Sáng 6/6, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, đồng thời giải trình một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
Báo cáo cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường, bệnh dịch trong nước lan nhanh trên diện rộng tác động tiêu cực, xu hướng tích cực trong tình hình kinh tế xã hội vẫn được duy trì.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua…
“Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”
Về phát triển doanh nghiệp, báo cáo cho biết, cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiện nay, cả nước có trên 730 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể; đóng góp quan trọng trong thu hút lao động và tăng trưởng kinh tế trong các ngành, lĩnh vực.
Năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh
Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, theo đánh giá, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi đó, bình quân các nước Asean là 80 - 100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10 - 12 người dân/doanh nghiệp.
Về giải pháp, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Nhắc lại thông điệp “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tại hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...
Kiên quyết loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Tinh thần điều hành của Chính phủ là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự".
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các giải pháp khuyến khích, nhất là về thuế, thủ tục, chi phí tuân thủ để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới mọi hình thức.
Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.