Aa

Phát triển mạng lưới đô thị bền vững, giàu tính liên kết và chia sẻ vai trò kinh tế - xã hội

Thúy Quỳnh (thực hiện)
Thúy Quỳnh (thực hiện) buithuyquynh2312@gmail.com
Thứ Hai, 02/01/2023 - 06:15

Nhằm đạt được các mục tiêu trong quy hoạch không gian phát triển quốc gia, cần tăng cường tính liên kết giữa các đô thị, định hướng xây dựng mạng lưới đô thị bền vững, có khả năng chia sẻ chức năng kinh tế - xã hội.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, những năm qua, phát triển và tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn, quan trọng cho phát triển đất nước. Bước đầu hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Kết luận cũng nhìn nhận thực tế tổ chức không gian phát triển vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đặc biệt trong quy hoạch mạng lưới đô thị gắn với liên kết vùng kinh tế. Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế. Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả thấp; chưa hình thành được các cụm liên kết ngành quốc gia quy mô lớn...

Trong khi đó, từ năm 2009, Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phát triển theo mô hình mạng lưới (liên kết mạng), trên cơ sở kịch bản phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ năm 2009 đến năm 2015, ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ sau năm 2016 đến năm 2025, ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị (liên kết mạng).

Như vậy, để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, nâng cao vai trò của đô thị trong tăng trưởng kinh tế - xã hội, cần giải quyết được vấn đề về tính liên kết giữa các đô thị về cả chiều rộng và chiều sâu. 

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS. Lê Phong Nguyên - Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng để mở rộng phạm vi, tiếp cận vấn đề liên kết đô thị và mô hình mạng lưới dưới góc nhìn của khoa học kiến trúc và quy hoạch đô thị. 

mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị, đô thị bền vững, hạ tầng đô thị
TS.KTS. Lê Phong Nguyên lấy bằng Tiến sĩ ngành Kiến trúc tại Đại học Tokyo Metropolitan (Nhật Bản) năm 2017, có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Kiến trúc, Quy hoạch đô thị tại Đại học Đà Nẵng. 

HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM CẦN HÌNH THÀNH ĐƯỢC LIÊN KẾT CHIỀU SÂU 

PV: Chuyên gia đánh giá như thế nào về mạng lưới đô thị Việt Nam hiện nay? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Rõ ràng, chúng ta có thể thấy được trong vòng 10 - 20 năm trở lại đây, số lượng đô thị ở Việt Nam tăng lên rất nhanh, có thể tính theo cấp số nhân. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh với tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% vào năm 2010 đến 40,4% vào năm 2020.

Tuy tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam so với mặt bằng chung trên thế giới và so với các nước trong khu vực ASEAN vẫn còn ở mức tương đối thấp (các nước phát triển có tỷ lệ đô thị hóa trên 80%; Singapore có tỷ lệ 100%; Malaysia, Brunei đạt 75%; Thái Lan đạt 62%). Mặc dù vậy, với dân số đô thị ngày càng tăng nhanh và số lượng đô thị cũng đang tiệm cận con số 1.000 (869 đô thị), Việt Nam đã hình thành được một mạng lưới đô thị trải dài từ Bắc xuống Nam và chạy dọc theo đường bờ biển. Mạng lưới đô thị Việt Nam cũng đã hình thành được những đặc trưng riêng, khác biệt so với các quốc gia hay thành phố khác. 

mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị, đô thị bền vững, hạ tầng đô thị
Mạng lưới đô thị Việt Nam đã hình thành được những đặc trưng riêng, khác biệt so với các quốc gia hay thành phố khác.

PV: Ông nhận định như thế nào về thực trạng hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết? Và nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Khái niệm "tính liên kết của đô thị" là một khái niệm rất rộng và bao hàm nhiều nội dung như liên kết về văn hóa, về kinh tế, xã hội, giao thông... Nhìn tổng quan, có thể thấy hệ thống đô thị Việt Nam thiếu sự tương tác, mỗi đô thị còn phát triển theo hướng độc lập và ít có sự hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình tăng trưởng chung. 

