn mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải chịu đựng. Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ song chúng ta vẫn kiên quyết gửi gắm niềm tin vào sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhất định sẽ song hành với sự lớn mạnh của đất nước”.

GIẢI PHÁP NÀO?

TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một động lực quan trọng” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản”, là trụ cột nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại.

Theo TS. Ánh, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, hơn 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 50% GDP (năm 2020), khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030).

Để làm được điều đó thì điều kiện tiên quyết là Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI...

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ điều kiện đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng của Nhà nước. Chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp nhà nước mang tính chủ đạo.

Sự ổn định của các cơ chế,chính sách cũng là điều kiện nền tảng để các doanh nghiệp tư nhân hoạt động một cách bền vững, tránh sự chộp giật gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa ra các chiến lược dài hạn.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân cần dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động, bởi: 

“Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến. Do đó, ngoài một số ưu đãi tạm thời, tôi cho rằng, cơ bản không nên áp dụng các chính sách ưu đãi quá mức cho doanh nghiệp tránh tình trạng làm mất giá trị thật của các ưu đãi”.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, đổi mới tư duy, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trước hết là trọng trách đặt lên vai bản thân khu vực kinh tế tư nhân. Tự họ sẽ phải thông qua sự vận động của các quy luật thị trường, thông qua nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp để có thể phát triển tương xứng với những vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân đang được kỳ vọng.

“Vai trò của kinh tế tư nhân phần lớn do khu vực kinh tế tư nhân quyết định với nỗ lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thông qua tăng cường tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động có trình độ cao, lao động có kỷ luật, có tác phong công nghiệp hiện đại..."

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top