Mỗi ngày, các thành phố trên khắp thế giới đều chứng kiến sự gia tăng dân số đáng kinh ngạc. Giới nghiên cứu cho rằng, không có thời điểm nào phù hợp hơn hiện tại để xây dựng các thành phố thông minh, bền vững. Nhằm đưa các thành phố thích ứng với nhịp sống của cư dân và trở thành nơi an toàn, lành mạnh.
Dưới đây là những điểm mẫu chốt được thảo luận trong Hội nghị Bất động sản Châu Á được tổ chức mới đây tại Singapore về những thành phố thân thiện với môi trường, nhân văn và được trang bị công nghệ cao.
"Một phần lý do của xu hướng các thành phố trên toàn cầu muốn trở nên thông minh và bền vững hơn là nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu toàn cầu về môi trường và giảm khí nhà kính", Cha Chungha - đồng sáng lập Quỹ Tái tạo Đô thị tại Hàn Quốc nhận định.
Theo ông Cha, các thành phố phát ra 80% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới, nhưng những số liệu thống kê nghe có vẻ tồi tệ ấy, bằng một cách nào đó lại ẩn chứa một số hy vọng cho tương lai. Bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 60% các tòa nhà sẽ khiến các thành phố trên thế giới phát triển nhanh nhất vào khoảng năm 2050 vẫn chưa được xây dựng. Và đây chính là một cơ hội rất tốt để chúng ta có thể xây các tòa nhà một cách "đúng đắn hơn" - ông Cha nói.
Nếu nhìn ở ba khía cạnh con người - hành tinh - lợi nhuận, thì các thành phố thông minh dựa trên khuôn khổ 8 trụ cột. Đó là Chính phủ thông minh; Xây dựng xanh; Năng lượng thông minh; Sinh thái di động; Cơ sở hạ tầng thông minh; Nền kinh tế thông minh; Cư dân và cộng đồng thông minh và Công nghệ hội tụ trong bất động sản.
Trong những yếu tố này, chính phủ thông minh phải được ưu tiên. Chính phủ Singapore là một ví dụ toàn cầu trong trường hợp này bởi đã thực sự đã làm được một số hành động đáng kể.
"Tôi đến từ Hàn Quốc, và khi đưa ra cái nhìn bao quát, chúng tôi thấy rằng Singapore dường như đang dẫn đầu trong công cuộc trở thành đô thị thông minh và bền vững", Cha Chungha chia sẻ.
Việc xây dựng các công trình xanh cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình "thông minh hóa" các đô thị. Đây cũng là lý do khiến City Developments Limited (CDL) trở thành nhà phát triển đô thị hàng đầu Singapore khi áp dụng các công trình xanh vào thời điểm khởi đầu "cuộc hành trình bền vững". "Khi tôi đến Singapore cách đây 20 năm, tôi thực sự có thể nhìn thấy tính khả thi và sáng suốt của việc áp dụng mô hình thành phố sạch và xanh tại nơi này", bà Esther An - giám đốc phụ trách mảng Phát triển bền vững của CDL cho biết. "Xây dựng xanh đã chứng tỏ nó là một điểm mạnh của Singapore và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Xây dựng xanh cũng áp dụng cho các công ty bất động sản như chúng tôi. Nó có thể nâng cao thương hiệu của chúng tôi và tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm", bà An nói thêm.
Nhìn nhận về việc xây dựng các công trình xanh, hầu hết các nhà phát triển bất động sản sẽ thấy rằng họ có thể hoàn vốn từ đầu tư ban đầu trong vòng 5 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn bám theo các phương pháp xây dựng truyền thống, bất chấp chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất.
Ông Ang Kian Seng, giám đốc nhóm Phát triển môi trường bền vững tại Cơ quan Công trình và Xây dựng Singapore cho biết: "Một số nhà phát triển và nhà cung cấp vẫn chống lại ý tưởng về tính bền vững. Vì vậy chúng tôi phải đưa ra một số khuyến khích các tiêu chuẩn xanh".
Nhân lực trong ngành xây dựng có thể rất đắt đỏ, đặc biệt là đối với những thành phố như Singapore, vốn phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài. CDL đã bắt đầu sử dụng công nghệ lắp ráp PPVC để xây dựng một dự án khu dân cư có quy mô lớn. Dự án gồm 636 căn hộ cao cấp đã được lắp ráp như các khối lego với 4.600 mô-đun được "dính lại với nhau".
Việc sử dụng các mô-đun đúc sẵn đã giúp CDL cắt giảm được 55.000 nhân công và nâng cao năng suất tới 40%. "Đó thực sự là một công nghệ thay đổi 'trò chơi' xây dựng, khiến công việc này trở nên sạch sẽ và thông minh hơn. Quan trọng nhất, nó giúp gia tăng tính an toàn bởi ít đòi hỏi nhiều công nhân phải có mặt tại hiện trường", bà An cho biết.
Công nghệ cảm biến cũng rất quan trọng trong các thành phố thông minh. Một bộ cảm biến có thể giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của 6 tòa nhà tại quận Fusionopolis của Singapore tới 15%, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nước lạnh tới 13%. "Lần đầu tiên bạn có thể sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để theo dõi chính xác từng thiết bị đang làm việc", Ani Bhalekar, giám đốc IoT & Mobility Pratice của Accenture tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, một thành phố thông minh là một thành phố có nhiều hơn tự do thông tin về các tòa nhà. Singapore cũng đang trong quá trình thuyết phục các chủ tòa nhà chia sẻ dữ liệu tổng hợp năng lượng với cộng đồng. Ang Kian Seng nói: "Đáng ngạc nhiên là 76% các chủ đầu tư sẵn sàng làm việc đó. Chúng tôi đang cố gắng để đưa điều này vào luật. Để việc tiết lộ các thông tin liên quan đến quá trình sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng của các tòa nhà là bắt buộc".
Bên cạnh đó, thách thức hiện nay đối với các nhà phát triển tài chính xanh là việc tiết lộ nhiều dữ liệu định lượng hơn cùng với sự minh bạch. Các nhà phát triển cũng phải nỗ lực để bằng cách nào đó cải thiện môi trường đầu tư tài chính.
"Chúng tôi đều sống trong một thế giới minh bạch. Các nhà phân tích đưa ra quyết định đầu tư dựa trên hiệu suất thực sự là những con số rõ ràng. Bạn phải thực sự nghiên cứu một môi trường đầu tư thông qua một ống kính tài chính thì mới đảm bảo được khoản đầu tư của mình thực sự thông minh, và tạo nên được những công trình thông minh một cách đúng đắn", bà Esther An kết luận.