Thủ đô Manila của Philippines, hiện phải chịu cảnh ùn tắc giao thông không lối thoát, đang hướng đến mục tiêu trở nên nổi tiếng với “thành phố tương lai”.
Được gọi là thành phố New Clark, dự án đô thị này dự định sẽ là một thành phố xanh, công nghệ cao, với những công nghệ như trong phim khoa học viễn tưởng, từ robot đến các phương tiện bay tự lái. Nằm cách Manila 120km, các nhà đầu tư hy vọng nó sẽ là thành phố thông minh đầu tiên của nước này, bền vững và phản ứng tích cực với thiên tai.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hướng tới xây dựng các thành phố tương lai phiên bản riêng của mình. Philippines vẫn còn một chặng đường dài để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, kế hoạch về tài chính của dự án này vẫn chưa chắc chắn.
Theo các nhà phát triển, đối với một đất nước có ngân sách eo hẹp như Philippines, ngân sách của dự án chủ yếu vẫn phải dựa vào các tài trợ thông qua quan hệ đối tác công – tư.
Theo công ty Surbana Jurong, một trong những đối tác tham gia dự án "thành phố tương lai" có trụ sở tại Singapore. Lý do được đưa ra là có thể đối tác lo ngại phải chịu một số áp lực từ việc ùn tắc giao thông ở thủ đô Manila.
Thành phố thông minh này nhắm đến việc khai thác các công nghệ hiện đại để có thể giải quyết các vấn đề nảy sinh từ tình trạng gia tăng mật độ dân số ở các nước Đông Nam Á. “Xe ô tô không người lái có thể sẽ được đưa vào sử dụng. Do đó, nhu cầu về bãi đỗ xe sẽ được giảm bớt”, Giám đốc điều hành Surbana Jurong, ông Heang Fine Wong nói trên CNBC.
Theo ông Wong, không gian đô thị mới sẽ trở thành một “thành phố sinh đôi” với Manila. Việc thu hút khách hàng từ thủ đô Manila sẵn sàng chuyển đến New Clark có thể sẽ là một thách thức. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố cam kết chuyển một số văn phòng đến thành phố New Clark, nhưng kế hoạch mục tiêu chính là để các nhà đầu tư nước ngoài thiết lập hoạt động ở đó.
“Trong khi đó, các dự án cơ sở hạ tầng mới có thể thu hẹp khoảng cách giữa Manila và New Clark”, ông Wong nói. Một tuyến đường sắt hoàn toàn mới đang được Tổng công ty Đầu tư hạ tầng hải ngoại của Nhật Bản xây dựng, sẽ giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố từ 2 - 3 giờ hiện nay xuống còn một giờ.
Giai đoạn đầu tiên của dự án dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2022, nhưng ông Wong nói rằng, mục tiêu là tiếp tục phát triển khi công nghệ cho phép.
Còn nhiều rào cản kỹ thuật vẫn cần được giải quyết. “Tất cả những thứ này cần phải được lên kế hoạch. Cần có mạng lưới giao tiếp. Và mạng lưới giao thông cũng cần phải được đặt đúng chỗ”, ông Wong nói.