Aa

Phó Chủ tịch Hội BĐS Du lịch Việt Nam: Thị trường khởi sắc, giới đầu tư đổ xô vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng

Thứ Sáu, 07/10/2016 - 14:07

Trả lời Reatimes về tình hình thị trường BĐS du lịch trong nước thời gian qua, ông Thân Thanh Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam cho biết lĩnh vực này đang rất sôi động ở mọi phân khúc.

Tăng trưởng vượt bậc

Theo ông Thân Thanh Vũ, những năm gần đây lĩnh vực BĐS du lịch phát triển khá đồng đều ở các vùng trên cả nước, ngoài các “thành phố du lịch” vốn nổi tiếng từ lâu như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An hay các trung tâm luôn dẫn đầu như Hà Nội và TP.HCM thì các khu vực khác cũng xuất hiện nhiều khách sạn, resort lớn được tổ chức bài bản, quy mô như Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng… bên cạnh đó có Phú Quốc phát triển vượt bậc với sự xuất hiện của nhiều ông lớn như Vingroup, Sun Group; Bà Rịa - Vũng Tàu sau một thời gian im ắng nay cũng đã xuất hiện hàng loạt dự án mọc lên từ bãi biển Vũng Tàu đến Hồ Tràm.

Lượng du khách từ nước ngoài đến Việt Nam du lịch đang giữ mức tăng trưởng bình quân 7% mỗi năm, lượng phòng khách sạn mới tăng trưởng đạt trên 20% mỗi năm, riêng ở Phú Quốc có thời điểm lên tới hơn 40%.

Ông Thân Thanh Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội BĐS Du lịch Việt Nam

Ông Thân Thanh Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội BĐS Du lịch Việt Nam

Một trong những điểm sáng nhất của lĩnh vực BĐS du lịch trong thời gian qua, theo ông Vũ là mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước đã tăng, nên người dân trong nước đi du lịch nhiều, những năm gần đây số lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa lượng khách đi du lịch quốc tế.

Cùng với đó, người dân cũng giúp thúc đẩy phát triển lĩnh vực BĐS du lịch bằng cách mua nhiều dự án, biệt thự tại các địa điểm mạnh về du lịch, không chỉ biển mà còn cả trong đất liền và miền núi. Lĩnh vực này phát triển không chỉ tạo công ăn việc làm cho lượng lớn nhân công trong nước mà còn đóng góp vào tăng trưởng GDP, mang lại ngoại tệ, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Theo vị Phó Chủ tịch Hội BĐS Du lịch Việt Nam, có 4 nguyên nhân khiến BĐS du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam khởi sắc trong thời gian qua. Nguyên nhân đầu tiên cũng chính là điểm sáng nổi bật: thu nhập bình quân đầu người cả nước ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2005, thu nhập bình quân đầu người nước ta chỉ khoảng hơn 600 USD nhưng đến năm 2015 con số này đã lên đến khoảng 2.000 USD. Thu nhập tăng cao, ngoài việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người như ông Vũ nói là “ăn no mặc ấm” thì nay nhiều người có thêm nhu cầu giải trí cao cấp, nghỉ dưỡng, mua nhà, mua thêm biệt thự nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, cùng với xu thế hội nhập toàn cầu, Nhà nước cũng đã cải thiện nhiều chính sách cho du khách nước ngoài đến với Việt Nam dễ dàng hơn, tháo gỡ thủ tục cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.

Nắm bắt được các xu hướng này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước phát hiện sức mua trên thị trường rất tốt nên thi nhau đầu tư vào lĩnh vực BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lĩnh vực này sôi động hơn.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường BĐS du lịch Việt Nam những năm gần đây khởi sắc theo ông Vũ là cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, nhiều sân bay được đưa vào hoạt động, nhiều tuyến đường dẫn thẳng đến các thành phố du lịch giúp cho việc di chuyển dễ dàng hơn, thu hút lượng lớn khách du lịch ở mọi phân khúc.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thân Thanh Vũ, bên cạnh những điểm sáng, lĩnh vực BĐS du lịch còn gặp phải nhiều hạn chế mà chủ yếu là do các tác động khách quan từ bên ngoài.

