Không có bảng hiệu, không có nội quy, gọi là chợ nhưng ở đây chỉ có khoảng chục gian hàng nhỏ. Đã thành lệ từ nhiều năm nay, phiên chợ này được "mở ra" một cách âm thầm, nhưng vẫn thu hút được nhiều người yêu thích cổ vật, ưa hoài niệm. Đến đây, dường như ai cũng có cảm giác như đi trong một khu triển lãm trưng bày cổ vật, với những món đồ cũ, đồ cổ, có món lên tới hàng trăm năm tuổi.
Những món đồ ở chợ đa dạng, từ các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, lư hương… đến các vật dụng bình dị trong cuộc sống hằng ngày như bát, đũa, dao, nĩa... Vì là phiên chợ chỉ mở mỗi năm một lần nên thường thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm.
Một số chủ sạp hàng tại chợ đồ cổ cho biết, có những món đồ họ thu gom dần từ trong năm, có món mua nhiều năm nay giờ mới mang ra bán. Nhiều món khác lại phải đi "lùng" ở các địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình… để mua. So với những năm trước đây, chợ đồ cổ ngày càng bị thu hẹp dần.
Một người bán hàng lại than thở, năm nay kinh tế khó khăn nên người mua hàng cũng ít hơn, hàng khó bán hơn. Vả lại, càng ngày, những món đồ cổ càng ít đi, nên ít người bán hàng hơn.
Có người đến chợ để tìm mua những món đồ đã cất công tìm kiếm từ lâu, có người đến để xem cho vui. Những người già, ưa hoài niệm thích đi chợ đồ cổ đã đành, nhưng ở phiên chợ đặc biệt này cũng có rất nhiều người trẻ. Họ kiếm tìm, mải miết lưu giữ những giá trị, hồn cốt tinh hoa văn hóa.
Người đến chợ đồ cổ đâu phải chỉ là để mua, mà còn là để tìm lại những nét thanh tao từng "vang bóng một thời". Thường thì, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm. Nhiều người bán không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ. Đa phần người bán, người mua đều là những người "sành" hoặc có ít nhiều hiểu biết về đồ cổ, họ gặp nhau để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với đồ cổ, bàn luận về những giá trị xưa cũ.