Trên thực tế theo nhìn nhận của tôi, đô thị Việt Nam trong quá trình phát triển vẫn còn mang nặng tính địa phương. Trừ hai đô thị đầu tàu là Hà Nội và TP.HCM từ lâu đã hình thành mối liên kết chặt chẽ với các đô thị vệ tinh, các thành phố ở những địa phương khác phát triển khá riêng rẽ và thiếu sự tương tác, liên kết với nhau. 

Bên cạnh đó, điểm hạn chế của đô thị Việt Nam là chủ yếu mở rộng về địa giới hành chính, liên kết về chiều rộng nhưng chưa đủ liên kết về chiều sâu. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh chủ yếu nhờ vào việc sáp nhập các tỉnh, thành nhỏ, lân cận vào đô thị lớn. Tuy nhiên, bản chất của đô thị hóa không chỉ nằm ở diện tích hay bề rộng mà còn nằm ở chất lượng đời sống đô thị. Có thể thấy rằng chất lượng hay nội lực của đô thị nước ta chưa có nhiều sự chuyển biến rõ rệt, chưa phát triển theo chiều sâu và tương xứng với tốc độ đô thị hóa diễn ra theo chiều ngang. 

Nguyên nhân của thực trạng này đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Chủ quan là do đô thị Việt Nam phát triển rất nhanh về mặt số lượng và chúng ta vẫn đang trong quá trình hình thành, mở rộng các đô thị mới. Trong giai đoạn này, toàn bộ nguồn lực về kinh tế - xã hội, con người đang được dùng để tập trung xây dựng bản thân đô thị đó. Cho đến nay, có thể nói là chúng ta vẫn đang trên hành trình tìm ra hướng phát triển để nâng cao chất lượng cho từng đô thị, làm thế nào để phát triển kinh tế, quản lý xã hội hay chỉnh trang đô thị sạch, đẹp như câu chuyện gạch lát đá vỉa hè của Hà Nội trong thời gian qua, tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có rất nhiều vấn đề tồn đọng. Do đó, nguồn lực kinh tế - xã hội, con người và cả thời gian để đầu tư cho việc liên kết hệ thống đô thị là chưa có nhiều. 

Nguyên nhân khách quan đến từ việc thiếu quy hoạch và định hướng cụ thể trong cơ chế, chính sách. Chính phủ đã thể hiện vai trò trong việc định hướng tổng quan hình thành và phát triển mạng lưới đô thị, tuy nhiên, chúng ta cần có một hệ thống quản lý và hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho các đô thị, các khu vực, các vùng chủ động liên kết, phát huy tiềm năng của mình để xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, vùng đô thị hay rộng hơn là mạng lưới đô thị. 

mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị, đô thị bền vững, hạ tầng đô thị
Câu chuyện gạch lát đá vỉa hè của Hà Nội trong thời gian qua tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có những vấn đề cần xem xét. (Ảnh: Báo Lao động) 

CẦN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH LÀM NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN

PV: Theo chuyên gia, nên tiếp cận khái niệm "tính liên kết của đô thị" như thế nào để phù hợp với tình hình phát triển của đô thị Việt Nam? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư và nhà nghiên cứu về quy hoạch, tôi cho rằng nên tiếp cận tính liên kết của đô thị theo hai phương diện là xã hội và kinh tế. 

Về xã hội, khi quá trình đô thị hóa diễn ra, đô thị được hình thành và tiến tới đạt chuẩn các điều kiện cần thiết với những đặc điểm khác biệt hoàn toàn so với nông thôn thì áp lực đặt lên vai người làm chính sách, nhà quy hoạch, nhà quản lý đô thị là vô cùng lớn. Người đứng đầu quản lý đô thị cần làm sao đảm bảo được tất cả điều kiện về môi trường sống như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, văn hóa, để đảm bảo chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Và cũng chính bởi vì chúng ta vẫn đang xoay xở trong câu chuyện xây dựng và quản lý từng đô thị riêng lẻ nên áp lực này càng trở nên nặng nề. Trong khi đó, việc gắn kết các đô thị có thể giảm gánh nặng cho từng khu vực khi mà các thành phố có thể chia sẻ với nhau vai trò xã hội trong bức tranh chung. 

mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị, đô thị bền vững, hạ tầng đô thị
"Nên tiếp cận tính liên kết của đô thị theo hai phương diện là xã hội và kinh tế". (Ảnh minh họa: Vietnam Plus)

