Trong bối cảnh đó, nhà xưởng cao tầng đang trở thành xu hướng mới, nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành phụ trợ, công nghệ cao.
Xu thế tất yếu
Trước đây, khi quỹ đất khu công nghiệp còn nhiều, các nhà xưởng thường được xây theo dạng trệt hoặc thấp tầng để đảm bảo về quy mô, diện tích và an toàn. Tuy nhiên, tình trạng quỹ đất dành cho công nghiệp sản xuất ngày càng khan hiếm, một số khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) có tỷ lệ lấp đầy cao và giá đất cho thuê tăng liên tục gần như là không khả thi đối với những doanh nghiệp mới thành lập hay các công ty khởi nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đa phần tập trung vào nhóm ngành phụ trợ, công nghệ cao.
Trong bối cảnh trên, xây dựng nhà xưởng cao tầng là một trong những giải pháp giải quyết thực trạng thiếu đất trầm trọng cho sản xuất công nghiệp hiện nay. Mô hình nhà xưởng cao tầng giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng mới mà vẫn đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp chỉ cần chuyển máy móc vào là sản xuất, vận hành được ngay, tiết kiệm thời gian xây dựng.
Việc phát triển nhà xưởng cao tầng của các KCN - KCX nằm gần khu trung tâm là xu hướng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ mà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đang triển khai.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết hiện tại mô hình nhà xưởng cao tầng đang phát triển mạnh mẽ ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam - nơi thu hút nhiều vốn FDI so với cả nước. Tuy nhiên, mô hình này cũng sẽ sớm có mặt tại phía Bắc, khi điều kiện quỹ đất ngày càng hạn chế.
Theo các chuyên gia bất động sản, nhu cầu bất động sản công nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam và có khả năng vượt quá nguồn cung, do đó nhà xưởng cao tầng được xem là xu thế tất yếu.
Thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Theo khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Với tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của châu Á, các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài, đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam.
Những doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ thường đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Gần đây đã xuất hiện thêm những doanh nghiệp đến từ châu Âu như Đức, Thụy Điển, Hà Lan với các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp nước ngoài đang kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro khi thiết lập nhà xưởng tại Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
Các dự án đầu tư nước ngoài thuê nhà xưởng hầu hết có quy mô nhỏ và vừa. Nhà xưởng cao tầng phù hợp với những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có tổng trọng lượng không lớn, nên rất phù hợp cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Vì thế, đối tượng thu hút cũng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, có các giải pháp xử lý tốt chất thải rắn, nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung...
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ưu tiên lựa chọn Việt Nam như một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới là vì Việt Nam được coi là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực. Vì thế, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nghiễm nhiên được hưởng ưu đãi tại các thị trường FTA mà Việt Nam ký kết.
Trước áp lực về số lượng doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ngày càng tăng nhưng quỹ đất có hạn nên nhà xưởng cao tầng đã giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bằng việc đáp ứng nhu cầu vị trí sản xuất gần với các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như Intel, Samsung, Datalogic hay Sonion là những nhà đầu tư lớn tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đang tìm kiếm những nhà cung ứng nội địa có thể xây dựng chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất của họ. Nhà xưởng cao tầng cho phép hình thành nên các khu công nghiệp hỗ trợ trên diện tích đất có sẵn, tạo kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng.
Sự góp mặt của các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo nhu cầu lớn về công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ và trình độ quản lý cao; đồng thời gắn kết việc phát triển hệ thống cảng và các khu công nghiệp, tạo sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp.
Ví dụ như Hải Phòng, đã xuất hiện một số dự án đầu tư quy mô lớn về sản xuất nghiệp của Tập đoàn LG như LG Electronics, LG Display, LG Innotek. Khi đầu tư vào thành phố đã kéo theo hệ thống các công ty vệ tinh đến đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm cung cấp linh kiện, phụ kiện, qua đó giúp cho môi trường đầu tư của thành phố trở nên sôi động hơn, tăng thêm việc làm cho người lao động tại địa phương.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Hiện tại, các doanh nghiệp thực hiện xây dựng nhà xưởng cao tầng được tham gia chương trình vay kích cầu, được hỗ trợ 100% lãi suất trong tối đa 7 năm cho chi phí xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đang rất quan tâm và muốn nhanh chóng xúc tiến đầu tư.
DIỄN ĐÀN BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020 - Lần II
Thời gian: 8h00, Thứ Năm, ngày 09 tháng 4 năm 2020
Địa điểm: Trung tâm hội nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, HN
Đăng ký tham dự, vui lòng truy cập: www.batdongsancongnghiep.vn
Hotline: 09.1199.5526