Chuyện đầu tiên là ở cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên với người dân xã Quang Hưng vào chiều 19/10 vừa rồi, người chủ trì là ông Trần Minh Hải, chủ tịch UBND huyện, đã rời phòng khi “phát hiện” có báo chí tham dự.
Thực ra, vấn đề đối thoại cũng chỉ xung quanh việc dân làm nhà trên đất sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch. Lều tạm thì được chứ nhà ở thì vi phạm. Vì thế, hàng chục hộ gia đình phải dọn xuống các chuồng heo, chuồng gà chật hẹp, ẩm thấp sinh hoạt, trong khi gà, heo lại được chuyển lên ở trong nhà cao cửa rộng. Nếu người dân vẫn ở nhà cũ thì sẽ bị huyện xem là nhà ở và phải đập bỏ.
Ai cũng hiểu rằng, tình trạng xây nhà trái phép không chỉ xảy ra ở Phủ Cừ mà còn ở rất nhiều nơi khác trên cả nước. Hệ thống luật pháp cũng khá đầy đủ để điều chỉnh các hành vi này. Thế nhưng, Tám tôi không hiểu tại sao ông chủ tịch huyện ở đây lại sợ báo chí đến thế! Sợ mình nói năng hớ hênh chăng? Hay thiếu tự tin về kiến thức pháp lý, khi bị các nhà báo phỏng vấn lại không trả lời được? Rồi lại những chuyện khuất tất lâu nay của huyện nhà, nhỡ trong cuộc đối thoại, dân họ mà “phọt” ra sẽ không kiểm soát nổi?...
Chuyện tương tự nữa thì diễn ra ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm 10/10. Đã mấy tháng nay, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi bị người dân ngăn cản hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện Bình Sơn tổ chức cuộc họp giữa chính quyền huyện Bình Sơn, Sở TNMT, đại diện Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Quảng Ngãi, cùng nhiều sở ban ngành liên quan để bàn phương án đối thoại với dân.
Các nguồn thông tin phản ánh rằng, nhiều hộ dân sống trong khu vực Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Quảng Ngãi rất bức xúc vì nhà máy này hoạt động gây mùi hôi thối khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Từ ngày 24 đến 26/7, người dân kéo đến cổng nhà máy cản trở, yêu cầu nhà máy phải khắc phục mùi hôi thì mới tiếp tục hoạt động. Nhà máy tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố.
Đến ngày 6/8, nhà máy tiếp tục hoạt động và lại phát tán mùi hôi, người dân tiếp tục ngăn cản. Đến sáng 1/10, khi nhân viên nhà máy dọn những khối bêtông lấy lại lối đi thì bị một số người dân ngăn cản, sau đó họ dùng xe tải chở đất đổ trước nhà máy.
Đây là vụ việc được dư luận quan tâm, người dân trong khu vực nhà máy hết sức bức xúc và đã có đơn tập thể đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng sản xuất bột cá gây hôi thối, trả lại môi trường sống cho người dân địa phương.
Nhưng khi đại diện nhiều cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến văn phòng huyện UBND huyện Bình Sơn đăng ký tham dự thì… Chủ tịch huyện từ chối.
Tám tôi cũng nghĩ mãi không hiểu lý do tại sao vị Chủ tịch này không khai thác thế mạnh của truyền thông, của báo chí để cùng huyện giải quyết khó khăn. Liệu lý do có giống như Tám tôi suy đoán như ở huyện Phủ Cừ không nhỉ?
Nhìn chung, vì lý do nào đấy thì Tám tôi cũng thấy buồn cho những ông Chủ tịch này. Bởi lẽ theo nguyên tắc, ông được người dân bầu lên, tiền thuế của dân nuôi ông, nếu ông có yếu kém gì thì cứ đổ tiệt lên đầu dân, chứ mắc mớ gì phải sợ. “Con dại cái mang” kia mà!