Phát triển nhà ở công nhân: “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”

Phát triển nhà ở công nhân: “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”

Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Tư, 15/02/2023 - 06:15

 Khi công nhân ly hương đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải sống trong những xóm trọ cũ kỹ, tồi tàn, thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản và tiêu chuẩn an toàn… thì có lẽ, chính sách nhà ở cho công nhân vẫn còn cách thực tế một khoảng rất xa vời.

*********

Nhức nhối bài toán “an cư lạc nghiệp” cho công nhân

Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp”; hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của người lao động là 2 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của công nhân trong năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành liên quan phải tập trung dành nguồn lực và ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.

Các chính sách an sinh hướng tới đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản và chính đáng, trước hết là nhu cầu an cư để công nhân có thể tái tạo sức lao động, tăng năng suất làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp… không chỉ mang tính nhân văn mà còn là những chính sách không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở và các thiết chế văn hóa, an sinh cho công nhân, người lao động thu nhập thấp được ban hành trong nhiều năm qua, song bức tranh chung về đời sống công nhân hiện nay vẫn chưa thực sự được cải thiện.

ông Vũ Minh Tiến
TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). (Ảnh: Nguyễn Nga)

Chia sẻ với Reatimes về bức tranh đời sống công nhân hiện nay, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, đa phần công nhân hiện nay đang rất khó khăn. Trước hết là bởi việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Đặc biệt là sau tác động của dịch Covid-19, sự bấp bênh càng thể hiện rõ khi nhiều công nhân bị mất việc làm do cắt giảm nhân sự. Còn về vấn đề thu nhập, ông Tiến nhìn nhận, tiền lương của công nhân thấp, chỉ đủ chi trả những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không có tích lũy nhiều.

“Theo một điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào năm 2020, có 67,3% công nhân đang phải thuê nhà trọ để ở. Nhiều khu trọ do người dân xây dựng để cho thuê đã có chất lượng tốt hơn nhưng đồng nghĩa với giá cả tăng lên, với mức thu nhập thấp, công nhân không thể thuê được nhà trọ chất lượng. Chính vì thế, nhiều công nhân vẫn đang phải sống trong những phòng trọ chật chội, bí bách, môi trường sống bất ổn khi vấn đề nước thải, rác không được xử lý, an ninh trật tự phức tạp, phòng cháy chữa cháy cũng không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là vấn đề nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, tiền điện đắt đỏ do phải trả tiền điện theo giá của chủ nhà (cao hơn 25%)”, ông Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhìn nhận, điều kiện sống, hạ tầng và dịch vụ phục vụ người công nhân và gia đình của họ hiện nay cũng còn rất thấp kém. Thiếu nhà trẻ, trường mầm non, hầu hết các công nhân phải gửi con về quê nhờ gia đình trông nom, dẫn đến nhiều đứa trẻ thiếu hơi bố mẹ, gắn kết tình cảm trong gia đình kém đi. Trong khi đó, việc khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tại các bệnh viện cũng rất rắc rối khi chỉ đáp ứng trong giờ hành chính, không khám ngày nghỉ khiến công nhân phải xin nghỉ làm nên họ có nhu cầu khám chữa bệnh ngoài giờ rất nhiều. Tuy vậy, sử dụng dịch vụ tư nhân lại rất đắt đỏ so với thu nhập còn thấp và bấp bênh của công nhân.

“Các doanh nghiệp có hỗ trợ tiền nhà ở, tính tiền nhà ở vào tiền lương của công nhân, thế nhưng vấn đề hỗ trợ và cơ cấu tiền lương vào nhà ở chiếm một phần rất nhỏ, không đủ để chi trả tiền thuê nhà trên thực tế. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định, đồng thời quá trình tuyển dụng lao động gặp không ít khó khăn”, ông Tiến khẳng định.

Nhà trọ của công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hoàng Nhung)

Đến nay, trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án nhà ở công nhân, với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông sàn, tuy nhiên mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng. Nhu cầu lớn và cấp bách nhưng thực tế triển khai phát triển nhà ở công nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra đầu tháng 2, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, Bắc Ninh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330 nghìn công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Trong đó, hơn 75% là lao động ngoại tỉnh, hơn 100 nghìn công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động, chiếm khoảng 50 nghìn trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc. 2/3 tổng thu nhập hằng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.

Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10 - 50%. Vẫn còn khoảng 100 nghìn công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được bảo đảm.

Nhiều công nhân phải chăm sóc con nhỏ trong những căn phòng trọ chật chội. Bên cạnh chi phí nhà ở, còn tốn kém chi phí gửi trẻ để có thể đi làm. (Ảnh minh họa: Hoàng Nhung)

Trao đổi với Reatimes, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 230 nghìn công nhân lao động. Nhu cầu nhà ở công nhân lớn nhưng chưa đáp ứng được hết. Vướng mắc là do chưa thu hút được các doanh nghiệp, còn nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, triển khai các dự án.

Nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc tìm ra lời giải cho bài toán phát triển nhà ở công nhân vốn đang tắc nghẽn trong thời gian qua, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, nhà ở không chỉ là nơi để ngủ mà còn là môi trường để sinh sống, tái tạo năng lượng cho con người. Do đó, để thu hút và giữ chân lâu dài người lao động tới địa phương mình làm việc, cần chăm lo đến chỗ ở. Nếu có chỗ ở tốt, tinh thần tốt thì công nhân sẽ có điều kiện tái tạo sức lao động, phục hồi sức khoẻ cũng như có điều kiện chăm sóc con cái tốt. Nếu có điều kiện tốt thì họ sẽ xác định nhập cư tại đó, còn hiện giờ người ta chỉ xác định làm 5 - 10 năm là họ về lại quê hương. Đặc biệt, khi có những biến động khiến họ khó bám trụ lại thành phố, đơn cử như dịch Covid-19, hàng loạt công nhân đã ồ ạt trở về quê, gây mất ổn định về lực lượng lao động phục hồi sản xuất sau dịch.

“Vấn đề nhà ở cho công nhân từ trước đến nay vốn rất quan trọng, nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 chúng ta mới thấy rằng nó thật sự quan trọng”, TS. Vũ Minh Tiến khẳng định.

Không gian sống của hàng chục công nhân tại Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương. Môi trường ẩm thấp, chật chội này khiến các công nhân ở trọ rất lo sợ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Họ rủ nhau tìm mọi cách để đi xe máy về quê. (Ảnh: Reatimes)

Thiết chế công đoàn: Từ niềm mong mỏi của công nhân đến thực tế triển khai còn nhiều “chốt chặn”

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đệ trình (Đề án).

Theo đó, mỗi khu thiết chế công đoàn phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3 - 5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 9C về việc tiết giảm 10% chi phí hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn trên toàn hệ thống để dành nguồn vốn đầu tư các dự án thiết chế công đoàn. Bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn khác, mỗi thiết chế sẽ đầu tư từ 300 - 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao đi kèm.

So với các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại khác, những điểm ưu việt của thiết chế công đoàn là chi phí xây dựng hạ tầng như: Đường, điện, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, công trình văn hóa thể thao… sẽ không tính vào giá bán của căn hộ để công nhân được hưởng giá ưu đãi nhất, chỉ từ 150 - 200 triệu đồng là có thể sở hữu căn hộ từ 30 - 45m2. Mặt khác, các công trình dịch vụ trong tổ hợp công trình không chỉ dành phục vụ cho những công nhân sống bên trong tổ hợp công trình mà còn để phục vụ toàn bộ công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động, chủ trương xây dựng các thiết chế công đoàn được đánh giá là giải pháp nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân lao động trên cả nước. Những thiết chế công đoàn cũng tạo ra các cơ sở hạ tầng trường học, khu vui chơi cho con cái của người lao động trong khu công nghiệp, tạo ra môi trường sống và làm việc đồng bộ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của công nhân. Khi đời sống an sinh được chăm lo, công nhân, người lao động có thể an tâm để cống hiến, góp sức vào công cuộc sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội.

Về mục tiêu cụ thể, từ năm 2017 - 2018, Tổng Liên đoàn phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phấn đấu đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.

