Riêng khu vực phía Đông Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để không chỉ phát triển đô thị xanh, thông minh, mà còn nhanh chóng trở thành tâm điểm du lịch, dịch vụ mới của thành phố.
Đà Nẵng hướng tới “Singapore của Việt Nam”
Đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu quy hoạch được xác định là phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên; phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để thực hiện nhiệm vụ này, chính quyền thành phố Đã Nẵng đã ký kết hợp đồng chính thức với đối tác Singapore là liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong.
Theo đó, đối tác sẽ làm lại quy hoạch thành phố theo hướng "Garden City" – tức thành phố trong vườn, thành phố công viên ngập tràn cây xanh, thực sự đáng sống như Singapore. Với uy tín của Surbana Jurong - tập đoàn tư vấn thiết kế lớn và lâu đời nhất của Singapore, xếp hạng thứ 35/225 công ty thiết kế của thế giới, Đà Nẵng sẽ ngày càng tiến gần hơn tới tương lai một “Singapore của Việt Nam”.
Không gian đô thị xanh là khởi nguồn cho đô thị bền vững. Nhìn lại thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã và đang hình thành những nền tảng để kiến tạo hình mẫu đô thị xanh qua việc quy hoạch sớm các khu đô thị sinh thái đồng bộ, thiết kế nhiều công viên, cây xanh, ưu tiên xây dựng thấp tầng. Điển hình như tại Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, hay Khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân, hạ tầng cơ sở, công viên, cây xanh được quy hoạch theo các tiêu chuẩn chặt chẽ, đảm bảo phát triển đô thị đồng bộ, vừa phục vụ chất lượng cuộc sống người dân, vừa đáp ứng hiệu quả phát triển du lịch lâu dài. Những quy hoạch đô thị sinh thái kiểu mới này phù hợp với xu hướng đô thị xanh mà Đà Nẵng đang hướng tới.
Hình dung đến năm 2030, không gian đô thị Đà Nẵng sẽ lan tỏa theo chiều rộng để có khả năng đáp ứng quy mô dân số từ 2-3 triệu người, thể hiện rõ các phân khu chức năng. Trong định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng, hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía Đông Nam và Tây Bắc thành phố.
Phía Đông Nam: trung tâm du lịch mới
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng đặt trong mối liên kết vùng sẽ làm cho đô thị Đà Nẵng "lớn lên" và tạo sức bật mới thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Để tạo nên mối liên kết vùng chặt chẽ, đô thị Đà Nẵng dự báo sẽ phát triển mạnh về phía Đông Nam. Không chỉ sở hữu lợi thế ven biển, khu vực Đông Nam thành phố còn là nơi dòng sông Cổ Cò uốn lượn, sẵn sàng đợi “đánh thức” để trở thành trung tâm du lịch mới, kết nối, giao thương giữa Đà Nẵng – Quảng Nam.
Hiện tại, trục ven biển Đà Nẵng đã phát triển mạnh hệ thống resort, khách sạn sang trọng phục vụ phát triển du lịch. Các resort, điểm giải trí đang tập trung ở phía Đông Nam thành phố, gồm casino, trung tâm thương mại quy mô lớn… Bãi tắm công cộng Sơn Thủy ở khu vực này thu hút hàng ngàn khách du lịch.
Khu vực phía Đông Nam còn sở hữu khu di tích danh thắng cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn - một biểu tượng văn hóa, tuyệt tác cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” nổi tiếng của “thủ phủ du lịch miền Trung”. Năm 2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 2 triệu lượt khách, thu ngân sách gần 84 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ 2017).
Nói vậy để thấy, khu vực Đông Nam thành phố sở hữu rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tới đây khi Khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân hoàn thiện, thì gần như quỹ đất đẹp ở khu vực này không còn. Lợi thế nằm ven biển, cách bãi tắm công cộng Sơn Thủy chỉ khoảng 1 km, được bao bọc bởi các nhánh sông Cổ Cò như một bán đảo thơ mộng, nằm kề bên danh thắng Ngũ Hành Sơn nườm nượp khách, nên Nam Hòa Xuân không chỉ được kỳ vọng là khu đô thị “xanh” lý tưởng, mà còn phù hợp để phát triển các ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch.
Dự án khơi thông sông Cổ Cò do UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020. Khi dự án lớn này hoàn thành, toàn bộ khu vực Đông Nam thành phố sẽ có thêm “cú hích” để phát triển bứt phá với tuyến du lịch đường thủy đầy tiềm năng kết nối Đà Nẵng – Quảng Nam. Cùng định hướng quy hoạch chung, tương lai không xa, khu vực phía Đông Nam hứa hẹn sớm trở thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ mới sôi động của Đà Nẵng./.