Theo quyết định nói trên, huyện Lâm Hà có tổng diện tích 930,23km2. Vùng đất này có tính chất thuộc vùng phụ cận Đà Lạt, trong đó thị trấn Nam Ban là đô thị động lực kinh tế phía Tây vùng phụ cận Đà Lạt. Đồng thời, là trung tâm nghiên cứu phát triển, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến và vật liệu xây dựng; phát triển thương mại dịch vụ - du lịch.
Theo dự báo, năm 2025 dân số huyện Lâm Hà là 160.000 người, đến năm 2035 dân số 192.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 71.000 người. Năm 2050, dân số toàn huyện là 240.000 người, riêng dân số đô thị là 99.400 người; tỷ lệ đô thị hoá đạt 41,40%, gồm hai đô thị là thị trấn Nam Ban và thị trấn Đinh Văn.
Về nhu cầu sử dụng đất, dự báo đến năm 2025, huyện Lâm Hà sẽ có 607ha đất xây dựng đô thị và 1.636ha đất ở tại nông thôn; đến năm 2035 có 1.190ha đất xây dựng đô thị và 1.547ha đất ở tại nông thôn; đến năm 2050 có 1.710ha đất xây dựng đô thị và 1.799ha đất ở tại nông thôn.
UBND tỉnh Lâm Đồng định hướng phát triển huyện Lâm Hà thành 3 tiểu vùng phát triển kinh tế. Trong đó, tiểu vùng 1 với trung tâm là thị trấn Đinh Văn và các xã Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô; tính chất là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hoá, khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, nông - lâm nghiệp và công nghiệp. Tiểu vùng 2 với trung tâm thị trấn Nam Ban và các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà; được xác định là trung tâm du lịch sinh thái và văn hoá bản địa, du lịch canh nông và nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt phát triển đô thị Nam Ban trở thành đô thị vệ tinh của TP. Đà Lạt. Tiểu vùng 3 gồm các xã Tân Hà, Đan Phượng, Liên Hà, Hoài Đức, Tân Thanh, Phúc Thọ sẽ phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, chợ đầu mối nông sản và dịch vụ du lịch.
Để phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực Lâm Hà, ngoài hệ thống giao thông quan trọng qua địa bàn như cao tốc Liên Khương - Buôn Mê Thuột, Quốc lộ 27, đường Trường Sơn Đông… tỉnh Lâm Đồng còn chú trọng đầu tư nhiều tuyến đường kết nối và các tuyến đường vành đai như: Phát triển mới các tuyến Đà Lạt - Tân Hà, Đức Trọng - Nam Ban, Đức Trọng - Tân Hà, Đà Lạt - Nam Ban…
Đối với phát triển du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng định hướng phát triển các vùng du lịch tại huyện Lâm Hà theo hướng khai thác hiệu quả các vùng cảnh quan, phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng. Trong đó, các sản phẩm du lịch chính như: Khu du lịch Thác Voi, chùa Linh Ẩn, tuyến du lịch thể thao mạo hiểm Tà Nung - Nam Ban… Mới đây, UBND huyện Lâm Hà cũng đã đề xuất bổ sung quy hoạch một số khu vực định hướng phát triển gồm: Khu du lịch sinh thái Hồ Đông Thanh, xã Đông Thanh, quy mô khoảng 180ha; Khu du lịch sinh thái, văn hóa khu vực dọc sông Đồng Nai và Hồ thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, quy mô khoảng 5.500ha; Khu đô thị dịch vụ - thương mại phía Bắc thị trấn Đinh Văn, quy mô khoảng 200ha./.