Ví dụ đối với vấn đề nhân lực, khi chúng ta xây dựng một cụm trường đại học và định hướng nguồn nhân lực đầu ra không chỉ phục vụ cho một tỉnh, một thành phố mà sẽ làm việc tại nhiều tỉnh, nhiều thành phố lân cận trong một khu vực rộng lớn thì từ đó sẽ giải quyết được bài toán nhân lực trong các đô thị cùng thuộc một mạng lưới. Sẽ không còn tình trạng thành phố này thừa nhân lực nhưng ngay tỉnh thành lân cận lại thiếu người làm. Hay liên kết chặt chẽ về hạ tầng giao thông có thể giúp giảm gánh nặng về nhà ở với đô thị trung tâm, khi mà người lao động có thể di chuyển nhanh và dễ dàng giữa hai thành phố để sống và làm việc. 

Tương tự, liên kết đô thị trên phương diện kinh tế cũng sẽ giúp cho mỗi thành phố, mỗi khu vực có thể đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế của chính mình và kết hợp, thúc đẩy lợi ích kinh tế của các đô thị lân cận để tạo ra một vùng kinh tế vững mạnh.

Ví dụ, về du lịch, ở khu vực miền Trung, chúng ta có Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, mỗi tỉnh, thành phố lại có tiềm năng du lịch, giá trị văn hóa và di sản khác nhau. Việc kết hợp với nhau để tạo ra một cụm điểm đến du lịch hấp dẫn có thể giúp cho các đô thị trong một khu vực có thể cùng thúc đẩy hoạt động du lịch mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều vốn đầu tư hơn. Thay vì mỗi thành phố đều tự tìm cách giải quyết bài toán kinh tế của chính mình một cách độc lập, liên kết đô thị sẽ là công cụ để khai thác tiềm năng nhanh, hiệu quả và bền vững. 

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, các đô thị ngày càng cạnh tranh gay gắt với nhau, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi khu vực, châu lục và toàn cầu. Đô thị Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, do đó còn thiếu những điều kiện về quy mô, chất lượng nếu so sánh với những đô thị khác. Nếu hệ thống đô thị còn chậm liên kết thì chất lượng và tốc độ phát triển đô thị của chúng ta sẽ có nguy cơ thụt lùi so với các quốc gia khác, trước mắt là trong khu vực Đông Nam Á. 

PV: Đối với mô hình mạng lưới đô thị, chúng ta nên tiếp cận và tư duy như thế nào, thưa ông? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Thực tế cho thấy, chúng ta đã hình thành mô hình mạng lưới đô thị ở hai đầu Bắc - Nam là Hà Nội và TP.HCM. Mô hình mạng lưới thể hiện ở việc Hà Nội hay TP.HCM là đô thị trung tâm và là vùng lõi, liên kết với các đô thị vệ tinh xung quanh. Chúng ta cũng đã thấy được hiệu quả của mô hình này khi mà khu vực đô thị trung tâm Bắc - Nam phát triển khá tốt và thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, so với hai đầu Bắc - Nam thì mạng lưới đô thị ở miền Trung còn khá rời rạc và thiếu tính liên kết, dẫn đến nhiều vấn đề như vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) chảy khá ít và khá chậm vào khu vực này. Lý do là bởi nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào một khu vực nào thì họ đều phải xem xét nhiều vấn đề về quy mô và chất lượng của môi trường đầu tư của khu vực đó. Do sự khác biệt căn bản về địa lý, cơ cấu kinh tế, con người và xã hội, không thể áp dụng một cách rập khuôn mô hình mạng lưới lấy một đô thị làm trung tâm như ở Hà Nội, TP.HCM vào các tỉnh miền Trung hay những khu vực khác mà cần có sự điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan của khu vực.

Nghĩa là chúng ta cần có mô hình mạng lưới đô thị tương tự như Hà Nội, TP.HCM nhưng ở nhiều cấp độ khác nhau và phát huy thế mạnh đặc trưng của vùng. Dựa trên tiềm năng riêng của mỗi khu vực, mỗi vùng mà mô hình mạng lưới phải có sự linh hoạt, xây dựng hệ thống quản lý phù hợp để tạo tiền đề cho vùng đó phát triển.