Hạn chế đầu tiên là sự gia tăng quá nhanh của số lượng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, biệt thự, cơ sở vui chơi giải trí. Tình trạng xây dựng tràn lan dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Ông Vũ lấy ví dụ điển hình là huyện đảo Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước ta, chính vì thế mà các dự án liên tục mọc lên trên hòn đảo xanh khiến toàn cảnh khu vực như một đại công trường đang xây dựng ngổn ngang, ồn ào, bụi bặm… ảnh hưởng đến các biệt thự, khách sạn đang khai thác phục vụ du khách. 

Việc cung cấp nguồn nước sạch và xử lý nước, rác thải tại các khu du lịch cũng là vấn đề khó khăn hàng đầu hiện nay. Ở Phú Quốc hiện tại mỗi ngày đêm chỉ có thể cung cấp được khoảng 16.500m3 nước sạch trong khi nhu cầu thực tế lên tới hơn 30.000m3. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng thiếu nước, lại hút nước ngầm dễ gây ra xâm thực, sa mạc hóa, ảnh hưởng đến môi trường. Tình trạng nước nước thải từ các khu nghỉ dưỡng không được xử lý đúng quy trình mà thải trực tiếp ra môi trường cũng khiến nhiều du khách e ngại khi đến Việt Nam du lịch, điều này góp phần kéo thấp tỷ lệ lưu trú tại các khách sạn trong nước.

Sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát triển dự án cũng là một trong những yếu tố còn bất cập trong giới kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhiều đơn vị phát triển dự án đã đưa ra cam kết mức lợi nhuận lên tới 10 - 12%. Theo ông Vũ, cam kết này chỉ là hình thức huy động vốn cho các dự án, bởi trên thực tế giá cho thuê cũng chỉ được đến mức lợi nhuận 4%, việc cam kết tới hơn 10% rẫt dễ gây bong bóng trên thị trường. 

BĐS nghỉ dưỡng mọc lên rất nhiều ở Phú Quốc những năm gần đây (Ảnh minh họa)

BĐS nghỉ dưỡng mọc lên rất nhiều ở Phú Quốc những năm gần đây (Ảnh minh họa)

Tình trạng nhân công chất lượng thấp cũng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận hành tại các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Theo ông Vũ các dự án này thường ở xa trung tâm các thành phố lớn nên rất khó tuyển được nhân công được đào tạo theo tiêu chuẩn cao, biết tiếng anh... nếu có tuyển được thì chi phí cũng quá cao. 

Bên cạnh đó, thực trạng chi phí đất đai quá lớn, thủ tục rườm rà cũng là một trong những điểm hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của BĐS du lịch Việt Nam. Theo thống kê của Hội BĐS Du lịch Việt Nam, khi 1 đơn vị muốn đầu tư xây dựng 1 dự án BĐS nghỉ dưỡng phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí, có dự án mất tới 10 - 12 năm. Từ lúc có ý tưởng, tìm kiếm vị trí, xin chủ trương chấp thuận dự án, thuê tư vấn thiết kế quy hoạch, trình nộp sở ban ngành quận huyện, làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng… rồi mới đầu tư xây dựng dự án, doanh nghiệp phải trải qua quá nhiều thời gian và rủi ro trong khi thị trường vẫn thay đổi từng ngày, từng giờ. Bởi phải chịu mất quá nhiều thời gian và chi phí cơ hội, nên các chủ doanh nghiệp muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh lại lựa chọn phương án tăng giá phòng quá cao, ảnh hưởng đến toàn cảnh bức tranh du lịch Việt Nam nói chung. 

Liên kết giới kinh doanh BĐS du lịch

Trước những khó khăn bất cập mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS du lịch phải đối diện, ông Thân Thanh Vũ cho biết Hội BĐS Du lịch Việt Nam đã cùng với Hiệp hội BĐS Việt Nam cố gắng phát huy vai trò cầu nối của hiệp hội, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, hội nghị để kết nối các doanh nghiệp với nhau và với chính quyền, tạo ra nhiều liên doanh liên kết trong giới kinh doanh BĐS du lịch trong nước.