Tuy nhiên, đến nay, ngoài dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thành với 5 tòa nhà, 244 căn hộ với 3 loại diện tích khác nhau gồm 32,5m2, 35m2 và 45m2, giá thuê từ 1 - 2 triệu đồng/tháng/căn, tùy theo diện tích, theo tầng để đoàn viên, người lao động lựa chọn, trong đó có 133 căn hộ được cho thuê và nhiều hồ sơ đang chờ xét duyệt thì chưa có nhiều dự án thiết chế công đoàn đi vào đời sống phục vụ nhu cầu của công nhân người lao động tại các khu công nghiệp.

thiết chế công đoàn
Dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, việc triển khai Đề án trong thời gian qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một trong số đó là vấn đề quỹ đất, theo đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch còn chậm. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài.

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay, có 35 tỉnh đã giới thiệu địa điểm cho Tổng Liên đoàn thực hiện Đề án. Tuy nhiên, mới chỉ có 17/35 tỉnh có đất sạch để thực hiện.

“Có những tỉnh nhu cầu công nhân rất cao nhưng mặt bằng đất sạch và điều kiện mặt bằng lại làm rất chậm. Ví dụ các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Dương, Đồng Nai là những tỉnh có nhu cầu rất cao, nhưng lại rất chậm bàn giao mặt bằng”, ông Lê Văn Nghĩa cho hay.

Ông Lê Văn Nghĩa
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, vướng mắc lớn nhất khiến các dự án thiết chế công đoàn tại nhiều địa phương bị tắc nghẽn trong giai đoạn thí điểm là Tổng Liên đoàn các tỉnh, thành phố là chủ đầu tư xây dựng dự án nhưng theo quy định pháp luật hiện hành thì Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Điều này dẫn đến thực tế, thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thiện xong năm 2019 nhưng vẫn phải bỏ không đến năm 2020 vì Tổng Liên đoàn không thể thực hiện việc bán và cho thuê hạng mục nhà ở.

Đến tháng 11/2020, Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất" đã tháo gỡ được phần nào vướng mắc nói trên để Đề án thiết chế công đoàn được triển khai thuận lợi. Đó là, Liên đoàn Lao động thực hiện triển khai các hạ tầng cơ bản và hạng mục thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao… Còn hạng mục nhà ở sẽ kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản tham gia.

“Đến hết năm 2022, về cơ bản, Đề án đã được triển khai ở một số tỉnh và đã có bước khởi đầu là đã chọn được nhà đầu tư cùng với Tổng Liên đoàn thực hiện triển khai hạng mục nhà ở, ví dụ như tại Hà Nam, Bình Định.

Trong năm 2023, Tổng Liên đoàn sẽ cố gắng thực hiện khoảng 4 tỉnh nữa, đó là Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Vĩnh Long. Các tỉnh này, Tổng Liên đoàn đã bắt đầu triển khai trong năm nay. Nhiều tỉnh có đất sẵn rồi, tuy nhiên lực lượng lao động trong đó chưa nhiều nên có làm nhà ở cũng chưa có nhu cầu, nên phải chờ thời điểm phù hợp mới thực hiện. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động cũng không được chọn nhà đầu tư các dự án nhà công nhân, dù tham gia đầu tư một phần hạ tầng nên phải thông qua địa phương để đấu thầu tìm nhà đầu tư”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Khi công nhân ly hương đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải sống trong những xóm trọ cũ kỹ, tồi tàn, thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản và tiêu chuẩn an toàn… thì có lẽ, chính sách nhà ở cho công nhân vẫn còn cách thực tế một khoảng rất xa vời. (Ảnh minh họa: Hoàng Nhung)

Giải pháp gỡ rối

Đưa ra giải pháp gỡ khó cho nhà ở công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì.

Ông Lê Văn Nghĩa cho biết, sự lồng ghép này trước hết là để đồng bộ trách nhiệm của Tổng Liên đoàn, Bộ Xây dựng, các bộ liên quan và các địa phương để triển khai đồng bộ mục tiêu phát triển nhà ở công nhân mà Chính phủ đặt ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời chia sẻ và tháo gỡ các vướng mắc, tất cả hướng đến đảm bảo quyền lợi cho công nhân và người lao động thu nhập thấp.

