Sự kiện Châu Á/Thái Bình Dương NAR Asia/Pacific Networking and Update do Hiệp hội Bất động sản Hoa kỳ (NAR) tổ chức nhằm mục đích gặp gỡ, trao đổi và cập nhật tình hình với các Hiệp hội bất động sản là Đối tác của NAR thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thay mặt VNREA cập nhật về tình hình Việt Nam với VAR và các đối tác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Đoàn Văn Bình cho hay, Covid-19 với biến thể Delta diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam, nhất là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Số ca nhiễm hàng ngày đang lên tới trên 10.000 ca. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Việt Nam đang tăng tốc tiêm vắc-xin cho người dân.
Thời gian qua, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 6 triệu liều vắc-xin. Sự hỗ trợ này góp phần đẩy nhanh việc tiếp cận và phân phối các loại vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả, tăng cường năng lực của hệ thống y tế Việt Nam nhằm đối phó với đại dịch. Việt Nam chân thành cảm ơn nhân dân và Chính phủ Mỹ, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục nhận được thêm sự tài trợ vắc-xin từ Mỹ trong thời gian tới, giúp Việt Nam tăng độ phủ vắc-xin để sớm mở cửa phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho biết thêm, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. GDP dự kiến của năm 2021 là 5 - 6%.
Theo Phó Chủ tịch VNREA, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, một số phân khúc như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở gắn với đất có thêm không gian xanh phù hợp với tình tình giãn cách xã hội, khu công nghiệp, kho bãi… vẫn duy trì nhu cầu cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng và kỳ vọng trong tương lai. Phân khúc bất động sản du lịch sẽ sôi động trở lại khi đại bộ phận người dân được tiêm chủng và nền kinh tế mở cửa trở lại. Cùng với đó, các sản phẩm bất động sản sẽ được thiết kế xanh hơn, gắn với chăm sóc sức khoẻ hơn và thông minh hơn để thích ứng với đại dịch.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình cũng chia sẻ về 10 lợi thế của Việt Nam giúp bất động sản phục hồi nhanh sau dịch.
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí nằm ở trung tâm ASEAN, có cùng biên giới với Trung Quốc, có 3.260km đường bờ biển nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn.
Thứ ba, Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế và là một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất thế giới khi có tới 17 FTA.
Thứ tư, GDP Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 6 - 7%/năm.
Thứ năm, Việt Nam có gần 100 triệu dân với cấu trúc dân số trẻ.
Thứ sáu, tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Thứ bảy, hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ.
Thứ tám, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đô thị hóa và là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao.
Thứ chín, đó là sự chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế vào Việt Nam.
Lợi thế cuối cùng đến từ quan hệ Việt Nam và Mỹ. Sự hiểu biết lẫn nhau là nền tảng cho quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng tốt đẹp. Quan hệ thương mại song phương đạt 90 tỷ USD năm 2020. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 80 tỷ USD và Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam 10 tỷ USD… Điều này tạo thêm dòng chảy về du lịch, đầu tư… từ Mỹ về Việt Nam. Một phần quan trọng trong tổng số 17 tỷ USD kiều hối hàng năm của Việt Nam đến từ Mỹ. Điều này giúp bất động sản Việt Nam có thêm dòng tiền đầu tư ổn định.
“Thời điểm này là thời cơ để doanh nghiệp Mỹ và các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là thời gian vàng để đầu tư thông qua hình thức M&A các dự án khu đô thị mới ở khu vực ngoại ô các thành phố lớn, khu công nghiệp, nhà xưởng, kho tàng…”, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định.