Hội cũng tổ chức các diễn đàn, các buổi đối thoại có quy mô từ lớn đến nhỏ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, trung ương để các doanh nghiệp có cơ hội cởi mở những vướng mắc về chính sách đầu tư, đất đai, giá đất, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… Lắng nghe, tổng hợp ý kiến, phản ánh thực tiễn từ các doanh nghiệp để gửi các kiến nghị lên chính quyền địa phương, Trung ương.

Tuy nhiên cũng theo ông Vũ để lĩnh vực BĐS du lịch có thể tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Ở vị trí của mình, Hội BĐS Du lịch Việt Nam đã cố gắng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp về mặt nghề nghiệp và cũng mới chỉ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về chính sách, pháp luật và tạo cơ hội, kết nối để các doanh nghiệp mở rộng liên doanh liên kết. Ông Vũ cho rằng nếu muốn để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển ổn định còn cần sự vào cuộc sát sao của chính quyền các địa phương, trung ương; không coi các doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý mà là các đối tác hợp tác cùng phát triển.

“Ví dụ ở Quy Nhơn chỉ có một sân bay Phù Cát một ngày chỉ tiếp nhận được khoảng 10 chuyến bay đến và 10 chuyến bay đi loại nhỏ thì lượng du khách đến được đây sẽ rất ít, không đủ để lấp đầy các khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng trong khu vực. Nếu phát triển du lịch Quy Nhơn, chính quyền nên tính đến việc nâng công suất sân bay để có thể đón thêm nhiều khách du lịch hơn nữa, nếu không sẽ xảy ra tình trạng các khách sạn, resort mọc lên mà không có khách, cung lại vượt cầu”, ông Vũ nói.

Ông Vũ nhận định, để chính quyền địa phương làm được những điều này, Hội BĐS Du lịch nói riêng và Hiệp hội BĐS Việt Nam nói chung phải luôn phát huy được vai trò cầu nối của mình, tạo mối gắn kết giữa doanh nghiệp và chính quyền để tạo cơ hội phát triển ổn định cho các doanh nghiệp, tránh xa các nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường.

Nhận định về thị trường BĐS du lịch Việt Nam trong thời gian tới, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam cho biết, Hà Nội và TP.HCM vẫn là thị trường “màu mỡ” nhất, tập trung nhiều dự án của các tập đoàn lớn, thu hút nhiều lượng khách trong nước và quốc tế,có tính thanh khoản cao… Theo ngay sau đó là Phú Quốc - địa điểm sở hữu nhiều đặc tính riêng biệt, độc đáo, có đủ tài nguyên du lịch và cơ hội phát triển hoàn chỉnh… Cùng đó là các địa điểm quen thuộc như Bà Rịa - Vũng Tàu với khu du lịch Hồ Tràm, Hạ Long, Nha Trang được giới đầu tư BĐS ưu ái, Đà Nẵng Hội An với núi, với biển, vừa có giải trí hiện đại vừa có văn hóa lịch sử… Hải Phòng, Thanh Hóa cũng có nhiều cơ hội phát triển.

Ông Thân Thanh Vũ là sáng lập viên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội BĐS Du lịch Việt Nam (VnTPA), Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Tham gia vào các hoạt động thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực BĐS du lịch nói chung, ông Vũ góp phần sáng lập và điều hành nhiều dự án, diễn đàn lớn như Diễn đàn BĐS Du lịch Việt Nam (VnTPO), Diễn đàn đầu tư và Kinh doanh tại Phú Quốc (Phu Quoc Meeting), Dự án Khảo sát thông tin kinh tế chiều sâu cho các hoạt động đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài - Vietnam Business Intelligence…

Ông Thân Thành Vũ cũng tham gia phát triển nhiều dự án BĐSDL lớn của Việt Nam như dự án Bãi Dài - 540ha ở Phú Quốc, Ks Long Beach…

Hiện ông Vũ đang là sáng lập viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc Tiến Thương Mại & Đầu Tư Sao Khuê - cty tư vấn đầu tư, mua bán sát nhập và xúc tiến đầu tư & thương mại lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top