Ông Nghĩa cho biết thêm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang đề xuất nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân vào góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các luật khác liên quan đến công tác triển khai các dự án thiết chế công đoàn như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Thuế… theo hướng tạo điều kiện để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai hiệu quả mà không vướng các quy định pháp luật.

“Ví dụ như Luật Đất đai sẽ thay đổi, bổ sung Điều 54 và 55 để đưa Tổng Liên đoàn vào đối tượng được giao đất để làm nhà ở cho công nhân. Hay đối với Luật Nhà ở, đề xuất bổ sung điều khoản liên quan đến cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, ban hành quy trình chung về đầu tư nhà ở công nhân nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư sớm khởi công dự án; đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét việc cho vay ưu đãi dự án nhà ở công nhân theo hướng trong một dự án có cả hai đối tượng cùng được vay ưu đãi: Chủ đầu tư và người mua/thuê nhà ở. Bên cạnh đó, cho phép các địa phương tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng biệt triển khai trước, hoặc đồng hành với dự án xây dựng thiết chế công đoàn và dự án nhà ở...

Trao đổi thêm với Reatimes, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến nhìn nhận, trong lúc đợi xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở thì trước mắt cần cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động hiện đang đi thuê trọ trong các khu dân cư.

Cụ thể, ông Tiến cho biết, hiện có khoảng 70 - 80% công nhân chỉ có nhu cầu thuê, không có nhu cầu mua, bởi khả năng tài chính hạn chế và không có mong muốn ở lại địa phương đó lâu dài. Tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ ra vào của công nhân có thể lên tới 15 - 20%/năm. Như vậy, lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có nhiều biến động mỗi năm, nên trước mắt cần phát triển nhiều hơn nhà ở công nhân để cho thuê.

“Nhà nước cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép thuê các dự án nhà ở công nhân để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp mình ở thì sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của cả người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, văn hóa… bảo đảm an ninh ở những nơi công nhân thuê trọ. Cùng với đó, cần hỗ trợ vay tài chính cho những hộ dân gần các khu công nghiệp xây dựng, cung cấp dịch vụ nhà thuê cho người lao động thuê; giảm giá điện, nước, vệ sinh môi trường, thuế, để chất lượng cuộc sống của người lao động được cải thiện”, ông Tiến khẳng định.

Theo các chuyên gia, vấn đề phát triển nhà ở công nhân luôn mang tính cấp bách nhưng đòi hỏi phải kiên trì và có những giải pháp trong cả ngắn hạn và lâu dài. Bởi trong suốt một thời gian rất dài trên hành trình công nghiệp hóa, việc bùng phát các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng không chủ động hình thành khu nhà ở công nhân đã gián tiếp khiến người lao động chưa thể an cư, dẫn đến những khó khăn, bức xúc khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong khi đó, việc triển khai phát triển nhà ở công nhân lại tồn tại nhiều vướng mắc khó giải quyết.

Tuy nhiên, nếu thấy “sóng cả” mà “ngã tay chèo”, thì khó sẽ càng thêm khó và giấc mơ an cư của người lao động sẽ ngày càng vời xa, kéo theo đó là sự phát triển thiếu bền vững của các đô thị và một loạt vấn đề bất cập về an sinh xã hội.

“Câu chuyện phát triển nhà ở công nhân trong thời gian qua có những điểm tích cực là chủ trương chính sách từ Trung ương đến địa phương đều tốt, quyết tâm chính trị cũng rất cao nhưng vướng nhất ở vấn đề tổ chức thực hiện. Trong đó, một cản trở lớn là sự mập mờ, thiếu minh bạch, từ quy hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, xây dựng, giấy phép và phân phối đến các đối tượng. Điều này đã làm "méo mó" chính sách”, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến khẳng định./.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần tăng cường mời gọi đầu tư để có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân có chất lượng tốt hơn, tiện nghi hơn và mức giá hợp lý.

Ông Cảnh cho biết thêm, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 70 nghìn công nhân đang phải ở trọ. Thời gian qua, tỉnh cũng rất nỗ lực, tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Nhưng theo ông Cảnh, cần có cơ chế hỗ trợ để công nhân tiếp cận được vốn vay, tiếp cận được dự án để không phải mua lại qua tay người khác với mức giá cao hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top