Ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1413/QĐ- TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quyết định nêu rõ nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển về du lịch - dịch vụ chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh và là tỉnh phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường, năng suất lao động cao, hiệu quả, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tốt môi trường, phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.
Xây dựng nền kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật cao. Phát triển kinh tế dựa trên các nhóm ngành trọng điểm mà tỉnh đang có tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò giáo dục và đào tạo đặc biệt là đào tạo nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.
Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng hệ thống đô thị theo hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, phát huy vai trò kinh tế ven biển dựa trên tiềm năng lợi thế, với trọng tâm là dịch vụ, du lịch sinh thái ven biển.
Từng bước phát triển kinh tế - xã hội song song với bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân, chăm lo phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội, bảo vệ và sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, môi trường, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Xây dựng Ninh Bình là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình nối tiếp với vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ là Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột chính là: Du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiên tiến. Xây dựng đô thị, phát triển nông thôn và kinh doanh bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Lập “Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước và tầm nhìn Việt Nam đến năm 2050.