PV: Vậy đâu là giải pháp để tăng cường tính liên kết trong hệ thống đô thị Việt Nam, thưa ông? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Như đã trình bày, thực trạng đô thị nước ta còn thiếu tính liên kết xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trên cơ sở đó, giải pháp khắc phục cũng sẽ được tiếp cận từ góc độ vĩ mô và vi mô. 

Ở cấp độ vĩ mô, vai trò của Chính phủ trong quy hoạch mạng lưới đô thị là vô cùng quan trọng. Khi Chính phủ đã đưa ra quyết sách là phải phát triển đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, có sự tương tác qua lại, có tính liên kết chặt chẽ thì kèm theo đó cũng cần có chính sách, cơ chế và hành lang pháp lý làm nền tảng phát triển cho địa phương. Để mỗi khu vực có thể phát huy được tối đa tiềm lực địa phương, Chính phủ cần bổ sung chính sách cụ thể, có sự phân quyền, phân chia chức năng rõ ràng cho từng đô thị, từng khu vực, từng vùng. Từ đó mỗi đô thị có thể phát huy tiềm năng của mình một cách hiệu quả hơn và cũng tránh được hiện tượng địa phương muốn tổ chức liên kết đô thị trong khu vực nhưng không được định hướng cụ thể cách làm và cũng không rõ làm như thế nào là đúng, như thế nào là chưa phù hợp với quy định chung. 

Ở cấp độ vi mô, mỗi địa phương cũng cần phải nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tăng cường nội lực của đô thị. Bởi một đô thị có nội lực yếu cũng rất khó để liên kết với các đô thị khác và cùng nhau hợp lực tạo nên sức mạnh mà thay vào đó có thể trở thành gánh nặng của những đô thị, khu vực khác, nhất là trong trường hợp đã xây dựng được hành lang pháp lý ràng buộc lẫn nhau giữa các đô thị. Địa phương có vai trò trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, đảm bảo các điều kiện y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, môi trường phục vụ đời sống cả vật chất và tinh thần cho người dân để thúc đẩy phát triển nội lực của mỗi thành phố.

Kết hợp các điều kiện vĩ mô và vi mô, hệ thống đô thị Việt Nam có thể phát triển bền vững theo mô hình mạng lưới, liên kết mạnh mẽ về cả kinh tế và xã hội, từ đó thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện những mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước. 

PV: Trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới với bối cảnh kinh tế - xã hội như hiện tại, theo quan điểm của chuyên gia, đâu sẽ là mục tiêu cụ thể quan trọng trong định hướng phát triển mạng lưới đô thị tại Việt Nam? 

TS.KTS. Lê Phong Nguyên: Đương nhiên, chúng ta không thể chỉ thực hiện một mục tiêu nào đó để đạt được hệ thống đô thị phát triển vững mạnh với mạng lưới liên kết chặt chẽ mà cần kết hợp thực hiện nhiều mục tiêu với cùng một định hướng cụ thể. 

Theo quan điểm của tôi, để phát triển mạng lưới đô thị, trước hết chúng ta cần duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được và đặc biệt tập trung vào liên kết hạ tầng như giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng là cơ sở, nền tảng và là điều kiện cần để phát triển các lĩnh vực khác, trong khi đó hiện nay chất lượng hạ tầng đô thị và hạ tầng liên kết đô thị, liên kết vùng ở Việt Nam còn không ít hạn chế. 

mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị, quy hoạch đô thị, đô thị bền vững, hạ tầng đô thị
Hạ tầng giao thông vẫn còn là điểm hạn chế tại không ít thành phố của nước ta. (Ảnh minh họa: Vietnam Plus) 

Đơn cử như một số tuyến quốc lộ, có vai trò là tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn nhiều tỉnh, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng như Quốc lộ 1A. Đó cũng chính là một điểm hạn chế, vướng mắc cản trở sự liên kết, tương tác giữa các tỉnh và thành phố. Nếu hạ tầng chưa thể đáp ứng các điều kiện cơ bản về chất lượng và số lượng thì cũng rất khó để các thành phố, khu vực và vùng liên kết với nhau một cách hiệu quả. 

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top